“Chúng tôi muốn giới thiệu Kế hoạch Hành động về Quản lý nghề cá và bảo vệ Môi trường Biển Đông, coi đó là phương tiện để các bên thúc đẩy quản lý chung và duy trì ổn định khu vực Biển Đông”, ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mỹ cho biết như vậy trong buổi gặp gỡ báo chí Việt Nam mới đây.

vov_huyen_gia_poling_anh_2_qslj.jpg
Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải Mỹ Gregory Poling.

PV Đài TNVN phỏng vấn ông Poling.

PV: Trước hết, ông có thể giới thiệu đôi nét về sáng kiến mới - Kế hoạch Hành động về Quản lý nghề cá và bảo vệ Môi trường Biển Đông?

Chuyên gia Gregory Poling:Về mặt chính trị, đây là một kế hoạch hoàn toàn khả thi, bởi bản kế hoạch này bỏ ngoài những yếu tố tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Việc các bên có yêu sách chủ quyền tham gia vào kế hoạch cũng như đồng ý các nội dung trong bản kế hoạch không đồng nghĩa họ thỏa hiệp với nhau; không đồng nghĩa với việc họ từ bỏ những yêu sách về chủ quyền của mình, cũng không đồng nghĩa với việc họ công nhận chủ quyền lãnh thổ hay yêu sách của các quốc gia khác mà nội dung chính của bản kế hoạch này chúng tôi tập trung vào yêu cầu hợp tác về quản lý nghề cá, bảo vệ môi trường biển ở Biển Đông.

Nếu chúng ta cứ nhất nhất chú tâm vào câu chuyện giải quyết tranh chấp thì có lẽ chúng ta sẽ phải đứng trước 2 lựa chọn. Thứ nhất bao giờ giải quyết xong tranh chấp lãnh thổ thì mới có thời gian nói về quản lý nghề cá và bảo vệ môi trường Biển Đông. Thứ hai, song song việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ, chúng ta phải có những động thái ngay lập tức vì quản lý, khai thác nguồn cá và vấn đề môi trường biển Đông không thể đợi được.

PV: Ông đánh giá như thế nào về khả năng thúc đẩy đàm phán COC và giải quyết vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN trong năm 2018?

Chuyên gia Gregory Poling:Có thể thấyphán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Hay đã ảnh hưởng nhất định đến tình hình Biển Đông. Khi chính quyền Philippines có những động thái nới lỏng hơn và gần như không thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc xem đây là một cơ hội để thúc đẩy ngoại giao với các quốc gia Đông Nam Á. Một mặt Trung Quốc tiến hành thúc đẩy đàm phán COC, song song với đó Trung Quốc tiếp tục xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông và đưa thêm nhiều tàu tuần tra thường xuyên hơn.

Ý tưởng và nội dung của COC hoàn toàn tốt. Tuy nhiên, những gì xảy ra trên thực địa cho thấy Trung Quốc không sẵn sàng hy sinh quyền lợi của họ ở Biển Đông để có thể ngồi vào bàn đàm phán và đàm phán một cách công bằng với các quốc gia ASEAN.

PV: Mới đây ASEAN và Ấn Độ nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có duy trì an ninh hàng hải. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Ấn Độ trong việc duy trì một môi trường hòa bình ở Biển Đông?

Chuyên gia Gregory Poling:Tôi cho rằng Ấn độ đóng một vai trò quan trọng hỗ trợ các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ rằng vai trò của Ấn độ cũng sẽ hạn chế bởi vì Ấn độ khó lòng tham dự những hoạt động có tính chất quan trọng ở Biển Đông, ví dụ như tập trận. Tuy nhiên, Ấn độ và ASEAN  hợp tác tốt đẹp sẽ là yếu tố thuận lợi góp phần duy tri hòa bình và ổn định ơ vùng biền này.

PV: Theo ông. căng thẳng giữa Trung Quốc và Indonesia mới đây về việc Indonesia đổi tên vùng đặc quyền kinh tế thành biển “Bắc Natura”, có khiến Biển Đông nóng hơn trong năm 2018?

Chuyên gia Gregory Poling:Qua theo dõi, có thể thấy chính quyền Bắc Kinh luôn đổ lỗi cho tất cả các quốc gia về các sự cố trên Biển Đông. Nhìn trên bản đồ, việc Trung Quốc xâm phạm đặc quyền kinh tế của Indonesia rất rõ ràng nên mối quan hệ giữa Jakarta và Bắc Kinh sẽ còn căng thẳng hơn nữa khi Trung Quốc luôn trung thành với các chính sách của mình. Mặt khác, Indonesia chịu áp lực về đầu tư kinh tế bởi rất nhiều doanh nghiệp Indonesia dựa vào nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc. Đây là điều khiến chính phủ Indonesia lo ngại. Những yếu tố này cho thấy quan hệ Indonesia- Trung Quốc sẽ tiếp tục “nóng” năm 2018.

PV: Vậy theo ông, đâu là giải pháp để giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông trong năm nay?

Chuyên gia Gregory Poling:Tôi cho rằng các quốc gia ASEAN nên tiếp tục đàm phán 1 bộ COC thành công. Chúng ta đã mất tới 20 năm đàm phán và cá nhân tôi quan ngại còn phải mất 20 năm nữa mới đạt được kết quả. Như vậy, giải pháp trước mắt là chúng ta phải nâng cao năng lực cho các cán bộ thực thi pháp luật, cảnh sát biển… Chiến lược của Trung Quốc là “mưa dầm thấm lâu” biến Đường Lưỡi bò thành hiện thực. Bởi vậy, để duy trì hòa bình và ổn định, các quốc gia ASEAN, ngoài hợp tác với nhau, còn có thể hợp tác với các đối tác bên ngoài, ngoài Hoa Kỳ còn có Australia, Nhật Bản. Và thông qua con đường ngoại giao, các quốc gia có quyền lợi sát sườn nhất như Việt Nam, Philippines, Malaysia cần có sự đồng tâm và nỗ lực hơn nữa trong việc biến COC thành hiện thực.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vấn đề Biển Đông trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Singapore năm 2018 này?

Chuyên gia Gregory Poling:Cá nhân tôi đánh giá rất tích cực về nhiệm kỳ của Singapore năm 2018. Tôi cho nhiệm kỳ Chủ tịch của Singapore sẽ hiệu quả hơn Philippines. Tuy nhiên, Singapore lại không có yêu sách trực tiếp ở Biển Đông, chính vì thế mà Singapore sẽ tiếp cận chủ yếu trên mặt trận ngoại giao và  chính sách. Những nước có quyền lợi trực tiếp như Việt Nam, Indonesia, Philippines… sẽ phải tiếp tục tăng cường kết nối và theo sát mọi diễn biến trên Biển Đông.

PV: Xin cảm ơn ông./.