Bài 1:  Quan hệ Việt-Nhật: Những chặng đường phát triển

Bài 2:  Phan Bội Châu và Phong trào Đông Du

Tổng quát quá trình phát triển quan hệ Việt-Nhật, có một điều nhận thấy rằng không phải lúc nào mối quan hệ này cũng “xuôi chèo mát mái”. Đây cũng là điều bình thường trong qui luật phát triển.

Thời kỳ trầm lắng

Sau phong trào Đông Du, quan hệ Việt-Nhật bước vào giai đoạn trầm lắng. Hoạt động giao lưu giữa hai nước không còn sôi nổi như những giai đoạn trước.

Tuy nhiên, vào những năm 1930-1940, Việt Nam thu hút sự quan tâm của giới tri thức.Giai đoạn này có nhiều tác giả như Matsumoto Nobuhiro, Yamamoto Tatsuro, Sugimoto Naojiro… thực hiện công việc nghiên cứu Việt Nam. Điều này thể hiện quan hệ hai nước dần đi vào chiều sâu.

yokohama-1.jpg
Yokohama, nơi đầu tiên khi Phan Bội Châu tới Nhật Bản (Ảnh: Tuổi trẻ) 

Tác phẩm “An Nam thông sứ” của học giả Iwamura Shigemitsu, là tác phẩm đầu tiên nghiên cứu “văn hiến Hán Nôm” liên quan đến lịch sử Việt Nam được học giả hai nước chú ý. Thông qua cuốn sách, tác giả đồng tình với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Ở thời kỳ này, đáng chú ý nhất là việc quân đội Nhật chiếm đóng ở Đông Dương. Lúc này có tới 9 vạn quân Nhật đóng ở đây (bao gồm Việt Nam). Theo thoả thuận của các nước Đồng minh, binh sĩ Nhật được tập trung ở một số địa điểm dưới sự quản thúc của quân Tưởng (phía bắc vĩ tuyến 16) hoặc của quân Anh (phía nam vĩ tuyến 16), rồi tháng 4/1946 rời Việt Nam về nước qua cảng Hải Phòng và Vũng Tàu. Cũng trong lúc này có một số binh sĩ Nhật đào ngũ.

Sau này, theo ông Oka Kazuaki cựu Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt đã có gần 800 binh sĩ lưu lại tại thời kỳ này và sống tại Việt Nam. Rõ ràng ở thế kỷ 17 (như đã nói ở trên), đã có nhiều người Nhật sinh sống và lập gia đình với phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, ở giai đoạn sau này, những binh sĩ Nhật lưu lại Việt Nam phần nhiều do lý do Việt Nam đã có độc lập. Và như thế, trong thời kỳ này đã sinh ra một lớp người có hai dòng máu Việt - Nhật.

Hiện tại đã có thế hệ thứ 3, thứ 4 đang sống ở Việt Nam cũng như ở Nhật Bản. Thế hệ người này được các nhà sử học Nhật Bản gọi là người Việt Nam mới. Vấn đề này xét ở góc độ nhân chủng học có những yếu tố tích cực góp phần vào kết nối người Việt Nam và Nhật Bản.

Suốt thời kỳ này, quan hệ Việt - Nhật không phải lúc nào cũng "xuôi chèo mát mái”.

Ngày 19/4/1955, tại Tokyo Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam được ra đời, thông qua qui ước của Hội là: “Tăng cường hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nhật Bản, tăng cường giao lưu kinh tế, văn hoá, đóng góp vào hoà bình, phồn vinh của khu vực Châu Á và thế giới”.

Thông qua Hội Hữu nghị này phong trào quyên góp tiền ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam phát triển rầm rộ. Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Nhật Bản trở thành nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với nhân dân Việt Nam. Giao lưu nhân dân hai nước được thiết lập, tạo nền tảng cho phát triển quan hệ giữa nhân dân hai nước sau này.

Vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX dưới sự chỉ đạo của giáo sư Yamoto Tatsuro, một khóa huấn luyện tiếng Việt cho những người nghiên cứu Việt Nam được tổ chức. Năm 1964, Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thành lập phân khoa tiếng Việt tại trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, và 10 năm sau tại Đại học Ngoại ngữ Osaka. Từ năm 1964 - 1975 có 360 quyển sách xuất bản tại Nhật viết về Việt Nam. Thời kỳ này chủ yếu phát triển ở nghiên cứu học thuật.

Quan hệ Việt-Nhật ấm dần và đi vào chiều sâu

Ngày 21/9/1973 Việt Nam - Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau sự kiện này, quan hệ hai nước có những bước phát triển nhất định. Từ năm 1973 – 1978, đây là giai đoạn phát triển chậm chạp, nhưng Nhật Bản đã bắt đầu viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

Thủ tướng Nhật Bản Noda và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp tại Hội nghị Mekong-Nhật Bản tại Tokyo, 2012

Từ năm 1979 - 1991 là thời kỳ quan hệ hai nước gặp nhiều khó khăn. Nhật ngừng viện trợ cho Việt Nam, nhưng vẫn giữ quan hệ ở mức cầm chừng. Sau khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, Nhật Bản  nối lại viện trợ cho Việt Nam với qui mô nhỏ tập trung vào văn hoá, giáo dục, y tế. Hai nước bắt đầu thực hiện chuyến thăm cao cấp.

Sau đó, nhất là khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới và công cuộc đổi mới đạt được những thành công ban đầu, lần lượt các nguyên thủ của hai nước thường xuyên thăm viếng lẫn nhau, tạo điều kiện cho sự hợp tác của hai nước phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Đến nay, hai nước đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Nhật Bản cũng là nước đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Năm 2008 hai nước ký Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA). Trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 4/2009, hai bên đã ra Tuyên bố chung và khẳng định xây dựng “Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở Châu Á”.

Từ đó đến nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Nhật Bản cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh (phải) và Phó Chủ tịch JICA Arakawa trong buổi ký kết văn bản hợp tác đầu tư

Về đầu tư trực tiếp, tính đến ngày 20/2/2013, Nhật Bản có 1.885 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 29 tỷ USD, đứng 1/96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Về quan hệ thương mại, Việt Nam đã xuất siêu sau 2 năm liên tiếp nhập siêu và đạt mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong năm 2012 là 24,663 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đạt 13,06 tỷ USD và nhập khẩu đạt 11,603 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai nước tháng 1/2013 đạt 2,056 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,180 tỷ USD (tăng 34,86% so với cùng kỳ 2012), nhập khẩu đạt 0,876 tỷ USD (tăng 13,8% so với cùng kỳ 2012).

Không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, quan hệ hợp tác ở lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế..cũng phát triển tốt đẹp. Đặc biệt, văn hóa ẩm thực, phong cách tiêu dùng Nhật Bản đã ảnh hưởng tích cực tới nền văn hóa Việt Nam, phù hợp với mục đích hội nhập quốc tế của Việt Nam.Từ những tư liệu trên, có thể nói rằng, mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản qua mỗi thời kỳ đều để lại nhiều dấu ấn lịch sử. Hai nước lại cùng nằm chung trong vùng văn hóa Châu Á, có nhiều nét tương đồng về văn hóa, dễ gần, dễ thông cảm và dễ thân nhau. Do vậy, mối quan hệ này là mối quan hệ qua lại phục vụ lợi ích chung cho hai dân tộc./.

Bài 4: Giao lưu văn hóa: trụ cột phát triển quan hệ Việt-Nhật