Thông tin đưa ra trong Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ.

do_luong_uicq.jpg
Năm 2025, Việt Nam kỳ vọng vào top 5 ASEAN về hạ tầng đo lường quốc gia (Ảnh minh họa: kt)

Đề án lấy doanh nghiệp làm trung tâm để tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam, tiết giảm ngoại tệ nhập khẩu phương tiện đo, chuẩn đo lường. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ xây dựng, triển khai các giải pháp khoa học và công nghệ chủ chốt về đo lường để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đề án đặt ra mục tiêu có ít nhất 500 doanh nghiệp vào năm 2025 và 1000 doanh nghiệp vào năm 2030 triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm đo lường.

Theo thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH&CN), năm 2015 hoạt động sản xuất phương tiện đo, chuẩn đo lường tại Việt Nam đáp ứng khoảng 20% nhu cầu của doanh nghiệp và đến năm 2030 con số này sẽ nâng lên khoảng 25%.

Để đạt được mục tiêu, đề án cũng đề ra những giải pháp chiến lược, trong đó, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đo lường của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ.

Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia về đo lường trong các lĩnh vực đo: độ dài, khối lượng, lực – độ cứng, áp suất, dung tích – lưu lượng, hóa lý – mẫu chuẩn, điện, điện từ trường, thời gian - tần số, nhiệt độ, quang học, âm thanh - rung động; ưu tiên phục vụ lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, dịch vụ logistics, trang thiết bị y tế, quan trắc và bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện chương trình bảo đảm đo lường, hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu phương tiện đo, chuẩn đo lường, phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia, tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật, nâng cao năng lực dịch vụ về đo lường và đặc biệt thúc đẩy, tăng cường hợp tác quốc tế về đo lường./.