Theo các nhà phân tích, việc cung cấp viện trợ quân sự cho Libya để giúp nước này chống lại những phần tử cực đoan thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể đánh dấu sự khởi đầu trong chiến lược mới của Moscow nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đến vùng Kavkaz. Ngoài ra, đây cũng có thể được xem là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm mở rộng sự hiện diện hải quân của Nga ở Địa Trung Hải.

libya_xmez.jpgPhiến quân IS đang tăng cường sự hiện diện tại Libya (Ảnh: Reuters)

Nội chiến tại Libya và sự xuất hiện của IS tại nước này

Gần 4 năm sau khi chính quyền của ông Muammar Gaddafi bị lật đổ, Libya hiện đang sa lầy vào một cuộc nội chiến. Chính phủ được quốc tế công nhận - đang tạm thời “đóng đô” ở Tobruk, miền Đông Libya - phải chiến đấu chống lại chính phủ tự xưng đang giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli và các nhóm phiến quân có liên hệ với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo. 

Cuộc nội chiến này có vẻ bị “lãng quên” đối với truyền thông quốc tế. Tuy nhiên thời gian gần đây, cái tên Libya lại một lần nữa được nhắc đến trong các bản tin thời sự khi IS đăng tải một đoạn video khủng khiếp mô tả cảnh hành quyết 21 người Công giáo Ai Cập trên một  bờ biển tại Libya.

Sau các cuộc không kích gần đây của Ai Cập nhằm vào các vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Libya nhằm trả đũa việc IS hành quyết 21 công dân Ai Cập, các cuộc tranh luận về sự hỗ trợ quốc tế cho chính phủ hợp pháp tại Libya hiện nay đã diễn ra tại Liên Hợp Quốc. 

Một số cường quốc thế giới và bản thân chính thể hợp hiến hiện nay ở Libya đã phản đối sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào nước này. Lựa chọn khả dĩ nhất đang được thảo luận hiện nay là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt đối với Libya kể từ năm 2011.

Jordan - một quốc gia vùng Vịnh gần đây đã lưu hành một dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong đó đề xuất việc dỡ bỏ lệnh cấm vận như là một trong số các biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ Libya.

Bình luận về các sự kiện đang diễn ra ở Libya và triển vọng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm hỗ trợ nước này, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin nói rằng, Moscow sẽ “nghiêm túc xem xét” dự thảo nghị quyết của Jordan cũng như khả năng cung cấp vũ khí cho chính phủ Libya nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

"Chúng tôi đã sẵn sàng để thảo luận về cách thức nhằm giúp Libya có thể thoát khỏi tình trạng hiện nay, bao gồm cả việc đơn giản hóa thủ tục cung cấp vũ khí cho chính phủ Libya", ông Churkin nói với hãng thông tấn TASS.

Khi được hỏi liệu Nga có xem xét việc tham gia vào các chiến dịch quốc tế chống IS tại Libya, ông Churkin nói rằng, "từ quan điểm chính trị" ông sẽ không loại trừ khả năng này. Tuy nhiên quyết định như thế nào sẽ thuộc thẩm quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo các nhà phân tích, tuyên bố của nhà ngoại giao Nga về một nỗ lực có thể được đưa ra nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Libya báo hiệu một sự thay đổi lớn trong chiến lược của Moscow. Trước lo ngại về sự lây lan của Nhà nước Hồi giáo cực đoan đến vùng Kavkaz nhưng lại không muốn liên quan đến liên quân quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu hiện nay tại Iraq và Syria, Nga đã tìm thấy vị trí của mình tại Libya - nơi sự tham dự của Nga có thể đóng một vai trò quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Quân đội Libya hiện vẫn sử dụng phần lớn vũ khí, trang thiết bị quân sự do Nga sản xuất (Ảnh: libyanherald.com)
Nga có thể trang bị vũ khí cho Libya?

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 18/2 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Libya nói rằng, nước ông đang rất dễ bị tổn thương bởi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, đồng thời nhấn mạnh rằng, Libya đang tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp của cộng đồng quốc tế. 

Nếu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya, nó sẽ mở đường cho việc cung cấp trực tiếp các thiết bị quân sự cho nước này trong đó Nga có thể đóng một vai trò quan trọng.

Trước khi chính quyền của ông Muammar Gaddafi sụp đổ, Libya và Nga đã ký kết nhiều hợp đồng vũ khí trị giá khoảng 4-10 tỷ USD. Sau cuộc cách mạng năm 2011, chính phủ mới tại Libya đã bắt tay vào việc xem xét các giao dịch vũ khí trên, tuy nhiên do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ban hành Nghị quyết 1973 ngày 17/3/2011 áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí, đến nay không có hợp đồng vũ khí nào giữa Libya và Nga được thực hiện.

Gần đây xuất hiện thông tin cho rằng, trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới Ai Cập ngày 9-10/2 vừa qua, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Libya cũng đã đến thủ đô Cairo và có cuộc gặp với phái đoàn Nga và quan chức chính quyền Ai Cập. Theo một số báo cáo chưa được xác nhận, Nga và Libya sau đó đã ký một thỏa thuận chuyển giao vũ khí. Thỏa thuận này có thể có hiệu lực sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.

Nga có khả năng trở thành nhà cung cấp thiết bị quân sự lớn của Libya vì theo một thỏa thuận năm 2008, Moscow đã xóa khoản nợ trị giá 4,5 tỷ USD cho Tripoli để đổi lấy các hợp đồng cho các công ty quốc phòng của Nga. Cho đến nay, các hợp đồng này vẫn chưa được chính phủ Libya thực hiện.

Bên cạnh đó, ý định mua trang thiết bị quân sự do Nga sản xuất của Libya là khá rõ ràng. Lực lượng quân đội của quốc gia này hầu như toàn bộ được đào tạo sử dụng vũ khí mà Liên Xô cung cấp cho Tripoli trong suốt thập niên 80 của thế kỷ trước - do đó họ có chuyên môn cần thiết để có sử dụng ngay lập tức những loại vũ khí Nga. 

Cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Quốc hội Libya trong chuyến thăm đến Moscow ngày 5/2 vừa qua cho biết, chính phủ Libya muốn mua những thiết bị quân sự mới nhất của Nga và muốn các chuyên gia Nga đào tạo cán bộ quân sự cho Libya.

Có thông tin cho rằng, vào khoảng giữa năm 2008 và 2010, Moscow và chính quyền Gaddafi khi đó đã thảo luận một số hợp đồng vũ khí. Theo đó, Libya sẽ mua một số máy bay chiến đấu SU-35 và SU-30MK, cũng như các loại trực thăng KA-52, KA-28, MI-17 và MI-35M. Chính quyền Gaddafi cũng đã đồng ý mua các hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2, xe tăng T-90, hệ thống tên lửa phòng không TOR-M1 cùng một số lượng lớn vũ khí cầm tay. 

Hiện vẫn chưa rõ, hệ thống vũ khí nào sẽ được đưa vào hợp đồng mới giữa Libya và Nga và liệu các loại vũ khí này có hiệu quả trong cuộc chiến chống lại những kẻ cực đoan hay không?

Có ý kiến cho rằng, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí có thể được coi là một bước đi nguy hiểm vào thời điểm này, bởi chính phủ không được quốc tế công nhận đang kiểm soát phần phía Tây Libya có thể mua bán các thiết bị quân sự. Tuy nhiên, với quy định trong Nghị quyết số 2174 (2014) của Hội đồng Bảo an, việc bán vũ khí cho chính quyền được quốc tế công nhận ở Tobruk có thể được thực hiện với sự chấp thuận của Ủy ban Trừng phạt của Hội đồng Bảo an. Chính vì vậy, Nga có thể yêu cầu một sự ủy quyền tại Hội đồng Bảo an mà không cần phải dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận.

Tăng cường quan hệ với Libya sẽ giúp hải quân Nga hiện diện thường xuyên hơn ở Địa Trung Hải (Ảnh: RT)
Libya có vai trò gì trong chiến lược hải quân mới của Nga tại Địa Trung Hải?

Phát biểu với các phóng viên tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Nga Vitaly Churkin nói rằng, hải quân Nga có thể tham gia hoạt động ngoài khơi bờ biển Libya để ngăn chặn việc cung cấp vũ khí cho các phần tử cực đoan bằng đường biển. "Nếu Nga có thể tham gia vào các hoạt động ngoài khơi bờ biển Somalia thì không có lý do gì chúng tôi không thể tham gia vào một hoạt động ở Địa Trung Hải", ông Churkin lập luận.

Năm 2008 tàu chiến Nga đã tham gia vào các nỗ lực quốc tế nhằm chống nạn cướp biển ngoài khơi Somalia. Theo Nghị quyết số 1838 (2008) của Liên Hợp Quốc cho phép các quốc gia triển khai các tàu hải quân ở vùng biển gần Somalia để chống nạn cướp biển, Nga đã gửi 3 tàu chiến tới tuần tra vùng biển ngoài khơi vùng Sừng châu Phi và hộ tống các tàu dân sự.        

Trong vài năm qua, hải quân Nga đã hoạt động rất tích cực ở vùng biển Địa Trung Hải. Moscow tuyên bố sẽ tiến đến việc đưa hải quân thường xuyên hiện diện tại đây để tăng cường ảnh hưởng của Nga lên khu vực Trung Đông. Một nhóm gồm các tàu chiến từ hạm đội Biển Bắc, hạm đội Baltic và hạm đội Biển Đen của Nga đã tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên trên biển Địa Trung Hải và đang nỗ lực để đạt được tầm ảnh hưởng mà Hạm đội Hải quân số 5 của Liên Xô cũ đã từng có trước đây khi đồn trú tại khu vực này.

Bên cạnh đó, chính phủ hiện nay ở Tobruk đặc biệt quan ngại về sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố đến thành phố cảng do phe nổi dậy chiếm giữ ở phía Tây Libya, cũng như việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp dọc theo bờ biển. Chính vì vậy, sứ mệnh của các tàu chiến Nga sẽ là đảm bảo phong tỏa các vùng lãnh hải của Libya và ngăn chặn các loại vũ khí rơi vào tay những phần tử cực đoan.

Năm 2008, Moscow và Tripoli đã đồng ý thiết lập một căn cứ hải quân Nga ở Benghazi. Tuy nhiên kế hoạch này đã không trở thành hiện thực. Với việc cơ sở hải quân Tartus của Nga tại Syria khó có khả năng được nâng cấp thành một căn cứ hải quân trong tương lai, Moscow đang tính đến việc lập một căn cứ hải quân khác trên khu vực Địa Trung Hải.

Theo các nhà phân tích, việc khôi phục lại quan hệ Nga - Libya sẽ là thắng lợi cho cả hai bên. Chính phủ Libya sẽ nhận được trang thiết bị quân sự rất cần thiết để chống lại phiến quân và các cuộc tấn công của IS, còn Nga sẽ có thêm các hợp đồng cho các công ty quốc phòng của mình cũng như có thể thiết lập sự hiện diện hải quân lâu dài tại các thành phố cảng của Libya, đồng thời giúp cho hải quân Nga có thể hiện diện thường xuyên hơn ở Địa Trung Hải./.