Đối với một quốc gia đã quen với tình trạng bạo lực và đụng độ chết người thường xuyên xảy ra ở biên giới với Pakistan, cuộc đối đầu thời gian gần đây giữa Ấn Độ với Trung Quốc vì cao nguyên Doklam lại khá bất thường.

doklam_alvn.jpg
Vị trí cao nguyên Doklam. (Ảnh: CNN)

Căng thẳng bùng nổ vào cuối tháng 6 khi Ấn Độ ngăn cản Trung Quốc xây dựng một con đường đi qua cao nguyên Doklam (theo cách gọi của Ấn Độ hay Donglang theo cách gọi của Trung Quốc).

Đã gần một tháng trôi qua nhưng tình hình vẫn chưa có tín hiệu lắng dịu. Binh sỹ Ấn Độ từ Sikkim đã tràn sang cao nguyên Doklam, vùng lãnh thổ mà cả Trung Quốc và Bhutan đều tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Bhutan và cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng khu vực bằng cách xây một đường cao tốc trên đất của Bhutan. Ấn Độ được phép làm tất cả những điều đó bởi Bhutan cho phép nước này can dự vào chính sách quốc phòng và đối ngoại của mình theo một hiệp ước ký kết vào năm 1949, sau đó được thay bằng hiệp ước hữu nghị năm 2007.

Động cơ của Trung Quốc

Dãy Himalaya từ ngàn đời qua đã phân chia một bên là Trung Quốc, bên kia là Ấn Độ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Nam Á, nơi Bắc Kinh hiện chỉ có quan hệ nổi trội nhất với Pakistan, nước bị coi là “cái gai” trong mắt Ấn Độ.

Không có ảnh hưởng mang tính văn hóa và lịch sử của Ấn Độ ở Nam Á, Trung Quốc bù đắp bằng hàng tỷ USD hợp tác và viện trợ với các nước trong khu vực. Từ năm 2015, Trung Quốc đã soán ngôi Ấn Độ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh và đang thu hẹp khoảng cách tại Nepal, Sri Lanka.

Chỉ còn có Bhutan đến nay vẫn không có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc nhưng lại rất thân thiết với New Delhi.

Rõ ràng Trung Quốc nhận thấy rằng Bhutan quá gần gũi với New Dehli để có thể bị “mua chuộc” bằng những hợp đồng hợp tác hay quỹ viện trợ béo bở. Không dùng được “củ cà rốt”, Bắc Kinh quyết định dùng “cây gậy” với Bhutan.

Bắc Kinh “lật bài”

Trung Quốc đã phá vỡ chính sách ngoại giao “tấn công mê hoặc” (charm offensive) kéo dài nhiều thập kỷ qua để chuyển sang đe dọa Bhutan. Bằng cách thách thức an ninh của Bhutan, Bắc Kinh hy vọng có thể khiến “quan hệ đặc biệt” giữa New Dehli và Thimphu trở nên căng thẳng. Bởi nếu Bhutan có bất cứ dấu hiệu nào chần chừ trước những cam kết của Ấn Độ đối với liên minh giữa 2 nước, điều đó sẽ để lại vết sẹo lâu dài cho quan hệ đôi bên và Trung Quốc sẽ được lợi.

Trong một động thái đẩy mọi chuyện đến bờ vực đụng độ, Trung Quốc đã công khai từ chối đàm phán cho đến khi quân đội Ấn Độ rút khỏi cao nguyên Doklam trong khi đồng thời đưa ra một tối hậu thư nói rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ không chờ đợi vô thời hạn.

Một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia “bằng mọi giá” trong cuộc đối đầu với Ấn Độ ở Doklam, tờ Thời báo hoàn cầu (Global Times) của nhà nước Trung Quốc lại đổ thêm dầu vào lửa bằng bài báo tiếng Anh xuất bản ngày 24/7, trong đó kêu gọi Trung Quốc “dạy cho Ấn Độ bài học thứ hai”, ám chỉ bài học đầu tiên là chiến tranh Trung - Ấn năm 1962.

Bác bỏ những quan ngại của Ấn Độ rằng dự án của Trung Quốc xây dựng đường cao tốc của dọc tam giác Ấn Độ – Bhutan – Trung Quốc đe dọa đến lợi ích chiến lược của New Dehli, Thời báo hoàn cầu cho biết Bắc Kinh không quan tâm đến khu vực được gọi là “cổ gà” nối Đông Bắc Ấn Độ với phần còn lại của đất nước này.

Tờ báo này cũng bác bỏ sự bảo hộ của Ấn Độ đối với an ninh của Bhutan, đồng thời nhắc lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với cao nguyên Dong lang (tức Doklam), cho rằng New Dehli mượn cớ phản đối dự án xây đường ở đây để “xâm lược” Trung Quốc.

Thời báo Hoàn cầu cũng tố cáo Ấn Độ lâu nay vẫn dùng “lá bài” Dalai Lama để phá hoại nội bộ Trung Quốc và cảnh báo rằng, Bắc Kinh cũng có thể tiến vào Jammu và Kashmir trên danh nghĩa của Pakistan.

Đây không phải là lần đầu tiên tờ báo này nói riêng và truyền thông Trung Quốc nói chung đề cập khả năng chiến tranh biên giới với Ấn Độ.

Ngược lại với Trung Quốc, cách tiếp cận công khai của Ấn Độ có phần thận trọng hơn với việc sử dụng những phát ngôn hùng biện nhưng có tính toán và thể hiện sẵn sàng đàm phán cũng như thực hiện kế hoạch cùng rút quân.

Đây là chiến lược quen thuộc mà New Dehli đã sử dụng thành công vài lần trước đó, trong suốt những tranh chấp biên giới thường xuyên Trung - Ấn. Cách tiếp cận này cho phép Ấn Độ linh hoạt hơn trong đàm phán và giảm đến tối thiểu nguy cơ leo thang căng thẳng cũng như nhận được sự đồng tình của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, trong trường hợp đối đầu ở Doklam lần này, cách tiếp cận thận trọng đó dường như không hiệu quả và Ấn Độ sẽ phải hành động khác.

Lý do Ấn Độ sẽ không lùi

Chuyên gia về địa chính trị Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách Ấn Độ, ông Sandeep Bhardwaj chỉ ra rằng, Ấn Độ sai lầm khi cho rằng cuộc khủng hoảng này là kết quả của những tranh chấp song phương Trung - Ấn thay vì coi nó là một vấn đề đa phương.

Theo ông, không gì thể hiện điều đó rõ hơn là cách mà truyền thông Ấn Độ phản ánh tình hình hiện nay, trong đó phần lớn phớt lờ Bhutan. Ấn Độ cần phải nhận ra răng ý đồ của Trung Quốc không trực tiếp nhắm tới New Dehli mà tới Thimphu cũng như “mối quan hệ đặc biệt” giữa 2 nước này.

Để vượt qua thử thách đó, Ấn Độ cần phải có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc kể cả khi điều đó có nguy cơ đẩy căng thẳng leo thang. Ấn Độ cần phải nhận ra rằng mục đích cuối cùng của vụ đối đầu này không phải là dàn xếp tương lai trước mắt của cao nguyên Doklam mà là để tái khẳng định với Bhutan sự đáng tin cậy trong cam kết của Ấn Độ.

Lý do Ấn Độ sẽ không phải là bên “xuống thang” trong cuộc đối đầu căng thẳng này có lẽ là vì quan hệ giữa Ấn Độ với Bhutan đang ở trong giai đoạn bấp bênh nhất kể từ năm 1947 đến nay.

Ấn Độ không chỉ có ảnh hưởng về văn hóa và lịch sử với Bhutan mà đây còn là thị trường gần như độc quyền của New Dehli. Gần 80% hàng hóa nhập khẩu và 90% xuất khẩu của Bhutan là với Ấn Độ và Bhutan là nước nhận được nhiều viện trợ nước ngoài nhất từ Ấn Độ. Đó là chưa kể đến việc quân đội Ấn Độ duy trì sự hiện diện lâu dài ở Bhutan.

Ấn Độ rõ ràng cần phải giữ lập trường cứng rắn trong cuộc đối đầu ở Doklam để thể hiện cam kết với đồng minh quan trọng Bhutan. Dù bằng cách đưa ra thêm những tuyên bố hùng hồn trước dư luận hay tăng cường hiện diện quân sự trên thực địa, thông điệp mà Ấn Độ gửi tới cả Bắc Kinh và Thimphu cùng một lúc là nước này có nhiều điều để mất hơn là những gì Trung Quốc có thể đạt được trong cuộc đối đầu này.

Ảnh hưởng của Ấn Độ ở Bhutan có thể coi là một báu vật lịch sử, một khi bị mất đi sẽ không bào giờ giành lại được, đặc biệt là khi để lọt vào tay một Bắc Kinh giàu có, mạnh mẽ và đầy tham vọng./.