Hôm qua (29/5), Bộ trưởng Văn hóa Iran Ali Jannati cho biết người dân nước này sẽ "không thể" hành hương về Thánh địa Mecca năm nay do những "cản trở" từ phía Saudi Arabia.
Điều này càng làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia do các vấn đề liên quan đến Syria và Yemen, đặc biệt sau vụ chính quyền Saudi Arabia tử hình một giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng dòng Shiite hồi tháng 1 năm nay.
Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước IRIB, ông Jannati cho biết, sau 2 lần thương lượng mà không đạt được kết quả do những cản trở từ phía Saudi Arabia, người hành hương Iran sẽ không thể tham gia cuộc hành hương về Thánh địa Mecca năm nay, bắt đầu vào tháng 9 tới.
Theo Bộ trưởng Jannati, phía Iran định chờ phản hồi của giới chức Saudi Arabia về quan điểm của Iran trong các cuộc thương lượng. Tuy nhiên, những sự cản trở từ phía Saudi Arabia cho thấy cuộc hành hương năm nay đối với người Iran là không thể.
Trước đó, một phái đoàn của Iran đã kết thúc chuyến thăm Saudi Arabia ngày 27/5 mà không đạt thỏa thuận cuối cùng nào về việc tạo điều kiện cho người hành hương từ Iran về Thánh địa Mecca ở Saudi Arabia. Bộ Hành hương Saudi Arabia cho biết phái đoàn của Iran đã về nước sau hai ngày đàm phán không đạt kết quả.
Ông Massoud Shadjareh, thành viên trong Uỷ ban nhân quyền Hồi giáo của Iran cho rằng “Tôi nghĩ điều đó rõ ràng Saudi Arabia không chỉ muốn loại cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran mà còn muốn sử dụng bất cứ thứ gì trong khả năng của họ để chống lại Iran. Lễ hành hương là một trong những công cụ phù hợp để họ sử dụng và nó thực sự thái quá.”
Theo Bộ Ngoại giao Iran, những trở ngại từ phía Saudi Arabia liên quan các vấn đề cơ bản đối với người hành hương Iran bao gồm quá cảnh, an toàn và cấp thị thực. Iran cáo buộc Saudi Arabia theo đuổi các chính sách làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Như vậy, nếu lệnh cấm người Hồi giáo Iran đến Mecca có hiệu lực, lễ hành hương được Saudi Arabia tổ chức vào tháng 9 hằng năm sẽ là lần đầu tiên trong 30 năm không có người hành hương từ Iran, quốc gia có cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, phía Saudi Arabia cáo buộc Iran "chính trị hóa" cuộc hành hương và Iran phải chịu trách nhiệm về việc cấm công dân tham gia mùa hành hương năm nay.
Quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia căng thẳng do các vấn đề liên quan Syria và Yemen, đặc biệt sau vụ chính quyền Saudi Arabia tử hình một giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng dòng Shiite hồi tháng 1 năm nay. Vụ việc này đã dẫn tới làn sóng biểu tình ở Iran, người biểu tình đã đột nhập và phóng hỏa Đại sứ quán Saudi Arabia tại thủ đô Iran và lãnh sự quán ở thành phố Mashhad.
Sau vụ việc trên, Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ với Iran và một số nước vùng Vịnh cũng cắt đứt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran./.