Indonesia tuyên bố sẽ tăng cường tuần tra an ninh hàng hải trên Biển Đông để đối phó với chiến lược vùng xám của Trung Quốc, sau khi đuổi tàu cảnh sát biển nước này ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.

Hôm qua (15/9), ông Ian Kurnia, Giám đốc Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla) cho biết, Indonesia sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh tổng hợp của Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia và Hải quân Indonesia để đón đầu “chiến lược vùng xám” của Trung Quốc.

Tuyên bố trên của ông Ian đưa ra sau khi Indonesia trục xuất thành công tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 5204 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Ông Ian cho biết thêm, theo luật quốc tế, việc đi qua EEZ của các quốc gia là được phép, nhưng con tàu đã ở trong khu vực này quá lâu. Sau 2 ngày “tranh cãi qua vô tuyến” với tàu KN Nipah 321 của Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia khi đó đang tuần tra vùng biển Bắc Natuna trong Chiến dịch Ngăn chặn 2020,  tàu Trung Quốc mới chịu rời khỏi vùng biển của Indonesia.

Indonesia cũng đã triệu Phó Đại sứ Trung Quốc yêu cầu làm rõ mục đích sự hiện diện của tàu cảnh sát biển Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Tại buổi làm việc, Indonesia khẳng định không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và không có vùng biển chồng lấn với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh “Indonesia bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn" vì trái ngược với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982".

Trong khi đó, Uông Văn Bân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết con tàu đang thực hiện "nhiệm vụ tuần tra bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc".

Đây không phải là lần đầu tiên tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc đi vào EEZ của Indonesia. Trong giai đoạn từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2020, một số tàu cá của Trung Quốc đã đi vào vùng biển Natuna dưới sự hộ tống của tàu cảnh sát biển. Indonesia đã phải điều động máy bay chiến đấu và ngư dân đến các địa điểm này để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đồng thời có những phản ứng ngoại giao gay gắt.

Vụ việc mới nhất lần này xảy ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa tới Indonesia. Indonesia đã yêu cầu Trung Quốc thực hiện "cam kết đối thoại và duy trì hòa bình ở Biển Đông" mà Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã đưa ra trong cuộc gặp trên./.