Các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực lớn lên nền kinh tế Iran và mục đích không phải là thay đổi chế độ của Iran mà là thay đổi hành vi của nước này.

Phía Mỹ cho biết, hơn 100 công ty quốc tế đã đồng ý rời khỏi thị trường Iran nhằm tránh bị những tổn thất do lệnh cấm vận gây ra. Nhiều tập đoàn lớn của EU và Mỹ cũng thông báo ngừng hợp tác với Iran do các lệnh cấm vận như Công ty dầu mỏ Total của Pháp, công ty Siemens của Đức, công ty vận chuyển "Maersk" của Đan Mạch, công ty "Peugeot" của Pháp, Boeing Mỹ...

f_agml.jpg
Người dân Iran mua hoa quả và rau ở Thủ đô Tehran.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, một nước xuất khẩu dầu thô lớn cũng đã ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường dầu mỏ thế giới. Trong ngày 7/8 giá dầu tăng nhẹ.

Dầu thô Brent tăng 33 cent, tăng 0,4% so với mức đóng cửa trước đó. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 20 cent, tương đương 0,3% lên 69,21 USD/thùng. Giá dầu dự kiến tiếp tục biến động khi nguồn cung dầu thiếu hụt khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày.

Theo các chuyên gia, các lệnh trừng phạt vào tháng 11 cấm buôn bán dầu và khí đốt tự nhiên với Iran trừ khi Hoa Kỳ miễn trừ sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường dầu thô bởi xuất khẩu dầu mỏ chiếm gần một phần năm tổng sản phẩm quốc nội của Iran.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế của Iran sẽ vượt qua bởi nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước châu Âu, Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục hợp tác với Iran, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến các mối quan hệ và hợp tác kinh tế trong tương lai của Iran.

Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini cho biết EU đang khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường kinh doanh với Iran, vì quốc gia này đã tuân thủ các cam kết hạt nhân. EU đang nỗ lực hết mình để duy trì thỏa thuận hạt nhân và để Iran hưởng lợi từ những lợi ích kinh tế mà thỏa thuận mang lại cho người dân nước này. Đây cũng là vì lợi ích an ninh của khu vực Trung Đông và thế giới. Liên minh châu Âu đã ban hành một "đạo luật” để bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu khỏi ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Theo thống kê từ Cục Hải quan Iran, thương mại của nước này với 11 quốc gia châu Âu vượt quá 3,1 tỷ đô la trong ba tháng đầu năm nay , chiếm 27,6% tổng xuất khẩu của Iran. Trong đó, Đức đứng đầu trong số các nước châu Âu, với kim ngạch xuất khẩu trị giá 573 triệu USD. Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Iraq, Afghanistan và Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu hàng hóa chính của Iran chiếm tới 60% tổng xuất khẩu của nước này.

Trong những ngày qua, tình hình xã hội của Iran lại nóng lên khi hàng ngàn người xuống đường biểu tình ở thủ đô Tehran, thành phố Isfahan, thành phố phía nam Shiraz và các thành phố, thị trấn trên khắp đất nước do giá tăng cao và thiếu việc làm. Đây là một thách thức đối với các nhà lãnh đạo Iran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã hứa sẽ thực hiện các bước để kiểm soát lạm phát và thất nghiệp./.