Libya hôm qua (27/8) đã cảnh báo Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng, nước này có thể rơi vào cuộc nội chiến toàn diện nếu các phe phái vũ trang không bị tước vũ khí.

chien_truong_syria_ynua.jpgChiến trường Libya (ảnh: thenationalherald)
Phát biểu tại cuộc họp với 15 nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Libya tại Liên Hợp Quốc Ibrahim Dabbashi cho biết:“Hiện tình tình tại Libya rất phức tạp. Tuy nhiên, kể từ ngày 13/7 thì tình hình càng phức tạp hơn và điều này có thể gây ra một cuộc nội chiến toàn diện nếu tất cả chúng ta không hành động cẩn thận và khôn ngoan”.

Bế tắc chính trị ở Libya diễn ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh ác liệt tại sân bay Tripoli từ ngày 13/7 giữa lực lượng Far Libya, chủ yếu gồm các tay súng đến từ khu vực Misrata với lực lượng ở miền Tây nhằm giành quyền kiểm soát sân bay làm ít nhất 7 người thiệt mạng và buộc gần 1 nửa trong số các chuyến bay tại thủ đô Tripoli của Libya phải tạm dừng trong vòng 6 tháng.

Ngoài ra, chính phủ của Libya cũng gặp phải thách thức nghiêm trọng khi ngày hôm qua (27/8),  6 Bộ trưởng nước này đã từ chức sau khi cáo buộc chính phủ lựa chọn đứng về một bên trong cuộc xung đột leo thang giữa các phiến quân thù địch. Theo đó, người đứng đầu các bộ gồm Bộ Công nghiệp, Lao động, Kế hoạch, Giáo dục, Nguồn nước cùng Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề thương - bệnh binh đã đồng loạt đệ đơn từ chức.

Cũng phát biểu tại cuộc họp với các nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về tình hình Libya ông Tarek Mitri cho biết, tình hình tại Libya là đặc biệt nghiêm trọng.

"Mối đe dọa từ các nhóm khủng bố đã trở thành hiện thực. Các nhóm khủng bố có mặt tại một số thành phố ở Libya. Hiện nay điều kiện an ninh hỗn loạn và năng lực rất hạn chế của chính phủ Libya trong việc đối phó với mối đe dọa này có thể tạo ra một mảnh đất màu  mỡ cho các nhóm khủng bố hoạt động tại Libya và nhiều nơi khác”.

Libya đang trải qua thời kỳ bạo lực tồi tệ nhất kể từ sau khi chính quyền của cố Tổng thống Muammar Gaddafibị lật đổ hồi năm 2011. Các cuộc giao tranh giữa các phiến quân Hồi giáo và các phe nhóm đối địch diễn ra khốc liệt. Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Abdullah al-Thinni luôn coi người Hồi giáo là lực lượng thù địch. Hàng nghìn người, trong đó có các nhà ngoại giao và công dân nước ngoài, đã phải rời khỏi đất nước Bắc Phi này. Hàng loạt các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế đã đóng cửa văn phòng tại đây.

Giờ đây, các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế đang lo ngại những xung đột về bạo lực và quyền lợi ở Libya có thể đẩy nước này vào nội chiến và đe dọa trực tiếp tới an ninh trong khu vực.

Để bày tỏ sự lo ngại này, hôm 25/8, Hội nghị Ngoại trưởng các nước láng giềng Libya lần thứ 4 đã diễn ra tại Cairo (Ai Cập) với đề xuất chính là đấu tranh chống khủng bố, hỗ trợ quân đội và lực lượng an ninh Libya.

Do trước thềm Hội nghị, Mỹ và các nước châu Âu đã lớn tiếng cáo buộc Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) can thiệp vào công việc nội bộ Libya nên ngay trong cuộc họp, Ngoại trưởng các nước láng giềng đã nhất trí không can thiệp vào tình hình nội bộ quốc gia Bắc Phi này, đồng thời kêu gọi một cuộc đối thoại dân tộc để chấm dứt tình trạng bất ổn đang leo thang trở lại tại Libya.

Trước đó, Đại sứ Libya tại Cairo đã đề nghị cộng đồng quốc tế giúp nước này bảo vệ các mỏ dầu, sân bay và những tài sản quốc gia khác. Ngoại trưởng Libya Mohamed Abdel Aziz cũng thừa nhận những thách thức nghiêm trọng mà nước này đang đối mặt và kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế./.