Theo các nguồn tin tại chỗ, lãnh đạo Liên minh châu Âu đang tìm cách để dung hòa các yêu cầu của Anh nhằm thay đổi cách thức hoạt động của Liên minh châu Âu hiện nay song chỉ khi đề xuất của Thủ tướng Anh David Cameron không làm ảnh hưởng đến các nguyên tắc cốt lõi của Liên minh châu Âu mà ở đó khối này được thành lập.

Hồi tháng trước, ông Cameron đã chính thức đệ trình một danh sách yêu cầu cải cách trong đó kiến nghị hạn chế lao động người nhập cư tiếp cận một số chế độ phúc lợi nhà nước trong 4 năm đầu sau khi vào châu Âu. 

thu_tuong_anh_rdhn_deoh_srmp.jpg
Thủ tướng Anh David Cameron (Ảnh: netnewsledger).

Anh muốn đạt được một thỏa thuận mới với các đối tác Liên minh châu Âu dựa trên những kiến nghị cải cách này trước khi cử tri Anh tham gia cuộc trưng cầu ý dân dự kiến trước cuối năm 2017 để quyết định có tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu nữa hay không.

Tuy nhiên, yêu cầu này của Anh đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của không ít nước thành viên Liên minh châu Âu.

Pháp dẫn đầu một số các nước trong đó có Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary trong một tuyên bố chung đưa ra tại hội nghị đã nhấn mạnh rằng, họ vẫn đang cân nhắc đề xuất của Anh song sẽ không ủng hộ bất cứ giải pháp nào giới hạn hoặc có thành kiến liên quan đến sự dịch chuyển một số các giá trị cơ bản của Liên minh châu Âu.

Trong khi theo một tuyên bố của Thủ tướng Anh trước thềm hội nghị, nếu không có những cải cách mang tính cơ bản trong hoạt động của Liên minh châu Âu, nhiều khả năng Anh sẽ rời khỏi khối này.

Đề xuất của Anh mới chỉ nhận được sự ủng hộ của Đức. Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một phát biểu đã trấn an Thủ tướng Anh rằng, Đức sẽ là một “người bạn” của Anh đối với đề xuất về đàm phán lại các giá trị cơ bản của Liên minh châu Âu.  

Theo Thủ tướng Đức, Đức mong muốn giữ Anh là thành viên của khối. Tuy nhiên bà Méc-ken cũng nhấn mạnh:  Đức không muốn giới hạn các nguyên tắc cơ bản của Liên minh châu Âu như tự do và không phân biệt đối xử.

Ngoài vấn đề cải cách liên minh châu Âu, đề xuất của Anh cũng bao gồm cả vấn đề phúc lợi và nhập cư. Đây được xem là những vấn đề gai góc trong các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh cuối năm này của Liên minh châu Âu./.