Nói là làm, Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và các cường quốc P5+1, đã áp đặt trở lại các trừng phạt với Tehran. Đáp trả, Iran đã đưa ra những cảnh báo quân sự, song thực tế nước Cộng hòa Hồi giáo lại chưa có hành động thực sự nào.
Giới quan sát cho rằng, nền kinh tế Iran đang chật vật vì nhiều lý do và các trừng phạt của Mỹ có thể mang tới sự “phá hủy” với cả đất nước Iran, vốn đang chứng kiến những cuộc đại biểu tình. Iran đang bị dồn vào chân tường và đối mặt với cùng lúc những đe dọa kinh tế và quân sự từ Mỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, Iran có thể đàm phán với Mỹ thông qua trung gian Nga để giữ thể diện của mình.
Iran bị dồn vào chân tường
Từ ngày 7/8, các trừng phạt của Mỹ nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran có hiệu lực. Có thể thấy, khó khăn đang bủa vây Iran, thậm chí nước Cộng hòa Hồi giáo không có nhiều lựa chọn để đáp trả Mỹ. Những trừng phạt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Iran còn gửi thông điệp rõ ràng tới các đồng minh châu Âu rằng: “Làm ăn với Mỹ hoặc với Iran hoặc không với ai cả”.
Vòng trừng phạt thứ nhất này được ví như “đòn phủ đầu” và vòng thứ 2 sẽ bắt đầu từ tháng 11 tới nhắm vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ là “đòn chí mạng” với ngành xương sống của nền kinh tế nước này.
Mới chỉ là “đòn phủ đầu”, nhưng cũng đủ khiến Iran nháo nhào thay đổi các chính sách về ngoại tệ của mình, từ sa thải người đứng đầu Ngân hàng Trung ương, đến bắt giam hàng loạt người có liên quan đến trao đổi tiền tệ hay là đe dọa sử dụng biện pháp quân sự để đóng cửa tuyến đường vận chuyển dầu chiến lược của khu vực...
“Rõ ràng là người Iran đang chịu đựng và giận dữ vì tình hình kinh tế. Đồng Rial của Iran đã mất giá nghiêm trọng trong năm nay và chỉ còn một nửa so với đồng USD. Chỉ trong tuần trước, giá kem đánh răng tại Iran đã tăng cao gấp 3 lần”, nhà nghiên cứu Dennis Ross làm việc cho 4 đời chính quyền tại Mỹ về Chính sách Trung Đông, nhận định.
Giữa lúc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Iran lại chứng kiến liên tiếp các làn sóng biểu tình phản đối chính phủ từ cả giới giàu có cho đến những người dân nghèo. Theo ông Dennis Ross, những cuộc biểu tình của những người bán hàng rong, những tài xế xe tải đến biểu tình tại các thị trấn ôn hòa là điều không thường thấy ở Iran. Bên cạnh đó, việc cảnh sát chống bạo động Iran trấn áp mạnh mẽ những người biểu tình gần đây là rất đáng chú ý.
Việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và tuyên bố áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran có ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này, song đây không phải là nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Nhà phân tích Ross chỉ ra nguyên nhân chính hạ gục nền kinh tế Iran là: “Tham nhũng, không quản lý được nhân tài, nhiều năm bị cô lập khỏi các chuẩn mực thương mại quốc tế, hay việc Lực lượng Vệ binh Cách mạng kiểm soát quá lớn với nền kinh tế, thiếu minh bạch và không tạo điều kiện cho đầu tư”.
Do đó, trừng phạt nhắm vào kinh tế, vào Ngân hàng Trung ương Iran của Mỹ ngay lập tức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn thu và các thanh toán tiền mặt của nền kinh tế Iran. Các nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể vẫn mua dầu của Iran bất chấp trừng phạt của Mỹ, song điều kiện đi kèm sẽ là giảm giá. Trong khi, Ấn Độ cũng vẫn mua dầu của Iran với đề nghị thanh toán bằng đồng Rupees.
Cứu thỏa thuận hạt nhân liệu có tránh được xung đột Mỹ-Iran?
Iran chỉ có thể “nói mà không làm”
Michael Eisenstadt, một chuyên gia về an ninh và quốc phòng Trung Đông nhận định, Iran có thể mạnh miệng đe dọa đáp trả Mỹ chứ không thể hành động mạnh tay. Theo đó, Iran đang bước vào “cuộc chơi lớn” mà nước này phải cân nhắc cẩn trọng các hành động để tránh Mỹ có thêm các biện pháp đáp trả mạnh mẽ.
“Iran đang đối mặt với tình thế gian nan. Trong quá khứ, cách đáp trả của Iran là tăng gấp đôi chương trình hạt nhân của mình trước sức ép của Mỹ. Tuy nhiên, Iran đã giảm bớt cơ sở hạ tầng hạt nhân theo thỏa thuận lịch sử với Mỹ và các cường quốc khác”, ông Michael Eisenstadt nhìn nhận.
Iran đã đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển khoảng 30% lượng dầu xuất khẩu của thế giới, song với Eisenstadt và nhiều nhà phân tích khác thì đây chỉ là lời đe dọa “sáo rỗng”. Giới quan sát cho rằng, Iran thay vào đó có thể gửi tên lửa cho lực lượng phiến quân Houthi tại Yemen để tấn công các tàu chở dầu của Mỹ hay có thể tấn công quân đội Mỹ tại Syria, tấn công mạng hay gây phiền nhiễu cho các tàu Hải quân Mỹ tại Vịnh Persia.
Song tất cả chỉ là kịch bản mà giới quan sát vẽ ra. Thực tế, Iran chưa thực hiện được bất cứ điều gì. Đặc biệt, việc động binh tại Syria nhằm vào quân đội Mỹ chắc chắn không phải là ý hay. Chắc chắn Mỹ sẽ đáp trả dứt khoát nếu bị thách thức trên chiến trường Syria. Đó là chưa kể đến đồng minh Israel của Mỹ can dự chiến sự Syria với mục tiêu duy nhất là lực lượng và cơ sở hạ tầng quân sự Iran.
Cố vấn Mỹ: Iran nên đàm phán nếu muốn thoát khỏi vòng kìm kẹp
Iran có thể nhờ Putin ra mặt?
Bị bủa vây giữa sức ép của Mỹ mà không có nhiều lựa chọn để đáp trả, Iran có thể phải tính đến phương án đàm phán. CNN dẫn tuyên bố ngày 6/8 của Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng “nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ hoan nghênh đàm phán với Mỹ ngay lúc này”.
“Tôi không có điều kiện tiên quyết. Nếu chính phủ Mỹ muốn đàm phán hãy đàm phán ngay lúc này”, Tổng thống Rouhani phát biểu trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Iran chỉ vài giờ sau khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt.
“Nếu có sự chân thành, Iran luôn luôn hoan nghênh đàm phán và đối thoại”, Tổng thống Rouhani nói.
Trả lời CNN, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng để ngỏ khả năng đối thoại Mỹ-Iran này.
“Hãy chờ xem điều gì thực sự sẽ đến hay đây chỉ là chiến lược tuyên truyền của Iran. Tổng thống Trump luôn khẳng định sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên hay Iran. Nếu Iran sẵn sàng đàm phán về cách hành xử của mình trong khu vực và thế giới, thì tôi cho rằng Tổng thống Trump cũng sẵn sàng đàm phán”, Cố vấn John Bolton nói.
Theo chuyên gia Dannis Ross, đàm phán cũng khả thi khi Iran có thêm lựa chọn “Nga”. Thực tế, Mỹ-Iran khó có thể đặt niềm tin vào đối phương. Chính Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng bày tỏ lo ngại rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là “người đáng tin”, khi chỉ ra việc ông Trump rút khỏi các cuộc đàm phán với Tehran và nhiều thỏa thuận quốc tế khác chứ không riêng gì thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
“Với mối quan hệ Putin-Trump, chúng ta có thể thấy Nga có thể tham gia và đề xuất điều gì đó hay mở ra một cuộc đối thoại”, ông Ross nhận định.
Giải quyết vấn đề Mỹ thông qua Nga hay nhờ Tổng thống Putin ra mặt, Iran vừa có thể giữ thể hiện vừa giải quyết với Tổng thống Trump vấn đề rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử và các vấn đề kinh tế khác. Theo ông Ross, nếu không thể đối thoại trực tiếp với Mỹ, Iran có thể trong 6 tháng tới nhờ cậy tới Nga và Tổng thống Putin dàn xếp đàm phán với Trump./.
Ngoại trưởng Pompeo nêu 12 điều kiện cho cuộc gặp Mỹ-Iran
Mỹ trừng phạt, Iran viện tới cứu tinh Nga và Trung Quốc