Hồi giữa tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksei Reznikov cho biết, Tổng thống Zelensky đã yêu cầu ông huy động 1 triệu binh sỹ để giải phóng miền Nam Ukraine. Gần đây, ông Sergiy Khlan - trợ lý Tổng thống Zelensky, nói rằng Kiev đã đạt bước ngoặt ở khu vực này và “chắc chắn sẽ giải phóng Kherson trước tháng 9”.
Với những tuyên bố mạnh mẽ của Ukraine, nhiều người cho rằng, tình hình chiến sự đang đảo chiều theo hướng bất lợi với Nga. Nhưng ông Daniel L. Davis, thành viên cao cấp của Trung tâm phân tích chiến lược Defense Priorities và là cựu Trung tá trong quân đội Mỹ lưu ý, Ukraine cần phải xem xét lại những nguyên tắc cơ bản trong chiến đấu và tránh đưa ra những đánh giá quá lạc quan.
Trong những tuần qua, các lực lượng Ukraine đã tập trung nỗ lực giành lại quyền kiểm soát Kherson. Ông Zelensky cho biết, quân đội Ukraine đang từng bước tiến tới việc chiếm lại khu vực phía Nam, sử dụng hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) để dội hỏa lực vào các mục tiêu của Nga và làm hư hại nghiêm trọng câu cầu bắc qua sông Dnipro. Việc mất cây cầu này có thể cản trở nỗ lực chiến đấu của quân đội Nga tại Kherson.
Ông Richard Moore, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Anh (SIS/MI6) dự đoán, các cuộc tấn công của Nga sẽ nhanh chóng bị thất bại. Ukraine được cho là đã sử dụng hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp cho để phá hủy 50 kho chứa đạn dược của Nga, làm suy giảm khả năng duy trì chiến dịch quân sự của nước này. Còn Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley tuần trước tuyên bố rằng, Nga đã “không đạt các mục tiêu chiến lược của nước này” bất chấp những hành động mà họ đang thực hiện.
Trước việc truyền thông phương Tây đăng tải một loạt tin tức bất lợi đối với Nga, nhiều người cho rằng, Ukraine sẽ thành công khi tiến hành cuộc phản công nhằm tái chiếm Kherson trước tháng 9. Nhưng theo chuyên gia Daniel L. Davis, những thông tin nói trên chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện. Khi đánh giá tất cả những yếu tố quan trọng khác, triển vọng có vẻ kém tươi sáng đối với Ukraine.
Chuyên gia Daniel L. Davis nhận định, việc phân định thắng, thua trong một cuộc chiến không chỉ hoàn toàn dựa vào số lượng vũ khí, chẳng hạn như xe tăng, pháo binh và tàu sân bay, mà còn phụ thuộc vào chất lượng quân đội và trình độ huấn luyện, đào tạo của các binh sỹ.
Hồi tháng 6 vừa qua, ông David Arakhamia, một trong những cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Zelensky và là nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine với Nga, cho biết có khoảng 1.000 binh sỹ Ukraine thương vong trong trận chiến tại Donbass mỗi ngày. Phần lớn tổn thất thuộc về những đơn vị có kinh nghiệm chiến đấu và được huấn luyện tốt nhất. Điều đó khiến Ukraine thiếu đáng kể quân nhân chuyên nghiệp và phải điều động thêm nhiều quân nhân dự bị cũng như tân binh.
Không chỉ mất đi những binh sỹ đắc lực, mà Ukraine còn bị “chảy máu trang thiết bị”. Tướng Volodymyr Karpenko, chỉ huy lực lượng hậu cần Lục quân Ukraine thừa nhận nước này đã mất khoảng 50% số lượng khí tài quân sự kể từ khi xung đột nổ ra, “trong đó có 1.300 xe chiến đấu bộ binh, 400 xe tăng và 700 hệ thống pháo binh”.
Là một người từng chiến đấu trong nhiều trận chiến xe tăng lớn và giành nhiều năm tham gia các cuộc tập trận cơ giới hóa quy mô lớn ở châu Âu, ông Daniel L. Davis nhận định, quân đội của Ukraine sẽ gặp rất nhiều thách thức khi mất đi nhiều chỉ huy cũng như các binh sỹ dày dặn kinh nghiệm trong khi có số lượng xe bọc thép và đạn dược hạn chế. Theo ông, nhiệm vụ mà Ukraine cố gắng hoàn thành - thực hiện cuộc phản công lớn để đẩy lùi các lực lượng Nga ra khỏi Kherson, có thể vượt quá khả năng của họ. Cả Ukraine và Nga đều chịu tổn thất lớn trên chiến trường. Tuy nhiên khi so sánh thiệt hại của mỗi bên, khó khăn mà Ukraine phải đối mặt lớn hơn nhiều.
Phòng thủ là một chiến lược phổ biến và dễ thực hiện nhất trong chiến tranh. Nhưng sự nhẫn nại và kiên trì của quân đội Ukraine được cho là chưa đủ để vượt qua những yếu tố có lợi cho Nga đang đè nặng lên họ. Chẳng hạn, nếu Ukraine có thể tập hợp một lực lượng có đủ quy mô, trang thiết bị và vũ khí để tiến hành một cuộc phản công lớn tại Kherson, thì tuyến phòng thủ của họ ở những nơi khác sẽ bị hổng và chịu rủi ro trước các cuộc tấn công của Nga.
Trong một cuộc tấn công, yêu cầu quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ hoạt động của các lực lượng cánh trái, cánh phải, sự hỗ trợ pháo binh từ phía sau phòng tuyến, hỗ trợ hậu cần và quan trọng nhất là khả năng đánh giá tình hình để hạ bệ đối phương. Đây là điều mà các tân binh hoặc lực lượng bán chuyên nghiệm của Ukraine còn thiếu.
Với đội quân có kinh nghiệm chiến đấu hạn chế và sự thiếu hụt trang thiết bị nghiêm trọng, việc tiến hành tấn công một đối thủ có nhiều nguồn lực hơn sẽ khó thành công. Ngay cả khi phương Tây cung cấp cho Kiev một số vũ khí tiến tiến, Nga vẫn có lợi thế lâu dài về không quân, tên lửa và pháo binh, chuyên gia Daniel L. Davis lưu ý.
Chưa kể, rủi ro đối với phía Ukraine là rất lớn. Các lực lượng của nước này có nguy cơ hứng chịu nhiều thương vong hơn, mất nhiều vũ khí hơn và cuối cùng có thể mất nhiều vùng lãnh thổ hơn ở giai đoạn đầu cuộc chiến. Trong khi đó, tất cả những gì Nga phải làm là chống đỡ đòn tấn công và chỉ rút lui khi cần thiết để tránh bị bao vây./.