TờPhilstarngày 22/1 đưa tin, chính quyền Manila sẽ không can thiệp vào những diễn biến căng thẳng mới phát sinh giữa Trung Quốc và Mỹ gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, ngay cả khi bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

tau_chien_my_htaj.jpg
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Hopper. Ảnh: Reuters.

Bắc Kinh đã cáo buộc Washington vi phạm chủ quyền của nước này sau khi tàu khu trục USS Hopper của Mỹ áp sát bãi cạn Scarborough nằm cách Zambales,  Philippines khoảng 124 hải lý.

Trong khi Trung Quốc tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền của họ thì các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng, sự hiện diện của tàu khu trục USS Hopper ở khu vực trên là phù hợp với luật pháp quốc tế.

Lầu Năm Góc tuyên bố các hoạt động tuần tra trên Biển Đông của hải quân Mỹ thể hiện quyết tâm của Washington trong nỗ lực duy trì tự do hàng hải trên khắp các vùng biển và tại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Được biết, tàu khu trục USS Hopper của Mỹ đang tham gia vào các chiến dịch của Hạm đội 7 với nhiệm vụ “tăng cường hợp tác an ninh, xây dựng năng lực của các quốc gia đối tác và duy trì hiện diện thường xuyên trong khu vực”.

“Chúng tôi không muốn trở thành một phần trong vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ có thể tự lo cho lợi ích của họ”, tờ Philstar dẫn lời ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines.

Theo ông Roque, các vấn đề của Mỹ không còn là vấn đề của Philippines bởi vì chính quyền Tổng thống Duterte đang theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập hơn.

Mặc dù vậy, Manila vẫn khẳng định tuyên bố chủ quyền với bãi cạn Scarborough “được hiến pháp Philippines và luật pháp quốc tế công nhận”.

Trung Quốc ngày 21/1 tuyên bố sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ cái gọi là chủ quyền với Scarborough sau vụ việc nói trên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng xác nhận, tối 17/1, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Hopper của Mỹ di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough.

Ông Lục Khảng cho rằng tàu USS Hopper đã “xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng tới lợi ích an ninh” của Trung Quốc đồng thời tạo ra “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với tàu thuyền của Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough.

Bãi cạn Scarborough là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông nhưng Bắc Kinh đơn phương tuyên bố có chủ quyền với toàn bộ khu vực này. Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines vào năm 2012, sau đó thường xuyên điều tàu đến khu vực trên và ngăn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường xung quanh.

Đến năm 2013, Chính phủ của Tổng thống Philippines khi đó là ông Benigno Aquino đã kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế PCA và đến tháng 7/2016, Tòa trọng tài được lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển đã ra phán quyết bác bỏ cái gọi là “yêu sách đường 9 đoạn” của Trung Quốc bao trùm hầu khắp Biển Đông- trong đó có bãi cạn Scarborough.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình diễn ra vụ kiện, Trung Quốc tuyên bố không quan tâm cũng như không tham dự. Trung Quốc cũng khẳng định sẽ phớt lờ phán quyết của Tòa với lý do Tòa không có đủ thẩm quyền pháp lý để làm điều này./.