Vòng đàm phán hòa bình mới cho miền Đông Ukraine dự kiến nối lại tại thủ đô Minsk của Belarus, vào lúc 19h tối 24/12 theo giờ Việt Nam.
Cuộc họp của Nhóm tiếp xúc về Ukraine, gồm chính quyền tại Kiev, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) diễn ra trong bối cảnh tình hình ở miền Đông Ukraine tương đối lắng dịu. Tuy nhiên, Nga và Ukraine vẫn có những động thái cho thấy 2 bên khó có thể xích lại gần nhau trong hiện tại và có thể là cả trong một tương lai khá xa.
Với 303 phiếu ủng hộ và chỉ có 8 phiếu chống, Quốc hội Ukraine ngày 23/12 thông qua một dự luật về việc hủy bỏ quy chế không liên kết của nước này và xác nhận mong muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin thẳng thừng tuyên bố, động thái này tỏ rõ quyết tâm của Kiev nhằm xoay trục sang châu Âu và phương Tây.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngay lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định này của Quốc hội Ukraine là hành động “phản tác dụng” và chỉ làm gia tăng căng thẳng xung quanh cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng cho rằng động thái này biến Ukraine trở thành “kẻ thù tiềm tàng của Nga”.
Trong khi đó, các thành viên NATO ghi nhận động thái của Ukraine và tuyên bố sẽ “tôn trọng” quyết định của Quốc hội nước này nhưng thực chất phương Tây đang tồn tại sự chia rẽ trong quan điểm về việc Ukraine có nên gia nhập NATO hay không, ít nhất là vào lúc này.
Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Semonyak cho rằng, Ukraine không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo ông Tomasz Semonyak, quyết định của Ukraine trong việc bỏ quy chế không liên kết “sẽ không làm xấu hơn” mối quan hệ của nước này cũng như của phương Tây đối với Nga.
Ngày 23/12, một nguồn tin dấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Anh cũng tuyên bố Vương quốc Anh tiếp tục hỗ trợ chính sách “mở cửa” của NATO.
Cùng ngày, một quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ cho biết, Washington “ủng hộ quyền của nhân dân Ukraine trong việc đưa ra những quyết định của chính mình về tương lai đất nước mà không chịu bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài”.
Tuy nhiên, trước đó, một số thành viên chủ chốt của khối, trong đó có Đức, tỏ ra nghi ngờ khả năng Ukraine có thể sớm tham gia NATO.
Theo rất nhiều cuộc thăm dò dư luận độc lập tiến hành từ năm 2005 đến năm 2013 tại Ukraine, việc gia nhập NATO chưa bao giờ là mong muốn của số đông người dân nước này. Quan hệ giữa Ukraine và NATO chính thức bắt đầu tư năm 1991 khi Kiép tham gia Hội đồng hợp tác Bắc Đại Tây Dương.
Chính phủ Ukraine dưới thời cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko từng hy vọng nước này có thể tham gia Kế hoạch hành động của các thành viên NATO tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest năm 2008 nhưng thất bại vì lúc đó chỉ có 17% đến 20% người dân Ukraine ủng hộ động thái này.
Tuy nhiên, sau sự việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga đã có đến hơn 50% người dân Ukraine ủng hộ việc nước này gia nhập NATO và chỉ còn khoảng 43% phản đối.
Nhận định về sự chuyển dịch tư tưởng này, Giám đốc Viện Xã hội học quốc tế Kiev Valeriy Khmelko cho biết: “Khi quan hệ Ukraine và Nga trở nên ngày càng phức tạp, một số người cho rằng Nga là một đất nước thân thiện với một chính sách thân thiện đã thay đổi suy nghĩ của họ. Điều đó đã làm tình hình thay đổi”.
Lần này, chưa rõ Ukraine có đăng ký trở thành thành viên của NATO ngay lập tức hay không song Tổng thống Petro Poroshenko từ lâu đã bày tỏ mong muốn Kiev sớm trở thành thành viên của liên minh quân sự này, qua đó tăng cường khả năng phòng vệ trước mọi nguy cơ.
Mặc dù vậy, phát biểu sau khi Quốc hội thông qua việc hủy bỏ quy chế không liên kết, Tổng thống Ukraine Poroshenko cho biết, vấn đề gia nhập NATO sẽ không được đặt ra ngay lúc này. Chính quyền ở Kiev sẽ bắt đầu chuyển sang thực hiện theo các tiêu chuẩn và tiêu chí của các nước hiện trong quá trình chuẩn bị gia nhập NATO. Giới phân tích thì cho rằng, Ukraine sẽ phải mất rất nhiều thời gian và phải đi một “chặng đường vòng” mới có thể gia nhập NATO./.