Hầu như người Việt nào cũng biết tới Nagasaki, một trong hai thành phố của Nhật Bản, hứng chịu thảm cảnh bom nguyên tử của Mỹ năm 1945. Hàng năm vào tầm giữa tháng 8, cái tên Nagasaki lại được báo chí Việt Nam nhắc đến nhân kỷ niệm sự kiện kinh hoàng này và chỉ có vậy mà thôi. Nhưng thực tế, thành phố Nagasaki lại ẩn chứa trong mình lịch sử của một mối lương duyên có thể coi là sự khởi đầu trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Cửa ngõ giao thương trong quá khứ

Mất khoảng 2 giờ bay từ thủ đô Tokyo, đoàn cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản do Đại sứ Đoàn Xuân Hưng dẫn đầu đã đến thành phố Nagasaki nằm ở phía tây bắc đảo Kyushu, hòn đảo lớn thứ 3 trong số 4 đảo chính của Nhật Bản. Đón tiếp chúng tôi là ông Tsutomu Tomioka, Tổng thư ký Hội hữu nghị Nagasaki – Việt Nam. Ông Tomioka cũng là nghị sĩ của Hạ viện và mới được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục Văn hóa Thể thao và Khoa học Nhật Bản. Theo lời giới thiệu của ông Tomioka, Nagasaki có lẽ là thành phố đặc biệt nhất của Nhật Bản bởi lịch sử của nó.

nhat%20viet%201%20copy.jpg

Tượng đài Hòa bình tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử ở Nagasaki

Với diện tích hơn 400km vuông và dân số gần 450.000 người, Nagasaki hiện nay chỉ là một thành phố hạng trung ở Nhật Bản. Nhưng thành phố này đã từng là cửa ngõ giao thương gần như duy nhất của Nhật Bản với thế giới trong suốt 3 thế kỷ, kể từ cuối thế kỷ thứ 16. Là cảng lớn cực tây của Nhật Bản, đây là vị trí cập bến đầu tiên của các nhà truyền giáo và thương nhân phương Tây. Họ mang theo vũ khí, Thiên Chúa giáo và trên nhiều phương diện đã làm xáo trộn trật tự xã hội Nhật Bản. Do đó, năm 1641, nhà cầm quyền đã ban hành chính sách bế quan tỏa cảng, trục xuất tất cả người nước ngoài, đóng cửa quốc đảo này với thế giới. Chỉ duy nhất có một trạm thông thương buôn bán của Hà Lan được phép ở lại trên một hòn đảo nhân tạo ở vịnh Nagasaki. Chính sách này kéo dài tới tận nửa cuối thế kỷ 19 khi Nhật Bản buộc phải mở cửa dưới áp lực của các nước phương Tây.

Trong 1 thế kỷ khi chưa thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng, cũng từ Nagasaki, các đội thương thuyền Nhật Bản được biết đến với tên gọi Châu Ấn thuyền (do phải có Châu Ấn của chính quyền mới được phép ra khơi), vượt trùng dương đến buôn bán với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philipines, Indonesia... Trong đó, Việt Nam và đặc biệt là Hội An là điểm đến chủ yếu của các Châu Ấn thuyền. Theo nghiên cứu của Giáo sư Seiichi Iwao, từ năm 1604 đến 1634 (tương đương thời kỳ Chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong), chính quyền Nhật Bản đã cấp 331 giấy phép đến 19 cảng thuộc khu vực Đông Nam Á. Trong đó có 130 giấy phép đến 6 cảng thuộc Việt Nam ngày nay. Đặc biệt cảng Hội An với 86 thương thuyền Nhật Bản cập bến chiếm tới 1/4 số Châu Ấn được cấp.

Nơi văn hóa Đông Tây hòa quyện

Với lịch sử gần 3 thế kỷ là cửa ngõ giao thương của Nhật Bản với thế giới, Nagasaki có thể nói là thành phố duy nhất của đất nước mặt trời mọc có rất nhiều dấu tích mang tính quốc tế còn lưu giữ đến tận ngày nay. Dễ nhận thấy nhất là dấu ấn của Đạo Thiên chúa với hàng chục nhà thờ lớn nhỏ tại Nagasaki và các vùng lân cận. Nhiều nhà thờ đã được công nhận là di sản quốc gia. Có thể kể đến nhà thờ Ouratenshu hay Urakami. Quần thể các nhà thờ và di tích liên quan đến Kito giáo này đã được Nhật Bản đưa vào danh sách đệ trình lên Unesco để công nhận là di sản thế giới.

Nhà thờ Ouratenshu

Cầu mắt kính

Người Trung Quốc cũng để lại dấu ấn khá đậm nét tại Nagasaki với khá nhiều công trình kiến trúc, tiêu biểu trong số đó là cây cầu Mắt kính (Meganebashi) do một nhà sư Trung Quốc xây dựng. Các ngôi chùa Trung Quốc còn hiện diện nhiều ở Nagasaki cũng là minh chứng cho một thời kỳ giao thương tấp nập giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Hai ngôi chùa Hưng Phước Tự (Kofukuji) và Sùng Phước Tự (Sofukuji) do các thương nhân đến từ tỉnh Phúc Kiến xây nên được coi là hai ngôi chùa cổ nhất ở Nagasaki. Hai ngôi chùa này nằm ở đầu và cuối một con đường có tên gọi Đường xóm chùa (Teramachi-dori). Đúng như tên gọi, mặc dù chỉ dài có 2 cây số, nhưng trên Đường xóm chùa có đến gần 10 ngôi chùa cổ với số tuổi hơn 300 năm. Điều đặc biệt là một trong số những ngôi chùa đó lại có ít nhiều mối liên hệ với Việt Nam, đó là chùa Đại âm tự (Daionji) nằm giữa Đường xóm chùa.

Nagasakivà nàng công nương họ Nguyễn

Dưới sự hướng dẫn của ông Tomioka, chúng tôi đến nghĩa trang của chùa Đại âm tự nằm dọc theo triền núi phía sau ngôi chùa. Nghĩa trang này là nơi yên nghỉ của giai cấp quý tộc và võ sĩ đạo (samurai) từ vài trăm năm trước. Leo hơn 200 bậc đá xuyên qua hàng trăm ngôi mộ cổ phần lớn đã nhuốm màu rêu phong, chúng tôi đến trước một khu mộ khá rộng nằm gần trên đỉnh đồi. Ông Tomioka cho biết đây là khu mộ của dòng họ Araki, trong đó một người con dâu là công nương Việt Nam.

Đường lên mộ công nương họ Nguyễn

Mộ phần dòng họ Akira

Theo lời kể của ông Tomioka, Sotaro Akira, một thương nhân người Nhật đến làm ăn ở Hội An từ cách đây 400 năm được chúa Nguyễn Phúc Nguyên yêu quý ban cho tên gọi Nguyễn Thái Lang và gả cho cô công chúa con nuôi vào năm 1619. Không rõ tên tiếng Việt của công chúa là gì chỉ biết tên gọi theo tiếng Nhật là Wakaku (âm Hán Việt là Vương Gia Cữu).

Đoàn cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật chụp ảnh trước mộ phần công nương họ Nguyễn

Năm 1620, công chúa theo chồng về nước sống tại Nagasaki. Cặp vợ chồng Nhật – Việt đầu tiên này có một người con gái. Công chúa mất năm 1645 sau chồng 10 năm. Không biết có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên không nhưng ngày mất của chồng Nhật – vợ Việt này lại trùng khớp với nhau. Đứng cạnh ngôi mộ công chúa Việt Nam cùng người chồng Nhật, ông Tomioka nhận xét rằng trải qua trên 400 năm nhưng mối tình Việt – Nhật ngày ấy vẫn gắn bó với nhau không rời. “Cho đến tận ngày nay, những dấu ấn của mối tình Việt – Nhật ấy vẫn hiện hữu trong đời sống của người dân Nagasaki”, ông Tomioka cho biết./.