Với việc chấm dứt hoạt động tác chiến tại Afghanistan kể từ đầu năm, chương trình nghị sự chính của NATO sẽ tập trung giải quyết thực tế chiến lược mới tại châu Âu đặc biệt là cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng như cách thức đối phó với các tình huống tương tự. 

Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, việc thành lập lực lượng phản ứng nhanh cộng với tăng cường các khả năng liên minh được xem là nỗ lực củng cố sức mạnh lớn nhất của khối này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. 

nao_jfbb.jpgTrụ sở của NATO tại Brussel (Ảnh AP)

Tuy nhiên, vấn đề ngân sách cho hoạt động của lực lượng này vẫn đang còn bỏ ngỏ. Giới chức NATO hy vọng Mỹ và Đức sẽ là hai quốc gia đóng góp nhiều nhất cho lực lượng này. 

Dự kiến trong năm nay, NATO tiếp tục luân chuyển lực lượng quân sự tại các nước thành viên là láng giềng của Nga nhằm duy trì sức ép lên Moscow. 

Trong các năm tiếp theo, NATO có thể tiếp tục tập kết nhiên liệu, đạn dược, nhu yếu phẩm cũng như các trang thiết bị quân sự khác để phục vụ cho lực lượng phản ứng nhanh trong trường hợp xảy ra xung đột. 

Trước đó, trong học thuyết quân sự mới được công bố cuối năm ngoái, Nga coi Mỹ và NATO là mối đe dọa lớn. Nga cho rằng liên minh quân sự này đang can thiệp không cần thiết vào các chức năng toàn cầu và đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế./.