Không chỉ tổ chức những hoạt động nhặt rác, làm sạch môi trường đơn thuần, các bạn trẻ còn tạo ra nhiều mô hình, dự án bảo vệ môi trường, lan tỏa ra cộng đồng.
Hàng ngày, nhiều bạn trẻ đang sử dụng ống hút làm từ gạo, tre, cỏ bàng, thủy tinh thay cho ống hút nhựa; giảm bớt tiêu thụ túi nilon bằng cách đem theo túi vải, túi cói khi đi mua sắm hay đem theo bình nước cá nhân để mua cà phê, trà sữa nhằm hạn chế ly nhựa dùng một lần...
Những hành động này không chỉ mang tính phong trào nhất thời mà đã trở thành lối sống xanh được các bạn trẻ áp dụng, duy trì nhiều năm qua.
Hòa mình trong việc xây dựng lối sống xanh đó, mô hình "Lại đây Refill Station" đã ra đời - chuỗi cửa hàng cung cấp các sản phẩm dùng cho cá nhân và gia đình được làm từ chất liệu thân thiện với môi trường như: bàn chải tre, ống hút tre, lược gỗ, bông tắm xơ mướp, khẩu trang vải, xà bông gạo, dầu gội bồ hòn,...
Ở "Lại đây Refill Station" có một dịch vụ rất đặc biệt đó là cho phép và khuyến khích người mua mang các chai lọ, bình chứa cũ đến để sang chiết, làm đầy bằng các sản phẩm như dầu gội, sữa tắm, nước rửa chén, nước lau nhà hữu cơ nhằm tái sử dụng, giảm thiếu xả chai lọ cũ ra môi trường.
Mô hình này hoạt động từ năm 2018, do 2 cô gái khởi xướng và điều hành. Nguyễn Dạ Quyên – một trong 2 nhà sáng lập của "Lại đây Refill Station" cho biết nhựa không thể phân hủy và tồn tại hàng trăm năm, từ đó, cô muốn giảm rác nhựa. "Ở nước ngoài đã có rất nhiều người làm, và mình cũng có thể làm nên mình đã lập ra dự án này” - Quyên chia sẻ.
Một hoạt động lan tỏa lối sống xanh khác cũng đang được rất nhiều nhóm bạn trẻ tại TP.HCM thực hiện đó là “đổi pin lấy cây” nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về tác hại của việc xả pin cũ ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, đặc biệt có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc hít thở.
Nhóm "Nhà nhiều lá" do tổ chức Green Life TP.HCM sáng lập là một trong các nhóm đang triển khai chương trình “Đổi pin lấy cây”. Hoạt động này đã được nhiều bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình khi thu gom pin cũ trong gia đình, trong trường học và cả nơi làm việc để mang đến cho chương trình.
Anh Hoàng Quý Bình, người sáng lập "Nhà nhiều lá" cho biết, hiện nhóm đang thu gom được 50.000 viên pin và có hơn 2.000 người tham gia chỉ sau 2 ngày tổ chức.
Sau khi đọc được thông tin về sự kiện qua facebook, chị Mỹ Hoa đã cùng con gái đến tham gia. Theo chị Hoa, dự án này rất hay bởi có rất nhiều người vẫn chưa hiểu được sự độc hại của pin khi người ta bỏ vào thùng rác. Cho nên việc đầu tiên tưởng nhỏ mà không nhỏ đó là làm cho mọi người biết được sự độc hại. Sau đó với hoạt động đổi cây này tác động mọi người, từ em nhỏ tới người lớn, mỗi ngày ý thức hơn, cứ có pin là phải bỏ riêng ra để giảm bớt độc hại cho môi trường.
Chưa dừng lại ở đó, các bạn trẻ ở TP.HCM còn tổ chức "Chợ phiên không rác" tại cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Các sản phẩm được bày bán chủ yếu là sản phẩm xanh, sản phẩm đã qua sử dụng hoặc đồ thủ công.
Đặng Quang Minh Tuấn - sinh viên năm thứ nhất, trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – người khởi xướng "Chợ phiên không rác" cho biết, tiêu chí của phiên chợ là sẽ không bán những đồ dùng có liên quan tới rác thải và cố gắng giảm thiểu rác, kể cả khâu đóng gói cũng dùng túi giấy.
Minh Tuấn cũng trăn trở với việc làm sao để ngày càng nhiều bạn trẻ cùng mình bảo vệ môi trường. “Mình cảm thấy vấn đề môi trường hiện nay khá là nhức nhối, mình cũng thấy hơi buồn vì cũng là Gen Z, là thế hệ trẻ với nhau nhưng chỉ một số bạn có nhận thức phải bảo vệ môi trường. Thế nên tụi mình ở đây với sứ mệnh lan tỏa việc giữ gìn môi trường nhiều hơn”, Tuấn bày tỏ.
Bằng những nhận thức sâu sắc về môi trường và những hành động rất cụ thể, thiết thực, các bạn trẻ ở TP.HCM đang xây dựng và lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng./.