Năm 1988, Đài Loan chạy đua chế tạo trái bom hạt nhân đầu tiên của mình. Thế nhưng một nhà khoa học của quân đội Đài Loan đã đặt dấu chấm hết cho tham vọng đó khi ông đào tẩu sang Mỹ và bóc trần kế hoạch hạt nhân hóa của Đài Loan. Dưới đây là câu chuyện của người đàn ông khẳng định mình phản bội hòn đảo này để cứu nó:

Cho tới tận ngày nay, những người chỉ trích vẫn coi Trương Hiến Nghĩa là một kẻ phản bội, nhưng ông Trương không hề hối tiếc về điều đó.

hat_nhan_dai_loan_1_pien.jpg
Nhà khoa học hạt nhân Trương Hiến Nghĩa đến Mỹ vào tháng 1/1988. (Ảnh của nhân vật)

Từ ngôi nhà của mình ở bang Idaho (Mỹ), người đàn ông 73 tuổi này bình thản và kiêu hãnh nói: “Nếu có thể làm lại, tôi vẫn sẽ làm điều đó”.

Vị cựu đại tá quân đội này đã sống ở Mỹ từ năm 1988 khi ông đào tẩu sang xứ cờ hoa, một đồng minh thân cận của Đài Loan.

Điều này có thể gây khó hiểu một chút bởi lẽ quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan vốn thuộc diện thân thiết. Thế nhưng, Washington khi đó đã phát hiện được chính quyền Đài Loan bí mật ra lệnh cho các nhà khoa học phát triển vũ khí hạt nhân.

Bên kia bờ eo biển, từ thập niên 1960, chính phủ Trung Quốc cũng đã phát triển thành công kho vũ khí hạt nhân. Đài Loan kinh sợ về viễn cảnh số vũ khí này được dùng để tấn công họ.

Đài Loan ly khai khỏi Trung Quốc sau cuộc nội chiến Trung Quốc vào năm 1949. Cho tới hôm nay, Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và họ đã thề sẽ tái thống nhất hòn đảo này vào lãnh thổ của họ, kể cả bằng cả vũ lực nếu cần thiết.

Đội ngũ lãnh đạo của hòn đảo này vào thời điểm đó đang trong giai đoạn không rõ ràng. “Tổng thống” của vùng lãnh thổ này, Tưởng Kinh Quốc, đang sắp chết, và Mỹ phán đoán tướng Hác Bách Thôn, người mà họ xem là một nhân vật diều hâu, sẽ trở thành người kế nhiệm ông Tưởng.

Mỹ lo ngại eo biển Đài Loan sẽ hạt nhân hóa và Mỹ quyết tâm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Đài Loan và ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang khu vực. Do vậy họ bí mật đưa ông Trương vào kế hoạch chặn đứng chương trình hạt nhân của Đài Loan.

Nhà máy 221, nơi Trung Quốc nghiên cứu và thử nghiệm trái bom hạt nhân đầu tiên của nước này. Ảnh: Zhang Bin.

Vào thời điểm ông Trương được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tuyển dụng vào đầu thập niên 1980, ông là Phó Giám đốc của Viện Nghiên cứu Năng lượng Hạt nhân Đài Loan, chịu trách nhiệm về chương trình vũ khí hạt nhân.

Là một trong các nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Đài Loan, ông Trương được hưởng các ưu đãi và mức lương khủng.

Tuy nhiên, ông kể, khi ấy ông bắt đầu đặt câu hỏi liệu hòn đảo Đài Loan có nên sở hữu vũ khí hạt nhân hay không sau khi xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Liên Xô vào năm 1986.

Trương Hiến Nghĩa đã bị thuyết phục trước lập luận của người Mỹ cho rằng việc ngăn chặn chương trình hạt nhân Đài Loan sẽ “tốt cho hòa bình, vì lợi ích của cả Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan”.

“Lý lẽ của người Mỹ rất phù hợp với suy nghĩ của tôi”, ông Trương nói. “Nhưng lý do quan trọng nhất khiến tôi đồng ý là họ đã rất nỗ lực để bảo đảm an toàn cho tôi”.

Nhiệm vụ sau đó là đưa ông Trương và cả gia đình ông ra khỏi Đài Loan.

Đào tẩu

Khi đó, các cán bộ quân sự của Đài Loan không được rời hòn đảo này nếu không được cho phép.

Vì vậy, ông Trương Hiến Nghĩa trước tiên bảo đảm cho vợ mình và 3 đứa con nhỏ an toàn bằng cách gửi họ sang Nhật Bản trong một kỳ nghỉ.

Hai vợ chồng ông Trương thời kỳ đào tẩu sang Mỹ. Ảnh: Betty Trương.

Vợ ông, Betty Trương, cho hay bà không có chút manh mối nào về cuộc sống kép của chồng mình. Họ mới chỉ nói chuyện về khả năng ông Trương nhận một công việc ở Mỹ.

Bà Betty nhớ lại: “Ông ấy bảo với tôi rằng việc này là để thử xem liệu tôi có dễ dàng ra khỏi Đài Loan được không, cũng như để kiểm tra lượng hành lý tôi có thể mang theo”.

Bà Betty xuất cảnh vào ngày 8/1/1988 cùng với các con. Bà đã rất thích thú khi được đi thăm khu công viên Tokyo Disneyland.

Ngày hôm sau, ông Trương đáp một chuyến bay sang Mỹ, sử dụng một hộ chiếu giả do CIA cung cấp.

Tất cả những gì Trương phải làm là mang theo một ít tiền mặt và một vài đồ đạc cá nhân. Khác với các báo cáo trước đây, Trương kể rằng ông không mang theo bất cứ một tài liệu nào khi rời Đài Loan.

Ông Trương nói: “Chính quyền Mỹ có tất cả bằng chứng [về chương trình hạt nhân của Đài Loan – ND], họ chỉ cần thêm một ai đó, như tôi, để xác nhận”.

Trong khi đó ở Tokyo (Nhật Bản), một phụ nữ đã tiếp cận vợ của ông Trương và trao cho bà một bức thư của chồng. Đó là thời khắc bà phát hiện ra chồng mình là một điệp viên CIA và đã đào tẩu khỏi Đài Loan.

Bà Betty kể: “Bức thư viết rằng “Em sẽ không bao giờ quay trở lại Đài Loan nữa. Từ Nhật, em sẽ sang Mỹ”. Điều này làm tôi bất ngờ... Tôi chỉ biết khóc thôi khi biết rằng mình không còn được quay lại Đài Loan nữa”.

Vợ con của Trương đã nhanh chóng được đưa lên một chiếc máy bay hướng tới Seattle (Mỹ), nơi họ gặp ông Trương ngay tại sân bay.

Gia đình Trương sau đó được đưa tới một cơ sở an toàn ở Virginia, do các lo ngại ông Trương có thể bị các đặc vụ Đài Loan hoặc những phần tử cực đoan của hòn đảo này ám sát.

Trong vòng một tháng sau đó, nước Mỹ đã thành công trong việc ép Đài Loan chấm dứt chương trình hạt nhân. Để làm được điều này, Mỹ đã sử dụng cả thông tin tình báo họ thu thập được và lời xác nhận của đại tá Trương.

Khi ấy người ta tin rằng Đài Loan chỉ cần thêm một hoặc hai năm nữa là hoàn thành việc chế tạo một quả bom hạt nhân.

Hồi ký

Ông Trương Hiến Nghĩa im hơi lặng tiếng trong hàng thập kỷ. Nhưng với việc nghỉ hưu mới đây thì Trương không muốn giữ bí mật nữa, mà muốn chia sẻ về cuộc đời mình qua một cuốn hồi ký.

Ông Trương Hiến Nghĩa hiện nay và cuốn hồi ký của mình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cuốn sách trên - viết chung với học giả Chen Yi-shen, được xuất bản vào tháng 12/2016. Cuốn hồi ký đã làm dấy lên tranh cãi về việc liệu ông Trương đã làm điều đúng cho Đài Loan hay không.

Một số người ca ngợi ông vì đã ngăn ngừa một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm tàng. Số khác xem hành động của ông là đã tước bỏ của Đài Loan một thứ vũ khí giúp họ phòng vệ và sinh tồn.

Thậm chí những đảng viên trong Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của Đài Loan (đảng chính thức phản đối việc phát triển vũ khí hạt nhân) cũng có cách nhìn không thống nhất đối với các hành động của ông Trương.

Wang Ting-yu, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của “nghị viện” Đài Loan, và là đảng viên DPP, nói: “Bất chấp quan điểm chính trị của anh là gì, khi anh phản bội hòn đảo này, điều đó là không chấp nhận được, không thể tha thứ được”.

Nhưng ông Trương khẳng định, khi đó ông sợ rằng các chính trị gia Đài Loan tham vọng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để chiếm lại Trung Quốc đại lục.

Ông Trương cho biết, bà Tống Mỹ Linh (phu nhân của Tưởng Giới Thạch và mẹ kế của ông Tưởng Kinh Quốc) cùng một nhóm tướng lĩnh trung thành với bà này đã đi xa tới mức thành lập một nhóm chỉ huy độc lập để đẩy nhanh việc phát triển vũ khí hạt nhân.

“Họ nói rằng họ không định sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng chả ai tin”, ông Trương nói. Ông bổ sung thêm rằng Mỹ thì chắc chắn là không tin điều đó rồi.

Ngày nay, ông Trương nói, có thể vẫn còn các chính trị gia muốn sử dụng loại vũ khí này, lần này là để giành sự độc lập chính thức cho Đài Loan trước Trung Quốc bằng bất cứ giá nào.

Trong các năm qua, có một số lãnh đạo của Đài Loan đã bóng gió về mong muốn tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân. Nhưng các đề xuất này đã nhanh chóng bị gạt bỏ trước sự phản đối của Mỹ.

Mặc dù vậy, ngày nay nhiều người vẫn tin hòn đảo này đủ khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng nếu cần. Trung Quốc trong các năm gần đây đã đe dọa sẽ tấn công Đài Loan nếu hòn đảo này dám triển khai vũ khí hạt nhân.

“Vẫn yêu Đài Loan”

Sau vụ đào tẩu của Trương, quân đội Đài Loan đưa ông vào danh sách những kẻ trốn chạy. Nhưng đến khi trát bắt ông hết hiệu lực vào năm 2000, ông vẫn chưa trở lại Đài Loan và không có ý định như vậy.

Ông Trương không muốn đương đầu với các chỉ trích mà ông chắc chắn mình sẽ gặp phải. Ông cũng muốn tránh các tác động tiêu cực lên gia đình khi quay về Đài Loan.

Năm 1990, gia đình ông Trương đã chuyển sang Idaho (Mỹ) định cư. Tại đây, ông Trương làm kỹ sư và nhà khoa học tư vấn cho Phòng Thí nghiệm Quốc gia Idaho của chính quyền Mỹ cho tới khi ông nghỉ hưu vào năm 2013.

Trương Hiến Nghĩa cho biết điều hối tiếc duy nhất của mình là ông không thể gặp lại cha mẹ trước khi hai cụ qua đời.

Trương nói: “Không nhất thiết phải ở Đài Loan thì mới là yêu Đài Loan. Tôi vẫn yêu Đài Loan... Tôi là người Đài Loan, tôi là người Trung Hoa. Tôi không muốn người dân Trung Quốc ở hai bờ eo biển Đài Loan sát hại lẫn nhau”./.