Dù không chính thức, song cuộc gặp thượng đỉnh này cũng không hề mất đi sức nóng, bởi kết quả của nó có thể tạo ra những tác động to lớn đối với các mối quan hệ trong khu vực và thế giới.

modi_jinping_uavx.jpg
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải ở Tashkent năm 2016. Ảnh: Indian Express

Đối với cả Trung Quốc và Ấn Độ, lý do để hai nước xích lại gần nhau là khá nhiều, song sự hoài nghi lại cũng không hề ít, thậm chí có những thời điểm còn đặt 2 bên trước tình trạng đối đầu trực diện như từng xảy ra hồi mùa hè năm 2017 quanh khu vực cao nguyên Doklam, mà Trung Quốc gọi là Đông Lãng.

Căng thẳng leo thang tới mức buộc Chính phủ hai nước phải tìm giải pháp nhằm thúc đẩy đối thoại. Chính vì thế, cuộc gặp cấp cao lần này được xem là cơ hội để Trung Quốc và Ấn Độ sửa chữa mối quan hệ vốn phức tạp giữa hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi sẽ có một cuộc trao đổi quan điểm về những thay đổi lớn trong thế giới ngày nay, về các vấn đề toàn diện, dài hạn và chiến lược trong sự phát triển tương lai của mối quan hệ Trung-Ấn. Chúng tôi tin rằng cuộc họp sẽ thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ song phương của chúng ta, không chỉ mang lại lợi ích lớn hơn cho người dân Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn tạo ra ảnh hưởng tích cực và quan trọng đối với hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới”.

Cuộc gặp dự kiến vào ngày 27/4 giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh cũng không hề dễ dàng. Tại cuộc họp của Tổ chức hợp tác Thượng Hải diễn ra hồi đầu tuần, Ấn Độ đã một lần nữa nói không với dự án Con đường tơ lụa hay còn gọi là sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dành nhiều tâm huyết và bắt đầu được khởi động từ năm 2013.

Theo giới phân tích, lập trường này sẽ phủ bóng lên các cuộc thảo luận sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo. Cũng cần phải nhấn mạnh, Ấn Độ là nước duy nhất tham dự cuộc họp đã không thể hiện sự ủng hộ đối với dự án của Trung Quốc. Sự từ chối này cũng đồng nghĩa với việc “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc sẽ trở nên gập gềnh hơn. Bởi Hành lang kinh tế giữa Trung Quốc-Pakistan mà Trung Quốc muốn mở phải đi qua khu vực Kashmir mà Ấn Độ và Pakistan đang tranh chấp.

Nếu nhìn từ phía Trung Quốc, vai trò của Ấn Độ trong dự án này là rất quan trọng, song đối với Ấn Độ lại khác. Nếu đồng ý tham gia vào kế hoạch, cũng có nghĩa là Ấn Độ gián tiếp thừa nhận sự kiểm soát của Pakistan và cũng là từ bỏ chủ quyền đối với khu vực tranh chấp Kashmir. Hơn nữa, trước tham vọng mà Trung Quốc đặt vào dự án, Ấn Độ đang cùng với Nhật Bản cũng đưa ra dự án con đường thương mại của riêng mình, đó là “hàng lang tăng trưởng châu Á Thái Bình Dương”, nhấn mạnh vào sự phát triển bền vững hơn là chỉ tập trung vào thương mại.

Tuy nhiên, khi được hỏi về triển vọng cuộc gặp cấp cao giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng mới đây khẳng định, những mối quan tâm chung của Ấn Độ và Trung Quốc vượt qua sự khác biệt giữa hai nước.

Trong một dấu hiệu đầu tiên cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ đang cố gắng sữa chữa mối quan hệ là hồi tháng 2 vừa qua, Ấn Độ công khai ra lệnh cho các quan chức nước này tránh xa những sự kiện có thể gây ảnh hưởng tới mối quan hệ với Trung Quốc. Kể từ đó, các nhà ngoại giao hai nước đã tổ chức nhiều cuộc gặp và mới đây nhất là cuộc gặp hồi tuần trước giữa Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh.

Sức nóng và sức hút dư luận của cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Ấn tại Vũ Hán lần này còn là bởi nó diễn ra vào một thời điểm được cho là quan trọng đối với cả hai nhà lãnh đạo. Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối phó với các chính sách thuế mới của Mỹ đánh vào nhiều mặt hàng của nước này, thì Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đang cần những đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định trước cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới./.