Nhân kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VOV.VN xin giới thiệu bản lược dịch bài viết trên của nhà báo Mỹ Whitman:
***
Trong số các chính khách của thế kỷ 20, Hồ Chí Minh nổi bật về tính kiên định, kiên nhẫn trong việc theo đuổi mục tiêu độc lập cho dân tộc Việt Nam. Ông cũng nổi tiếng vì đã thành công trong việc kết hợp chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc.
Từ thời thanh niên ông Hồ đã chủ trương đòi độc lập cho xứ thuộc địa Việt Nam thuộc Pháp. Ông kiên trì với mục tiêu của mình ngay cả khi cơ may thành công rất mong manh. Cuối cùng ông đã tổ chức được lực lượng đánh bại người Pháp vào năm 1954 trong trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ diễn ra vào thời điểm 9 năm sau khi ông trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đồng thời ở miền Nam, Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến dài lâu và nhiều đổ máu chống lại chế độ Sài Gòn và đồng minh Mỹ.
Hoa Kỳ ngày càng dính líu vào Chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là sau năm 1964. Thời kỳ đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo duy trì mối quan hệ hữu nghị và cân bằng với cả Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tranh thủ được viện trợ của hai nước này (vũ khí, lương thực) cho cuộc kháng chiến chống Mỹ dù Liên Xô và Trung Quốc khi ấy đang có bất hòa với nhau.
Giống George Washington
Đối với 19 triệu người ở phía bắc vĩ tuyến 17 và hàng triệu người khác ở phía nam vĩ tuyến này, nhân vật Hồ Chí Minh với dáng người gầy gò, gương mặt khắc khổ, chòm râu dài, má hóp cùng đôi mắt sáng thực sự như một vị già làng, một George Washington của toàn thể dân tộc Việt Nam. Mặc dù tên ông không được đặt cho các quảng trường, tòa nhà, nhà máy, sân bay hay đài tưởng niệm, sự lôi cuốn của ông cũng như tình cảm yêu mến của mỗi người dân dành cho ông là điều không thể nghi ngờ. Khắp nơi ông được người dân gọi trìu mến là “Bác Hồ” – một danh xưng cũng được báo chí miền Bắc sử dụng. Khi có điều kiện ông Hồ thường xuyên đi thăm dân chúng ở các thôn làng hay thị trấn. Những người phương Tây biết ông đều tin rằng, dù ông sắc sảo thế nào trong các hoạt động chính trị thì những tình cảm ông dành cho dân thường đều xuất phát từ trái tim.
Thực sự thì việc ông Hồ rất được lòng dân lớn đến mức ngay cả các kẻ thù chính trị của ông cũng phải thừa nhận rằng nếu cuộc tổng tuyển cử theo tinh thần Hiệp định Geneva được diễn ra thì chắc chắn ông Hồ sẽ thắng cử áp đảo và Việt Nam được thống nhất bằng phương thức hòa bình. Và trên thực tế, bất kể sự hiện diện của hàng trăm ngàn quân Mỹ, nhiều vùng ở miền Nam Việt Nam vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Thông minh, sáng tạo, và hết mình với sự nghiệp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh gây ấn tượng tích cực với những người đã gặp ông. Một trong số đó là Harry Ashmore thuộc Trung tâm Nghiên cứu các Thể chế Dân chủ, đồng thời là cựu chủ bút của tờ The Arkansas Gazette.
Ông Ashmore nhớ lại lần nói chuyện với Hồ Chủ tịch khi viếng thăm Hà Nội vào đầu năm 1967: “Ông Hồ là một người lịch thiệp, nho nhã và hết sức nhẹ nhàng”. Tại cuộc gặp gỡ đó, Hồ Chủ tịch mặc áo trắng cổ cao, chân đi dép cao su.
Thạo tiếng Anh
Ông Ashmore cho biết, cuộc đối thoại giữa 2 người bắt đầu bằng tiếng Việt cùng với một phiên dịch viên, sau đó nhanh chóng chuyển sang tiếng Anh. Hồ Chủ tịch gây kinh ngạc cho ông Ashmore bằng khả năng thành thạo tiếng Anh của mình. Ngoài tiếng Anh, ông còn sử dụng trôi chảy 4 ngoại ngữ nữa là tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Nga.
Giữa cuộc nói chuyện, Hồ Chủ tịch nhắc ông Ashmore về việc mình từng ở Mỹ. “Tôi nghĩ là tôi biết người Mỹ. Và tôi không hiểu làm thế nào mà người ta lại ủng hộ việc dính líu vào cuộc chiến tranh này [ở Việt Nam]. Phải chăng là Tượng Nữ thần Tự do đứng lộn ngược?”
Đây là câu hỏi đầy hàm ý mà ông Hồ cũng đặt ra cho những người Mỹ khác nhằm chỉ ra điều mà ông cho là thiếu nhất quán: Một dân tộc thuộc địa (như là Mỹ trước Anh) đã giành lại độc lập qua một cuộc cách mạng, lại đi dùng vũ lực để trấn áp quyền độc lập của một dân tộc thuộc địa khác.
Ông Hồ am hiểu sâu sắc lịch sử Mỹ và ông đã phát huy điều này khi viết Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam vào năm 1945. Ông nhớ lại nội dung Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Và trong bản tuyên ngôn mình viết, ông Hồ đã mở đầu bằng những ý trong đó: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Sau đó ông Hồ mở rộng trong tuyên ngôn của mình, rằng “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, tất cả các dân tộc đều có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
“Dễ mến và thân thiện”
Hồ Chí Minh gây ấn tượng tốt không chỉ với người Mỹ. Lãnh tụ Ấn Độ Jawaharlal Nehru mô tả ông bằng cụm từ “đặc biệt dễ mến và thân thiện”. Paul Mus, nhà Đông phương học người Pháp được tiếp chuyện với Hồ Chủ tịch trong các năm 1946 và 1947 thì thấy ở ông “một nhà cách mạng kiên định, không thể tha hóa, theo kiểu một vị thánh Công lý”.
Một tư lệnh hải quân Pháp thì kết luận rằng nhà lãnh đạo Việt Nam mảnh khảnh này là “một người thông minh, lôi cuốn, một nhà lý tưởng say mê cống hiến cho sự nghiệp mình theo đuổi, một con người tin tưởng chân thành vào các khẩu hiệu chính trị xã hội của thời đại”.
Ông Hồ là một nhà cộng sản hành động. Các bài viết và bài phát biểu của ông được tập hợp trong “Tuyển tập Hồ Chí Minh” xuất bản ở Hà Nội năm 1960 và 1962. Cố chuyên gia về Việt Nam, Bernard B. Fall, đã cho xuất bản một tuyển tập như thế này bằng tiếng Anh vào năm 1967 với tựa đề “Hồ Chí Minh về Cách mạng”.
Ông Hồ viết thơ, một số bài khá trữ tình. Một trong các bài thơ (tiếng Hán) của ông viết khi bị Quốc dân đảng Trung Quốc giam cầm trong các năm 1942-1943, có tựa đề “Đêm thu”:
Tin tưởng tuyệt đối vào chiến thắng của dân tộc
Trong suốt quãng đời sau đó, ông Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào chiến thắng của lực lượng cách mạng. Hồi năm 1962, khi Chiến tranh Việt Nam mới chỉ là xung đột trong diện nhỏ hẹp ở miền Nam Việt Nam giữa một bên là các lực lượng thân Mỹ ở miền Nam cùng với 11.000 cố vấn Mỹ và một bên là lực lượng du kích Việt Cộng bé nhỏ, ông Hồ có nói với một vị khách người Pháp: “Mất tới 8 năm chiến đấu trường kỳ chùng tôi mời đánh bại nước Pháp của các ông… Giờ chế độ miền Nam Việt Nam được vũ trang mạnh và được người Mỹ giúp đỡ nhiều. Người Mỹ mạnh hơn người Pháp nhiều, cho dù họ không hiểu rõ chúng tôi bằng. Vì vậy có thể mất 10 năm để đạt được mục tiêu [đánh đuổi quân Mỹ], nhưng những đồng bào anh dũng của chúng tôi ở miền Nam rốt cuộc sẽ đánh bại họ”.
Vào đầu năm 1967, khi nói chuyện với ông Ashmore, Hồ Chủ tịch vẫn bày tỏ niềm tin của mình: “Trong hơn 25 năm chúng tôi đã chiến đấu vì độc lập. Dĩ nhiên chúng tôi trân trọng hòa bình, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ nền độc lập để đổi lấy hòa bình với Hoa Kỳ hay bất cứ bên nào”.
Rồi Hồ Chủ tịch nắm chặt tay và nói đầy xúc cảm: “Các ngài phải hiểu về quyết tâm của chúng tôi. Kể cả vũ khí hạt nhân của các ngài cũng sẽ không buộc được chúng tôi phải đầu hàng sau khi đã đấu tranh dài lâu vì nền độc lập của nước nhà”./.