60 năm sau trận Điện Biên Phủ, nhà nghiên cứu, Tiến sĩ - Đại úy Ivan Cadeau là người đã tiết lộ về một bí mật được giữ kín của nước Pháp về Ủy ban điều tra thất bại tại Điện Biên Phủ. Ủy ban được thành lập bất đắc dĩ, phán xét nửa vời và gần như không có tác dụng gì để rồi cuối cùng kết quả điều tra lại được giữ kín suốt 50 năm (1955-2005). Và theo nhận định của Đại úy Ivan Cadeau, “cả phía quân sự lẫn dân sự Pháp khi đó đã bắt tay nhau để giữ kín kết quả điều tra về Điện Biên Phủ”.
Vượt qua nhiều thủ tục phức tạp của Bộ Quốc phòng Pháp, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) thường trú tại Pháp đã có cuộc phỏng vấn với Đại úy Ivan Cadeau.
Phóng viên VOV đã nhiều lần phỏng vấn Đại úy Ivan Cadeau |
PV:
Tiến sĩ-Đại úy Ivan Cadeau: Việc chỉ định Chủ tịch Ủy ban điều tra diễn ra vào thời điểm có sự chuyển giao quyền lực ở chính phủ Pháp. Tướng George Catroux được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Pierre Mendes France chọn, sau đó Mendes France từ chức nhưng người kế nhiệm cũng đồng ý với lựa chọn này. Tổng cộng có 4 ủy viên, cộng thêm một tổng thư ký Mozal là 5 người. Thủ tướng Mendes France cũng chọn một người từ mảng dân sự vào Ủy ban làm cố vấn. Các thành viên còn lại đều là các tướng quân sự, được Bộ trưởng quốc phòng chỉ định. Tướng Navarre có chỉ trích thành phần của Ủy ban điều tra, cho rằng tướng George Catroux có phần gắn bó với chính quyền; nhưng những thành viên ủy ban đều là những người có tiếng trong quân đội nên ý kiến của họ được tôn trọng.
PV: Qua 22 phiên điều trần, Ủy ban có những phát hiện đáng chú ý nào về trách nhiệm của các tướng lĩnh Pháp trong trận Điện Biên Phủ không, thưa ông?
Tiến sĩ-Đại úy Ivan Cadeau: “Có rất nhiều mức độ trong cuộc điều tra này. Mục đích của Ủy ban điều tra không phải là đi tìm điều gì đó đặc biệt, như là một sai lầm khủng khiếp, hoặc một lỗi nào đó không thể chấp nhận được… Ủy ban điều tra đã rà soát lại từ đầu toàn bộ trận đánh và nhận ra rằng, gần như là tất yếu, cuộc chiến ở Điện Biên Phủ, dựa trên tương quan lực lượng giữa hai bên, khó có thể mang lại một kết cục tốt đẹp cho quân đội Pháp. Họ cũng đã xem xét vai trò của tướng De Castres và cũng có thể đã nhận xét rằng ông ấy lúc này thì nên làm thế này, lúc khác thì nên làm thế kia. Nhưng rõ ràng là ngồi êm ấm trong văn phòng mà phán xét thì bao giờ cũng dễ, thế nên, kể cả khi có đưa ra những báo cáo kỹ thuật, Ủy ban cũng không phán xét hay trừng phạt các tướng ở ngoài mặt trận.
Một mức độ khác của cuộc điều tra là với các tướng Navarre và tướng Cogny, đánh giá xem các tướng này đã chỉ huy ra sao, với những câu hỏi như “thưa Đại tướng, lẽ ra vào thời điểm đó, trung đoàn này của Việt Minh đã chiếm ngọn đồi này thì ngài nên làm thế này, nên làm thế kia…”. Các tướng Navarre và Cogny đều đã trả lời các câu hỏi đó, rằng lúc đó họ không có phương tiện, họ không có máy bay yểm trợ… Nội dung của cuộc điều tra là như thế, gồm các câu hỏi, về trách nhiệm chính của từng người…
Đại úy Ivan Cadeau giới thiệu với PV VOV một hộp hồ sơ về Ủy ban điều tra Điện Biên Phủ |
Cuối cùng, Ủy ban điều tra đưa ra kết luận rằng đặt trong tình huống đó, đối mặt với đội quân Việt Minh mạnh, các tướng lĩnh khác của Pháp cũng khó có thể làm tốt hơn những gì mà các tướng Navarre, Cogny hay De Castries đã làm ở Điện Biên Phủ.”
PV: Ủy ban đã đề cập như thế nào về trách nhiệm của chính phủ Pháp khi đó?
Tiến sĩ-Đại úy Ivan Cadeau: “Trong suy nghĩ của Chủ tịch Ủy ban điều tra thì bản báo cáo cuối cùng của Ủy ban sẽ được giữ bí mật. Do đó, Chủ tịch Ủy ban tướng Catroux đã đề cập khá nhiều đến trách nhiệm của chính phủ, đã dám chỉ trích sự vận hành lệch lạc của nền cộng hòa thứ 4, khi mà trong 9 năm đã có sự thay đổi chính phủ cầm quyền đến 19 lần. Tôi nghĩ rằng vị chủ tịch ủy ban đã dám nói rõ “trắng- đen”, không có ý định giấu diếm. Nhưng tôi phải nói thẳng thắn là nếu bản báo cáo được viết ra để công khai thì chắc chắn ủy ban sẽ không thể nói nhiều đến trách nhiệm của chính phủ như thế mà chúng ta sẽ thấy có nhiều khác biệt.
Về trách nhiệm của chính phủ, Ủy ban điều tra đề cập chung chung đến sự vận hành của cả hệ thống chính trị Pháp khi đó, hoàn toàn thiếu một định hướng và sự lãnh đạo đối với cuộc chiến tại Đông Dương, nhưng không đề cập đến cá nhân nhà lãnh đạo chính trị nào.”
PV: Về việc thay đổi kế hoạch tấn công từ phía quân đội Việt Minh theo quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì tướng Navarre có phải điều trần trước Ủy ban không?
Tiến sĩ-Đại úy Ivan Cadeau: “Tướng Navarre có trả lời câu hỏi về sự thay đổi đó, nhưng thực sự thì từ phía Pháp, vấn đề đó không phải quá quan trọng. Quân Pháp đã phân tích rất kỹ lực lượng của Việt Minh, biết rằng các khẩu pháo đã được đưa lên các ngọn đồi và cũng đã phân tích rằng vấn đề với quân đội Việt Minh là không thể kéo dài cuộc chiến do vấn đề tiếp viện và hậu cần.
Đại úy Ivan Cadeau tiết lộ với PV VOV rằng với các băng cối âm thanh được giữ lại, dù Bộ quốc phòng Pháp có đầy đủ máy móc, những vẫn không nghe được. Đặc biệt cuộn băng có ghi ngày 7/5/54 (ở chính giữa), Đại úy Cadeau tự đặt câu hỏi không biết đó có phải ghi lại những cuộc điện đàm cuối cùng của quân Pháp trước khi thất trận hay không |
>> Xem thêm: Pháp thua tại Điện Biên Phủ là tất yếu
Với địa hình ở Điện Biên Phủ và sức mạnh của quân Việt Minh, phía Pháp đã dự tính được là sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cho rằng khó khăn đó không đủ để họ thất bại. Phía Pháp cũng không bất ngờ trước việc Việt Minh thay đổi kế hoạch tấn công vì các tin tình báo chúng tôi cũng có. Tuy nhiên, với tương quan lực lượng thì kết quả như sau này là điều phải đến.”
PV: Kết luận của Ủy ban điều tra đối với các cựu tướng lĩnh ở Điện Biên Phủ như thế nào?
Tiến sĩ-Đại úy Ivan Cadeau: “Ủy ban điều tra không có thẩm quyền phán xét mà có thẩm quyền quan trọng để đưa ra ý kiến.
Với tướng De Castries, kết luận là rất rõ ràng. Dù có lúc này, lúc khác tướng De Castries có phạm phải sai lầm, nhưng Ủy ban kết luận - mà tôi rất đồng tình - đó là một người khác thay tướng De Castries thì cũng không thể làm tốt hơn. Những sai lầm của tướng De Castries không có tác động lớn và cũng khó thay đổi được kết cục của cuộc chiến. Làm tướng thì có lúc thắng, lúc thua, tướng De Castries đã làm tất cả những gì có thể, với tất cả những phương tiện ông có, ông không phạm sai lầm lớn nào nên kết luận của Ủy ban là không có một trừng phạt nào với tướng De Castries cả.
Báo cáo của tướng Navarre về việc chỉ huy ở Đông Dương - báo cáo ghi ngày 12/7/1954 |
Với tướng Cogny thì đã có những kiến nghị rất rõ ràng, nhưng vì là kiến nghị nên có thể nghe theo hoặc chỉ tham khảo. Tướng Cogny bị chỉ trích mạnh nhất là về mặt tư duy chiến thuật, nhất là cấp sư đoàn. Nhưng tướng Cogny cũng có những quan hệ rất mật thiết trong giới chính trị nên ông cũng không bị trừng phạt gì vì rốt cục thì ông cũng không phải là người đứng đầu chịu trách nhiệm cho thất bại ở Điện Biên Phủ.
Trang đầu tiên trong phần hỏi đáp của tướng Navarre trước Ủy ban điều tra |
Với tướng Navarre, Ủy ban kiến nghị trao cho ông một vị trí khác phù hợp với trách nhiệm mà ông phải chịu sau thất bại ở Đông Dương. Dĩ nhiên là giới chính quyền Pháp không làm vì trong dư luận, tướng Navarre bị xem như là hình ảnh đại diện cho thất bại của nước Pháp ở Đông Dương. Về cách này hay cách kia thì tướng Navarre đã bị trừng phạt dù không có một “bản án” cụ thể nào. Thực ra thì nếu tướng Navarre tuân thủ “luật chơi” thì mọi chuyện sẽ khác. Tức là sau thất bại ở Điện Biên Phủ, nếu tướng Navarre nhận lãnh mọi trách nhiệm thì có thể ông sẽ bị đình chỉ chức vụ trong vài tháng rồi sau đó người ta sẽ trao lại cho ông chức tư lệnh ở một nơi khác. Nhưng tướng Navarre không chấp nhận điều đó, ông rất quyết liệt, muốn lập lại sự thật, muốn người này hay người kia phải thừa nhận sai lầm. Đó là lý do sau này ông viết hai cuốn sách về Điện Biên Phủ để công bố sự thật.”
PV: Đến năm 2005, sau 50 năm theo quy định, Ủy ban điều tra trận Điện Biên Phủ đã được Bộ quốc phòng Pháp đưa ra công khai. Nhưng vì sao từ đó đến nay, ít người, ít nhà nghiên cứu để ý đến số tư liệu này?
Tiến sĩ-Đại úy Ivan Cadeau: “Trước năm 2005 có một nhà báo tên là Patrick Jeudy đã có cơ hội đặc biệt đọc những tư liệu này và làm một phim tài liệu tên là “Điện Biên Phủ - báo cáo bí mật”. Nhưng vào thời điểm đó, chưa có quyền phát sóng. Sau đó khi tư liệu về ủy ban điều tra được công khai thì bộ phim có được chiếu trên truyền hình nhưng vào giờ khuya nên ít người chú ý.
>> Xem thêm: Mỹ định dùng bom hạt nhân giải cứu Điện Biên Phủ
Điều khó với các nhà nghiên cứu là phải khẳng định sự tồn tại của một ủy ban như thế, bởi tất cả các cuốn sách lịch sử trước đó hoàn toàn không đề cập gì đến ủy ban này. Và một phần cuộc chiến Đông Dương không thu hút sự quan tâm của người Pháp lắm, nhất là một cuộc chiến ở nơi rất xa và nước Pháp đã thua trận nên ít nhà nghiên cứu để ý đến ủy ban.”
PV: Thế còn những tư liệu về Ủy ban điều tra đang có tại Trung tâm lịch sử Bộ Quốc phòng có được nhiều người tra cứu hay không ?
Tiến sĩ-Đại úy Ivan Cadeau: “Với giấy tờ tùy thân, mọi người có thể tới đây làm thẻ đọc và tra cứu các tài liệu về ủy ban điều tra. Tuy nhiên, để tra cứu được phải biết cách tìm mã, cốt của các tập tài liệu, do đó, chúng tôi cũng phải hỗ trợ nhiều cho những người có nhu cầu nghiên cứu.
Về phía Việt Nam, ở đây, chúng tôi đón tiếp tương đối thường xuyên các đoàn Việt Nam đến để nghiên cứu tài liệu, không chỉ về cuộc chiến Đông Dương mà còn cả các vấn đề lịch sử khác … Và phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam là nhà báo Việt Nam đầu tiên tiếp cận trực tiếp những bộ hồ sơ về Ủy ban điều tra Điện Biên Phủ. Chúng tôi rất sẵn sàng hỗ trợ nếu có sinh viên Việt Nam hay nhà nghiên cứu nào của Việt Nam quan tâm đến chủ đề này có thể tới tra cứu.
Tôi cũng cho rằng sẽ rất tốt nếu chúng ta có sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các nhà nghiên cứu lịch sử của hai nước. Chiến tranh đã đi qua và giữa Pháp với Việt Nam, không phải chỉ có những từ ngữ về chiến tranh mà còn có cả những di sản chung. Về phía Pháp, cuộc triển lãm mới đây về Đông Dương được tổ chức ngay trong bảo tàng quân đội cho thấy đã có sự cởi mở về cuộc chiến từng là nỗi hổ thẹn đối với người Pháp. Tôi cho rằng sự hợp tác là cần thiết bởi lịch sử sẽ không thể viết chính xác nếu thiếu tư liệu từ nhiều phía.”/.
Đại úy, tiến sỹ Ivan Cadeau hiện làm việc tại Trung tâm Lịch sử Bộ Quốc phòng Pháp.
Ông là tác giả cuốn “Điện Biên Phủ 13/03 – 7/5/1954” (NXB Tallandier, xuất bản năm 2013). Phần tựa bìa sách có ghi “56 ngày đêm, những trận chiến ác liệt đã diễn ra giữa quân đội Liên hiệp Pháp và Quân đội nhân dân Việt Nam. Kể từ đó, cụm từ “Quân đội Nhân dân Việt Nam” đồng nghĩa với lòng dũng cảm và sự hy sinh”
Đại úy Ivan Cadeau đã hoàn thành luận án tiến sỹ với đề tài “Lính công binh Pháp trên chiến trường: Đông Dương 1945-1956” vào năm 2010 và xuất bản cuốn sách cùng tên vào năm 2013.
Ngoài ra, Đại úy Ivan Cadeau cũng viết cuốn “Tiểu đoàn quân Pháp tại Liên Hợp Quốc ở Triều Tiên 1950-1953” (xuất bản 2010) và viết lời dẫn cho cuốn “Hoạt động tình báo trong chiến tranh Đông Dương” của Trung tâm tư liệu Bộ Quốc phòng Pháp (xuất bản 2011)
Cuốn “Điện Biên Phủ 13/03 – 7/5/1954” và lời đề tặng của tác giả Ivan Cadeau cho phóng viên VOV: “Cuốn sách nhỏ này viết về trận đánh lớn từng làm hai nước Pháp và Việt Nam xa nhau và giờ lại kéo hai nước về gần nhau.”
>> Đón xem: Ủy ban Điều tra về thất bại tại Điện Biên Phủ: “Điều trần và phán xét”