Đâu là vai trò của phương Tây và giới “tinh hoa” Xô viết trong sự sụp đổ của Liên Xô mà Tổng thống Nga Vladimir Putin coi là “thảm họa địa chính trịlớn nhất” của thế kỷ 20?
Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tại Washington năm 1987. Ảnh: AP. |
Năm 1990, một năm trước khi Liên Xô tan rã, nhà khoa học chính trị kiêm địa chiến lược của Mỹ là Zbigniew Brzezinski nhận xét: “Theo tôi, cuộc khủng hoảng sâu sắc này [ở Liên Xô] không phải là một cuộc khủng hoảng chuyển đổi mà là một cuộc khủng hoảng lịch sử... Khủng hoảng của Liên Xô là cuộc khủng hoảng lịch sử giống như khủng hoảng của Đế chế Ottoman chẳng hạn. Đó là cuộc khủng hoảng trì trệ, suy yếu dần, mất tinh thần, phân mảnh và có nguy cơ cao nổ ra bạo lực”.
Vậy có phải phe “diều hâu” đúng và Liên Xô tất yếu có số phận phải thất bại?
Thú vị thay, một số tài liệu lưu trữ do Ủy ban Ba bên của Rockefeller công bố nhân kỷ niệm 25 năm sự kiện 1989 – “năm thay đổi bản đồ châu Âu” – lại cho ta một bức tranh hơi khác.
Mikhail Gorbachev và Ủy ban Ba bên
Ủy ban này được lập ra vào năm 1973, tập hợp các lãnh đạo giàu kinh nghiệm của giới chính trị phương Tây nhằm “thảo luận các vấn đề tầm toàn cầu”.
Tháng 1/1989, nhóm tác giả chuyên về quan hệ Đông-Tây của Ủy ban này gồm Valery Giscard d'Estaing, Henry Kissinger và Yasuhiro Nakasone, đã có chuyến công du tới Moscow nhằm gặp gỡ các lãnh đạo Liên Xô, đặc biệt là ông Mikhail Gorbachev (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô khi ấy).
Nhóm này và ông Gorbachev thảo luận vấn đề cùng tồn tại hòa bình cũng như lộ trình hội nhập Liên Xô vào nền kinh tế thế giới. Năm 1986 Saudi Arabia và Mỹ “phối hợp” với nhau để đẩy giá dầu xuống mạnh, khiến cho nền kinh tế Liên Xô tạm thời bị suy thoái. Tuy nhiên tình hình Liên Xô không đến nỗi quá bi đát. Biên bản cuộc họp giữa ông Gorbachev và nhóm Ủy ban Ba bên vào ngày 18/1/1989 cho thấy nhà lãnh đạo Liên Xô không hề nghi ngờ việc Liên Xô “ngang hàng” với phương Tây trong thời kỳ đó.
Trong cuộc họp, ông Gorbachev nhấn mạnh rằng không bên nào được ép bên kia từ bỏ quan điểm triết lý của mình: “Vấn đề mà các ông đưa ra liên quan đến cách thức mà Liên Xô sẽ thay đổi. Nhưng cũng cần biết một điều quan trọng khác là các ông sẽ thay đổi quan điểm đối với Liên Xô như thế nào. Chúng ta đều ở giai đoạn nước sôi lửa bỏng – cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội”.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trao đổi với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong phòng Bầu dục của Nhà Trắng năm 1984. Ảnh: AP. |
Ông Gorbachev cho biết thêm: “Cả hai hệ thống [TBCN và XHCN] phải thể hiện được khả năng thích ứng với điều kiện mới”.
Vì sao ông Gorbachev lại ám chỉ rằng cả hai hệ thống này lúc đó cùng gặp phải những vấn đề giống nhau?
“Thứ Hai đen tối” – Thị trường chứng khoán Mỹ sập vào năm 1987
Thực sự thì không phải duy nhất Liên Xô mới trải qua tình trạng suy thoái. Vào cuối thập niên 1980, bóng ma trì trệ cũng ám ảnh cả nước Mỹ. Hai năm trước đó, vào ngày 19/10/1987, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua thời kỳ suy sụp nghiêm trọng đến nỗi người ta phải lo ngại sâu sắc về hiệu quả của hệ thống tiền tệ nước này.
Chỉ trong một ngày, vào ngày “Thứ Hai đen tối”, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) nhanh chóng mất tới 508 điểm, tương đương 22,6% giá trị của nó.
Các chuyên gia khi đó đưa ra dự đoán vô cùng ảm đạm: Phải có một “phép màu” mới cứu được nền kinh tế Mỹ.
Bất ngờ thay, đúng vào giai đoạn đó Liên Xô sụp đổ và vô tình tạo ra “điều kỳ diệu” làm khựng lại đà khủng hoảng tài chính của nước Mỹ và của toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Sang những năm 1990, nước Mỹ được hưởng mức tăng trưởng kinh tế chưa từng có tiền lệ.
Quay trở lại tháng 1/1989, ông Gorbachev chủ động đề xuất với phương Tây rằng hai bên cùng hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn để giúp hai bên tránh xa bờ vực sụp đổ kinh tế. Liên Xô có nhiều thành tựu lớn về máy công nghiệp, thép, khai khoáng, và sản xuất dầu mỏ, máy bay, công nghiệp quân sự và vũ trụ. Liên Xô khi ấy cũng đang phát triển các công nghệ tinh vi, gồm cả công nghệ vi sinh và điện tử.
Nhà lãnh đạo Xô viết hối thúc phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Liên Xô. Ông nói với Ủy ban Ba bên trong cuộc họp thượng đỉnh 1989 lịch sử: “Đây không phải là ban ơn cho Liên Xô. Chính phương Tây cũng sẽ được hưởng lợi trong hoạt động thương mại”.
“Liên Xô nguy hiểm về kinh tế chứ không phải quân sự”
Thế nhưng nhóm Ủy ban tránh trả lời trực tiếp. Họ tuyên bố rằng Liên Xô trước tiên phải tiến hành một loạt các “cải cách” cần thiết cũng như tham gia vào các thể chế tài chính quốc tế - Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác. Nói một cách ngắn gọn, phương Tây dường như không mấy mặn mà với ý tưởng Liên Xô hội nhập vào thị trường toàn cầu.
Theo Giám đốc Trung tâm Nga học tại Đại học Nhân văn Moscow và Viện Phân tích Chiến lược Hệ thống – sử giả Andrei Fursov, phương Tây không sẵn lòng hợp tác với một Liên Xô “bình đẳng” với mình. Sử gia này cho biết, phương Tây cần một nơi cung cấp nguyên liệu thô hơn là một đối thủ cạnh tranh quyết liệt.
Nhà máy công nghiệp nặng Ural của Liên Xô. Ảnh: Sputnik. |
Sử gia Fursov dẫn lại lời cựu nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher phát biểu tại Viện Dầu Mỹ ở Houston, Texas (Mỹ) vào tháng 11/1991 trong đó bà thể hiện thái độ của phương Tây coi Liên Xô là một “nguy cơ nghiêm trọng”.
Điều đáng nói là, vị cựu thủ tướng này lại đề cập tới “mối đe dọa kinh tế”. Bà cho rằng phương Tây chưa bao giờ sợ một cuộc tấn công quân sự từ Liên Xô.
Bà “đầm thép” Thatcher cảnh báo: Với nền kinh tế kế hoạch và sự kết hợp đặc biệt giữa động viên tinh thần và khuyến khích bằng vật chất, Liên Xô có khả năng đạt được những thành tích kinh tế cao. Kết hợp với nguồn tài nguyên khổng lồ, Liên Xô nếu quản lý tốt sẽ có khả năng giáng một đòn nặng vào vị thế của phương Tây trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên nền kinh tế tập trung quá mức đã kéo Liên Xô lún sâu vào cuộc suy thoái không lối thoát trong thập niên 1980.
Kinh tế kế hoạch của Liên Xô - Con thuyền không đón được gió
Thực sự thì nhà kinh tế học người Mỹ nổi tiếng Wassily Leontief, người đoạt giải Nobel kinh tế, đã so sánh nền kinh tế Liên Xô với một con thuyền không thể đón gió. Ông này nhận xét rằng kinh tế Liên Xô nhất định sẽ chịu suy thoái thêm nữa, do sự can thiệp và điều tiết thái quá của chính quyền.
Đồng thời nhà kinh tế học Leontief ca ngợi nền kinh tế kế hoạch của Liên Xô vì đã đạt được bước nhảy vọt chưa từng thấy về công nghiệp trong những năm 1930. Ông này cho biết thêm, chính nền kinh tế kế hoạch đã giúp quốc gia này phục hồi nhanh chóng sau Thế chiến thứ 2. Hơn nữa, nền kinh tế kế hoạch tập trung cho phép Liên Xô vào thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 đạt được tốc độ tăng trưởng tương đương với Mỹ, thậm chí còn vượt cả Tây Âu.
Một điều thú vị không kém là nhà kinh tế học này còn chỉ trích cả hệ thống tài chính của Mỹ - vốn không bị chính phủ kiểm soát. Ông so sánh kinh tế Mỹ với con thuyền ra khơi mà không có bản đồ và la bàn.
Leontief tin rằng cả hai hệ thống kinh tế [của Liên Xô và Mỹ] đều cần cải cách.
Nhưng điều đó có đồng nghĩa với việc Liên Xô phải giải tán hay không? Liệu có thực sự cần thiết phải phá hủy chế độ này và xây dựng chế độ mới từ con số 0?
Sử gia Fursov kể rằng, vào cuối thập niên 1980, chính phủ Liên Xô mời Leontief tiến hành phân tích kỹ càng hệ thống kinh tế nước này. Phán quyết của người đoạt giải Nobel kinh tế là nền kinh tế Liên Xô cần phải tái cấu trúc để thúc đẩy tăng trưởng nhưng nhìn chung hệ thống kinh tế Xô viết vẫn ổn và có thể “chỉnh sửa” được. Liên Xô không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hệ thống!
Nhưng rồi điều gì đã xảy đến? Đâu là kết quả của cái gọi là công cuộc cải tổ (Perestroika) – do Gorbachev khởi xướng nhằm xây dựng lại hệ thống Xô viết?
Phương Tây đã cướp mất cơ hội cải cách chuyển đổi của Liên Xô
Trớ trêu thay, vào tháng 1/1989 Gorbachev thảo luận khả năng về các liên doanh Liên Xô-phương Tây và việc cộng tác đôi bên cùng có lợi trên thị trường toàn cầu thì chỉ 2 năm sau, Liên Xô quỵ ngã hoàn toàn.
Nhà lãnh đạo Nga Boris Yeltsin và Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ảnh: Bob McNeely. |
Sử gia Andrei Fursov tin rằng có một sự cấu kết giữa các “quan chức” cấp cao của Liên Xô khi ấy và giới chóp bu chính trị và tài chính phương Tây. Một bộ phận quan chức cao cấp của Liên Xô muốn đi theo con đường tư bản phương Tây.
Sử gia này phán rằng, mặc dù họ không thực sự muốn xé tan Liên Xô thành nhiều mảnh, các cuộc cải cách chuyển đổi của Liên Xô đã bị can thiệp bởi những phần tử phương Tây giàu kinh nghiệm hơn, khôn lanh hơn và “diều hâu” hơn. Hệ quả là quốc gia Đông Âu này bị chia rẽ và rơi vào thảm kịch chính trị và kinh tế.
Đáng lưu ý, vào năm 1992 nhà kinh tế học Mỹ Wassily Leontief đã chỉ trích Gorbachev và chính quyền Yeltsin đã phá hoại trật tự kinh tế, chính trị và xã hội của Liên Xô. Ông nhấn mạnh rằng điện Kremlin lúc ấy đáng lẽ phải thực hiện bước quá độ từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường một cách dần dần, dưới sự giám sát của chính quyền. Trên thực tế, hệ thống kinh tế Liên Xô khi ấy đã bị đốt cháy thành tro và hệ thống thị trường ở Nga về sau đã phải xây dựng lại từ đầu.
Trong một tiểu luận năm 2003, cố vấn của Tổng thống Nga - Viện sĩ Sergei Glazyev đã viết như sau: Do những “nỗ lực” của các nhà “cải cách” tự do người Nga và các nhà tư vấn kinh tế từ phương Tây, sản lượng của Liên Xô bị giảm một nửa và khoảng trống này lập tức được lấp bằng hàng loạt hàng hóa phương Tây.
Michael Hudson, một nghiên cứu viên về kinh tế tại Đại học Missouri, trả lời phỏng vấn vào tháng 6/2015 đã nói như sau: “Cuộc cách mạng tân tự do sau năm 1991 thực chất là nhằm phá bỏ nền công nghiệp hậu Xô viết, để nhổ tận gốc nó. Các nhân viên của Viện Phát triển Quốc tế Havard và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ đã mua đứt các công ty Nga có tiềm năng lớn về vai trò quốc phòng và phá bỏ chúng”.
Ông này cho biết thêm: “Giờ đây, để đồng ruble tăng giá, Nga sẽ cần phải tái công nghiệp hóa”.
Theo sử gia Andrei Fursov, vào đầu những năm 2000, Nga trở thành nơi cung ứng nguyên liệu thô cho phương Tây và là một thị trường hứa hẹn, đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng kinh tế phương Tây trong thập niên 1990.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu nếu được quản lý hiệu quả thì Liên Xô có tránh được việc phải tan rã hay không?
Câu hỏi này khó. Nhưng có một điều chắc chắn, lịch sử quá trình sụp đổ của Liên Xô là một bài học quý giá mà bất cứ cường quốc toàn cầu nào hiện nay cũng nên nghiên cứu./.
>> Xem thêm: 5 siêu cường hàng đầu thế giới qua mọi thời đại