Một doanh nhân người Syria đang tận hưởng kỳ nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ thì bất ngờ nhận được một cú điện thoại từ “thanh tra thuế vụ” của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” (IS).

kinh_doanh_is_1_clxq.jpg
Khách hàng nữ xem mặt hàng giày bày bán tại một cửa hàng ở Raqqa, (Syria) hiện đang do nhóm Hồi giáo IS kiểm soát. Ảnh: Reuters.

Viên thanh tra này nói với doanh nhân Ammar rằng đối tác thương mại của ông ở thành phố Raqqa (Syria) đã bị bắt và người này sẽ không được thả chừng nào công ty của Ammar không thanh toán 100.000 USD mà họ nợ của “Vương quốc Hồi giáo (Caliphate)”.

Đánh thuế thu nhập

Ammar - đây là tên giả theo yêu cầu của doanh nhân này - nói: “Bọn họ bảo tôi rằng vì tôi có nhiều tiền, tôi có nghĩa vụ chi trả phần của mình… Họ phân tích thu nhập của tôi rồi đưa ra tỷ lệ phần trăm”.

Trong quá trình thiết lập đế chế của riêng mình, các chiến binh IS bỗng trở thành những gã quan bàn giấy đầy tỉ mẩn, bận bịu với những công việc như đặt ra các thứ thuế, trả lương tháng, và đưa ra các chuẩn mực thương mại nhằm tạo ra một nền kinh tế “lành mạnh” đủ nuôi sống chế độ chuyên chế IS.

Làm ăn ở Raqqa, "thủ đô" của IS. Ảnh: Reuters.

Thế nhưng bất chấp các hình phạt tàn bạo áp dụng với những ai vi phạm luật lệ này, nhiều doanh nhân Syria vẫn thấy IS là sự lựa chọn duy nhất nếu đem so với tình trạng vô chính phủ ở những khu vực bị các lực lượng phiến quân khác kiểm soát, kể cả các nhóm phiến quân nhận được sự hậu thuẫn của phương Tây.

Doanh nhân Ammar chuyên buôn bán ô tô, nhà cửa và gia cầm. Ông ta rất thế tục và có thái độ khinh miệt các chiến binh Jihad (Ammar gọi “thủ đô” Raqqa của IS là “đại nhà tù”).

Mặc dầu vậy, Ammar thừa nhận mình giờ đây gần như chỉ hoạt động trong khu vực của IS, sau khi từng bị một băng đảng thuộc một nhóm vũ trang khác ăn cắp mất một lượng lớn hàng hóa trị giá 115.000 USD. 

Tương tự, hồi kinh doanh trong vùng lãnh thổ do chính phủ Syria kiểm soát, ông đã bị một dân quân thân chính phủ bắt giữ và đòi tiền chuộc 25.000 USD để đổi lại tự do cho ông.

Ammar chia sẻ: IS tính tiền zakat (một khoản thu trong Hồi giáo dùng để giúp đỡ người nghèo, nhưng trong trường hợp IS, thực chất đó là một dạng thuế thu nhập nhằm vào những người có khả năng thanh toán khoản thuế này), bù lại, các doanh nghiệp được bảo vệ khỏi nạn trộm cướp và tệ tham nhũng.

Cụ thể về thuế zakat, Ammar cho biết: “Khi tôi mang gà mua của nông dân ở nông thôn đưa lên Raqqa, điều đầu tiên tôi phải làm là tới một văn phòng zakat và trả mức thuế tiêu chuẩn là 2,5%. Họ sau đó cấp cho tôi một phiếu coupon mà nhờ đó tôi được phép bán hàng trong thành phố.”

“Hiệu quả cao và ít tham nhũng”

Mô hình này đang được áp dụng trên khắp lãnh thổ IS ở Syria. Mô hình này phổ biến đến mức các doanh nghiệp địa phương giờ đang lựa chọn đưa hoạt động kinh doanh của mình vào các khu vực do IS kiểm soát.

Một số cư dân và chủ doanh nghiệp địa phương nói với tờ Telegraph (Anh) rằng chủ các nhà máy ở Sheikh Najjar – một khu công nghiệp nằm về phía bắc thành phố Aleppo (nay là mặt trận) đã chuyển cơ sở sản xuất sang khu vực Minbij nằm dưới quyền kiểm soát của IS.

Các chủ cửa hàng của "Nhà nước Hồi giáo" IS. Ảnh: Reuters.

Một chủ xí nghiệp nói với phóng viên qua điện thoại: “Các anh có thể tìm thấy mọi thứ đang được chế biến, sản xuất ở đây, từ cotton đến sắt, nhựa…”.

Tất cả các cư dân đều nhất trí rằng một trong các yếu tố dẫn đến hiện tượng chuyển dịch này là tính hiệu quả và việc ít có tham nhũng.

Một công nhân Syria nhớ lại việc đi tới khu chợ ở Minbij chuyên bán dầu lấy từ các mỏ do IS kiểm soát: “Có hàng trăm xe tải chất đầy các thùng dầu. Các thùng này đều được gắn các màu khác nhau tùy theo chất lượng benzene bên trong thùng”.

IS (có nhiều thủ lĩnh quê ở Iraq và Tunisia) cố gắng bám rễ ở Syria. Hệ quả là nhiều người Syria được phép làm tiếp công việc của mình trước đây, khi IS chưa mở rộng lãnh thổ đến nơi họ làm.

Giáo viên tiếp tục công việc giảng dạy miễn là họ đồng ý dạy chương trình mới, trong đó cấm các môn học là tiếng Anh và khoa học, đồng thời có thêm rất nhiều nội dung về luật Hồi giáo (Sharia). Bác sĩ và kỹ sư (đặc biệt là những người quản lý các mỏ dầu do IS kiểm soát) được trả lương rất hậu hĩnh – ít nhất là gấp đôi và thường là gấp vài lần so với mức lương ở các vùng khác của Syria.

Một cư dân Raqqa cho biết, vì nhân viên văn phòng zakat là người địa phương, nên các nhân viên này “biết rõ hàng xóm mình giàu có đến mức nào” và do vậy họ có thể đưa ra mức thuế “chính xác”.

>> Xem thêm: Tổ chức khủng bố IS hoạt động quy củ như một chính phủ

Người dân nói trên cho biết thêm: “Một trong số họ đến gõ cửa nhà anh rồi yêu cầu nộp tiền. Họ đưa cho anh tờ biên lai đóng dấu IS”. Người dân này cũng đề nghị giấu tên vì các phần tử Hồi giáo cực đoan coi việc nói chuyện với phóng viên là một tội.

Mặc dù đánh “thuế” thu nhập như vậy, Caliphate IS vẫn nghiêng về phía người giàu. Các chiến binh IS gần như phớt lờ yêu cầu của luật Hồi giáo mà theo đó tiền zakat được dùng để hỗ trợ người nghèo. Thay vào đó, IS chi mạnh tiền cho việc mua vũ khí cũng như tăng lương và các phúc lợi cho các binh lính của mình.

Một phụ nữ sống ở Minbij kể cho Telegraph về thực tế các nhà hàng và cửa hàng chủ yếu là để phục vụ các chiến binh IS, dân thường hầu như không có khả năng mua hàng và dịch vụ ở đó.

Cư dân ở Raqqa thì cho biết tiền được đầu tư mua các thiết bị y tế mới nhưng các thiết bị này không dành cho “người thủ đô”.

Doanh nhân Ammar thừa nhận công việc làm ăn phất nhất hiện nay của ông ta là bán ô tô cho các chiến binh jihad, nhiều người trong số đó là chiến binh Hồi giáo ngoại quốc rủng rỉnh tiền bạc.

Hassan - một kỹ sư chuyên lắp đặt vệ tinh ở Raqqa - mới tới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị thương trong một cuộc không kích. Anh nói: “Nếu bạn có tiền và biết giữ mồm giữ miệng thì sống ở đó [khu vực của IS] cũng OK.”

Cái giá phải trả

Đối với đa phần người Syria, cái giá phải trả cho một chút ổn định này là sự đàn áp của chế độ IS.

Phiên bản luật Sharia cực đoan của các chiến binh IS đã áp đặt một nền văn hóa thù địch với nền văn hóa của hầu hết người Syria – những người dòng Sunni đa phần theo đạo Hồi ôn hòa.

Dưới họng súng IS. Ảnh: AP.

Giờ đây, dưới ách IS, phụ nữ không được phép ra khỏi nhà mà không có người đi kèm, đồng thời họ phải mặc đồ niqab che kín mặt. Họ không được trao đổi, giao lưu với các nam giới không phải là chồng hoặc họ hàng thân. Còn cánh nam giới thì phải mặc quần dài quá mắt cá chân và phải để râu xồm xoàm.

Không những vậy các món thịt động vật đưa vào thành phố đều phải là thịt halal - tức là thịt giết mổ theo đúng tục lệ Hồi giáo. Phim ảnh, âm nhạc và hình thức trò chơi giải trí đều bị cấm.

Các chiến binh cực đoan đã tổ chức khám nhà ngẫu nhiên hoặc bất chợt chặn người trên phố để kiểm tra điện thoại, máy tính xem có vi phạm nào không.

Nếu ai đó chót vi phạm luật Sharia kiểu IS, thì hệ thống tư pháp IS tỏ ra không khoan nhượng. 

>> Xem thêm: Bóng ma Nhà nước Hồi giáo IS ám ảnh thế giới 2015

Kẻ ăn cắp sẽ bị chặt ngón tay hoặc các chi. Tội báng bổ thần thánh thì bị trừng phạt bằng án tử hình.

Kỹ sư Hassan nhớ lại chuyện một người quen của anh chửi thề một chủ hàng rau quả, người đã bán cho cậu kia cà chua với giá mà cậu cho là quá cao. Người quen của Hassan lập tức bị bắt. Trong quá trình thẩm vấn, cậu thanh niên kia lại chửi rủa cai ngục của IS và rồi cả Đức Allah nữa. Thế là số phận của cậu ta đã được định đoạt.

Hassan kể: “Bọn họ đã chặt đầu thằng bé ở quảng trường lớn. Chúng để thi thể của nó ở đó, với tấm biển ghi “Vô đạo” đặt trên xác. Cậu ta mới 20 tuổi”.

Nhưng ngay cả khi ấy, chế độ độc tài IS dường như vẫn tốt hơn tình trạng phải sống khổ sở giữa các đống đổ nát vì chiến sự ở các thành phố khác, như là Aleppo, nơi đã bị tàn phá dữ dội vì giao tranh trên mặt đất và các cuộc tấn công từ trên không.

Người ta cho biết số người sinh sống trong các khu vực IS kiểm soát vẫn gia tăng kể cả khi lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu ném bom các mục tiêu IS.

Một cư dân của vùng al-Bab nói: “Dưới chế độ IS chúng tôi vẫn có thể tồn tại. Tất nhiên là trong nỗi sợ hãi”./.