Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa sẽ nhấn chìm Triều Tiên trong “hỏa lực và thịnh nộ” và chế giễu nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “người hỏa tiễn nhỏ bé”. Ông Kim Jong-un thì đáp trả bằng những lời lẽ hùng hồn khi gọi ông Trump là “một người Mỹ lẩm cẩm loạn trí”.

pompeo_kim_jong_un_thoa_thuan_my_trieu_nmhu.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: KCNA)

Vậy mà giờ đây 2 nhà lãnh đạo ấy lại đang hướng tới một cuộc gặp thượng đỉnh hứa hẹn sẽ tạo ra bước ngoặt lịch sử và rất có thể sẽ đặt lên bàn nghị sự một thỏa thuận mang tính dấu mốc.

Thỏa thuận Mỹ - Triều Tiên có thể như thế nào?

Khi nhắc tới Triều Tiên, cả Mỹ và Hàn Quốc đều muốn phi hạt nhân hóa, cụ thể là muốn Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của họ.

“Chúng ta chắc chắn sẽ không đổi thương mại lấy thương mại” – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ mới đây.

Ông nêu rõ: “Chúng ta sẽ không cung cấp viện trợ kinh tế chừng nào chúng ta chưa nhận được những động thái không thể đảo ngược – không phải chỉ là những lời nói hay cam kết – từ phía chính quyền Triều Tiên”.

Triều Tiên đã tuyên bố rằng nước này sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân nhưng chỉ khi Mỹ rút toàn bộ 28.500 binh sỹ đang đóng tại Hàn Quốc.

Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ hy vọng rằng bất cứ thỏa thuận nào được hình thành sau cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra tại Singapore ngày 12/6 tới cũng sẽ phải được trình lên Quốc hội Mỹ phê chuẩn như một hiệp ước, một thỏa thuận chính thức bằng văn bản với những nhà nước có chủ quyền hoặc với các tổ chức quốc tế.

Tại Mỹ, các hiệp ước là do cơ quan hành pháp (chính phủ) đàm phán. Nhưng một khi các nhà đàm phán đã chấp thuận các điều khoản trong một hiệp ước thì Tổng thống phải trình Hiệp ước đó lên Thượng viện để nhận được “sự tham vấn và đồng thuận” về một giải pháp “phê chuẩn” hoặc ít nhất là “xác nhận”.

Trong một phỏng vấn với kênh FOX News tuần trước, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mỹ Jim Risch cho biết, Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Pompeo đều đã cam kết rằng họ “sẽ cố gắng hết sức” để khiến bất cứ thỏa thuận nào đạt được với Triều Tiên cũng phải được đưa ra dưới dạng hiệp ước.

“Điều đó tốt cho chúng ta và cho cả Triều Tiên bởi vì khi đó họ có thể dựa vào thực tế rằng đó không chỉ là một trong số những thỏa thuận hành pháp, vốn có thể bị Tổng thống rút lại” – ông Risch nêu rõ.

Tuy nhiên, giới quan sát thuộc phe hoài nghi cảnh báo rằng bất cứ hiệp ước nào với Triều Tiên cũng có thể có tác dụng ngược rất nghiêm trọng.

“Theo đuổi con đường hiệp ước hòa bình mà không ý thức đầy đủ những hậu quả của nó có thể rất nguy hiểm”, Bruce Klingner, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Quỹ Di sản (Heritage Foundation – Mỹ) chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với ABC News.

Ông cho rằng, Triều Tiên là một mối đe dọa với Hàn Quốc bởi vì lực lượng thiết giáp và pháo binh của họ đóng quân thường xuyên dọc khu vực phi quân sự giữa 2 nước. Theo ông, việc đồng ý ký Hiệp ước Hòa bình có thể chấm dứt cơ sở pháp lý để duy trì Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc, lực lượng quân sự đa quốc gia hiện hỗ trợ Hàn Quốc. Điều đó cũng tạo dư luận ở cả Hàn Quốc và Mỹ rằng “chiến tranh cuối cùng cũng đã kết thúc, hãy đưa các binh sỹ trở về nhà”.

“Mỹ và Hàn Quốc không nên ký vào một hiệp ước hòa bình cho đến khi mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên được loại bỏ hoàn toàn và những lời đe dọa thông thường khác giảm bớt” – chuyên gia Klingner nhận định. Ông cũng nói thêm rằng lực lượng của Triều Tiên cần phải bị “giới hạn và rời bỏ” khu vực tiền tuyến.

Ông nhấn mạnh: “Giảm những nguy cơ để cả 2 bên tiến hành một cuộc xâm lược chớp nhoáng trong khi tăng cường sự minh bạch của lực lượng quân đội có thể giảm căng thẳng cũng như khả năng xảy ra những tính toán sai lầm dẫn tới đụng độ quân sự”.

Chuyên gia này cũng cho rằng vì một hiệp ước hòa bình có thể có những tác động ngược về mặt an ninh đáng kể cho Mỹ và các đồng minh nên nó nên được trình lên Quốc hội thông qua.

Vai trò của Thượng viện đối với hiệp ước Mỹ - Triều Tiên

Hiến pháp Mỹ đã trao cho Thượng viện tiếng nói đáng kể trong việc thông qua các hiệp ước. Một hiệp ước do chính phủ Mỹ đàm phán cần phải được Thượng viện thảo luận và tham vấn cho Tổng thống sau đó bỏ phiếu với ít nhất 2/3 ý kiến tán thành mới được thông qua. Tiến trình này thực tế rất phức tạp và chặt chẽ.

Khi Tổng thống Mỹ trình một hiệp ước lên Thượng viện, văn bản này cùng các tài liên có liên quan trước hết phải qua “cửa ải” Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Ủy ban này sẽ phải báo cáo, đưa ra ý kiến như ủng hộ, phản đối hoặc không có khuyến nghị nào. Nếu Ủy ban Thượng viên ủng hộ hiệp ước, văn bản này mới được đưa ra Thượng viên xem xét.

Nhưng nếu ủy ban này từ chối hiệp ước, văn bản này cũng không tự động trở lại văn phòng Tổng thống. Không như các dự luật và những văn bản pháp quy khác, hiệp ước vẫn có thể nằm trên bàn nghị sự của Thượng viện và Quốc hội cho đến khi họ đồng ý “đẩy” nó trở lại cho Tổng thống.

Quan trọng là một khi hiệp ước nằm trong tay của các Thượng nghị sỹ, họ có thể chỉnh sửa văn bản này. Thượng viện Mỹ cũng có thể từ chối các hiệp ước mà chính phủ đàm phán.

Lần gần đây nhất Thượng viện Mỹ từ chối một hiệp ước là vào năm 2012 khi một hiệp ước của Liên Hợp Quốc về cấm phân biệt đối với người khuyết tật không nhận đủ số phiếu tán thành vì có một nhóm các nghị sỹ bảo thủ cho rằng nó đặt quyền tự quyết của Mỹ vào tay một ủy ban của Liên Hợp Quốc và can thiệp vào luật pháp của Mỹ.

Bài học của Iran cho thỏa thuận Mỹ - Triều Tiên

Kế hoạch hành động chung tổng thể (JCPOA) với Iran, hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, không phải là một hiệp ước và nó chưa bao giờ được Thượng viện Mỹ thông qua. Và chính điều đó đã trở thành “gót chân Asin” khiến thỏa thuận hạt nhân Iran mong manh dễ vỡ trước những thay đổi trong chính quyền Mỹ.

“Ác mộng” đối với thỏa thuận hạt nhân Iran đã được báo trước từ khi ông Donald Trump còn tranh cử. Ông đã tuyên bố ưu tiên số Một của mình là rút khỏi “thỏa thuận thảm họa với Iran”.

Cùng với đó, cũng có rất nhiều thượng nghị sỹ Mỹ đã nổi giận vì vai trò lập pháp của Thượng viện, với tư cách là một cơ quan giám sát, đã bị “vượt mặt” khi thỏa thuận hạt nhân Iran được thông qua. Và vì thế họ đã nỗ lực thúc đẩy thông qua Đạo luật xem xét lại thỏa thuận hạt nhân Iran, theo đó yêu cầu chính phủ Mỹ cứ 90 ngày phải cập nhật xem Iran có tuân thủ thỏa thuận này hay không.

Cuối cùng, kịch bản tồi tệ nhất đã xảy ra với thỏa thuận hạt nhân Iran khi Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này.

Còn với Triều Tiên thì sao?

Với những gì mà chính quyền Mỹ thể hiện cho đến nay, điều đó sẽ không lặp lại đối với hồ sơ hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, điều quan trọng trước hết là vẫn phải có một thỏa thuận, mà rõ ràng khi kỳ vọng nó trở thành một hiệp ước, chính quyền Mỹ sẽ khắt khe hơn rất nhiều so với thỏa thuận hạt nhân Iran./.