Các đoạn video quay bí mật này đã được một phóng viên BBC thu lượm được. Video (được quay vào thời điểm một năm sau khi Mosul bị IS chiếm giữ) ghi lại cảnh IS cho nổ tung các nhà thờ Hồi giáo, các ngôi trường bị bỏ hoang và những người phụ nữ bị buộc phải che kín cơ thể.

cuoc_song_duoi_che_do_is_3_daup.jpg
Ảnh chụp từ clip mà phóng viên BBC có được, cho thấy phụ nữ bị buộc phải trùm kín người khi ra đường

Cư dân địa phương cho biết họ đang sống trong nỗi sợ bị trừng phạt theo cách giải thích cực đoan của tổ chức IS về luật Hồi giáo. Họ cũng nói về các hoạt động chuẩn bị của IS để đối phó với một cuộc tấn công tái chiếm của chính phủ Iraq.

Việc Mosul thất thủ mở đầu cho đà tiến quân rất nhanh của lực lượng IS trên khắp miền bắc Iraq khiến quân đội chính phủ bị đánh tan tác còn hàng trăm ngàn người dân thì buộc phải rời bỏ nhà cửa.

1. Kiểm soát phụ nữ

Các đoạn video cho thấy thực tế cuộc sống khắc nghiệt dưới chế độ IS. Loạt video đầu tiên cho thấy việc phụ nữ bị buộc phải che kín cơ thể. Một phụ nữ đã chịu áp lực ra sao do không chịu che kín tay mình.

Nhân chứng Hanaa: “IS rất nghiêm khắc về cách ăn mặc của phụ nữ. Phụ nữ phải mặc đồ đen kín cổng cao tường, từ đầu đến ngón chân”.

“Một hôm ở nhà tôi thấy chán quá nên bảo chồng đưa ra ngoài chơi, dù cho có phải mặc bộ khimar (khăn choàng dài che kín tóc, cổ và vai, nhưng vẫn để lộ mặt). Tôi đã không rời khỏi nhà kể từ khi IS kiểm soát được thành phố Mosul này. Khi đang chuẩn bị đồ, chồng tôi bảo tôi phải mặc niqab (mạng che kín mặt), khiến tôi bị sốc và thoạt đầu định ở nhà. Nhưng khi hai vợ chồng cùng ngồi xuống, chồng tôi bảo tôi rằng tôi có thể để lộ mặt khi không có sự hiện diện của IS. Theo anh, nhà hàng là nơi dành cho gia đình.

“Tôi rất vui làm theo lời chồng nói nên tôi đã để lộ gương mặt của mình cùng một nụ cười thật lớn. Nhưng ngay lập tức, người chủ cửa hàng xuất hiện khẩn khoản cầu xin chồng tôi yêu cầu tôi che mặt bởi vì các tay súng IS có thể bất ngờ đến kiểm tra. Nếu bị phát hiện, ông ta sẽ bị quất roi.

Thành phố Mosul nhìn từ vệ tinh

“Chúng tôi đã nghe các câu chuyện về các nam giới bị quất roi do vợ của họ không chịu đeo găng tay. Cha mẹ của một người phụ nữ nọ thì bị cấm lái ô tô. Những ai phản đối sẽ bị đánh đập và sỉ nhục.

“Chúng tôi làm theo yêu cầu của chủ nhà hàng. Tôi bắt đầu tự hỏi làm thế nào mà sự đời nó lại vô lý và tàn nhẫn như vậy. Khi chúng tôi rời khỏi nhà hàng, tôi nhìn thấy một người cha đang tìm con gái của mình bị chìm trong một biển người màu đen.”

2. Trấn áp các tộc người thiểu số

Một đoạn video – được truyền tay từ nhà này sang nhà khác trước khi được đưa ra khỏi thành phố Mosul – cho thấy Nhà nước Hồi giáo IS đã tịch thu nhà cửa thuộc về các cộng đồng dân tộc và tôn giáo thiểu số ở Mosul ra sao. Nhiều khu dân cư vốn đông đúc người dân thiểu số thì nay vắng tanh.

Mariam, một bác sĩ phụ khoa theo Cơ đốc giáo, phát biểu trong video: “Người ta biết đến tôi như một người ham đọc và sở hữu một tuyển tập sách đồ sộ. Bộ sưu tập của tôi cứ lớn dần lên khi bạn bè rời bỏ Iraq thường gửi tặng tôi sách của họ bởi vì họ biết là tôi sẽ không đi đâu cả và sẽ giữ gìn cẩn thận các cuốn sách.”

“Trước khi Mosul bị chiếm, tôi đã bị các phần tử cực đoan Sunni đe dọa và quấy rối nhưng tôi vẫn tiếp tục đỡ đẻ cho những người phụ nữ thuộc mọi tôn giáo và sắc tộc. Tôi không bao giờ phân biệt giữa các bệnh nhân với nhau vì tôi tin ai cũng có quyền hưởng sự chăm sóc bình đẳng.

“Tuy nhiên, tôi đã phải di tản khi Mosul thất thủ. Tôi trốn thoát, cơ thể không bị sao cả, nhưng đầu óc tôi thì vẫn ở lại đó, tại nhà tôi, bên những cuốn sách.

“Sau khi chuyển tới Irbil [ở khu vực người Kurd Iraq], tôi nhận được hung tin: Nhà nước Hồi giáo đã tịch thu ngôi nhà của tôi và đánh dấu ngôi nhà bằng chữ cái N [viết tắt của Nasrani – từ mà IS dùng để chi những người Kitô giáo]. Tôi lập tức gọi điện cho bạn bè tôi ở Mosul và cầu xin họ cứu lấy các cuốn sách của tôi.

“Nhưng đã quá muộn. Họ gọi lại cho tôi và bảo rằng cái “thư viện” của tôi đã bị ném ra phố. Tuy nhiên, một vài người hàng xóm của tôi đã cứu được một vài cuốn sách quý hiện đã giấu đi”.

3. Hăm dọa, trừng phạt và tra tấn

Các đoạn clip cũng ghi lại cảnh các nhà thờ và đền thờ lúc bị phá hủy. Cư dân địa phương nói về sự trừng phạt tàn bạo dành cho bất cứ kẻ nào vi phạm cách giải thích trái khoáy của IS về luật Hồi giáo – cách diễn giải đó đang được áp dụng trên khắp “vương quốc Hồi giáo caliphate” mà IS tuyên bố thành lập chỉ vài tuần sau khi chiếm được Mosul.

Ảnh trích từ clip ghi lại cảnh phiến quân IS cho nổ tung các nhà thờ và đền thờ

Nhân chứng Zaid: “Kể từ khi IS chiếm được thành phố, chúng đã áp dụng cái chúng gọi là “Các Bộ Luật của Caliphate”. Hình phạt nhẹ nhất là quất roi, được áp dụng cho các tội nhỏ nhặt như hút một điếu thuốc.”

“Kẻ ăn cắp sẽ bị trừng phạt bằng cách chặt cụt bàn tay, nam giới ngoại tình thì bị quăng từ trên tòa nhà cao tầng xuống đất, còn nữ giới mà thông dâm thì sẽ bị ném đá đến chết. Các hình phạt được tiến hành ở nơi công cộng để khủng bố tinh thần người dân – họ thường bị ép phải theo dõi việc hành hình.

“Tôi biết nhiều người bị IS bắt giữ. Một vài người trong số đó là họ hàng tôi. Một số bị giết vì họ làm cho cơ quan an ninh. Số khác đã được thả. Họ kể lại những chuyện không thể tưởng tượng nổi về sự tàn ác của IS trong các nhà tù của chúng.

“Nhiều người ra tù không dám hé miệng kể về những gì mình đã trải qua. Họ muốn im lặng do sợ nếu nói ra, họ sẽ bị bắt trở lại.

Nhân chứng Fouad: “Tôi đã bị IS bắt. Chúng đến nhà chúng tôi để tìm anh trai của tôi. Khi không tìm thấy anh ấy, chúng đã tống giam tôi để thế vào đó.

“Thế rồi bọn chúng tra tấn tôi. Gã tra tấn tôi chỉ chịu dừng tay khi y thấm mệt. Y lúc nào cũng căng thẳng, chẳng thèm nghe tù nhân nói gì cả. Y dùng dây điện quật tôi, rồi tra tấn tôi về mặt tinh thần.

“Khi anh trai tôi tự đến nộp mình, chúng chợt nhận ra là các cáo buộc đối với anh tôi là sai, nhưng chúng vẫn tiếp tục giam tôi cho đến khi thấy có thể thả tôi.

“Bọn nó đánh tôi bằng dây điện, dã man đến mức dấu roi vẫn hằn trên lưng tôi”.

4. Đảo lộn cuộc sống hàng ngày

Cuộc sống người dân thành phố đã thay đổi hoàn toàn, không còn nhận ra được nữa. Theo video clip, nhiên liệu trong thành phố rất khan hiếm, đâu cũng ô nhiễm, các công trình xây dựng thì dang dở, nhiều ngôi trường bị đóng cửa.

Syria và Iraq: Các khu vực màu hồng đậm bị IS kiểm soát, còn vùng gạch chéo có nhiều cơ sở ủng hộ IS, vùng xám thuộc quyền kiểm soát của người Kurd (đồ họa: BBC)

Nhân chứng Hisham: “Cuộc sống thường nhật đã thay đổi theo hướng không biết phải miêu tả như thế nào nữa. Những ai từng trong quân đội và các lao động phổ thông không còn nguồn thu nhập do không ai thuê họ làm nữa. Người giàu thì sống dựa vào tiền tiết kiệm, người làm công ăn lương thì sống lay lắt. Người nghèo thì phó mặc số phận cho Đấng Allah.”

“Tôi mất việc và bị buộc phải bỏ dở việc học hành. Như nhiều người khác, tôi bị khước từ các quyền cơ bản. Theo IS, mọi thứ đều là “haram” (bị cấm), và tôi chỉ biết ngồi nhà suốt ngày. Giờ đây ở Mosul ngay cả các hoạt động giải trí đơn giản như đi picnic cũng bị cấm nốt, với lý do gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

“IS chiếm 1/4 lương của mọi người, lấy đó làm nguồn kinh phí chi trả cho việc tái thiết thành phố. Mọi người không thể nói không với việc cướp đó vì họ sẽ bị trừng trị nặng nề. Tổ chức IS kiểm soát mọi thứ. Các bệnh viện cũng ưu tiên dành cho các chiến binh IS.

“Nhóm IS thậm chí thay cả các thầy tu ở các nhà thờ Hồi giáo bằng những người có tư tưởng thân IS. Nhiều người trong chúng tôi đã phải ngừng đi nhà thờ vì ai tới đó đều bị yêu cầu phải thề trung thành với IS, mà chúng tôi thì ghét cay ghét đắng.

“Trong khi đó, anh trai tôi bị chúng quất 20 roi chỉ vì anh ý không đóng cửa hàng trong giờ cầu kinh – đúng là áp đặt tôn giáo bằng vũ lực!”

5. Nhồi sọ tư tưởng cực đoan và giám sát chặt chẽ

Video mà BBC có được cũng cho thấy cách các chiến binh IS sử dụng các kỹ thuật ngày càng tân tiến để kiểm soát dân chúng trong thành phố, chẳng hạn, bằng các “điểm truyền thông” để phát tán các thông điệp của chúng.

Nhân chứng Mahmoud: “Đứa em trai 12 tuổi của cháu vẫn đang đi học cho dù trường của nó giờ đã bị IS kiểm soát. Gia đình cháu nghĩ rằng, nếu không còn lựa chọn nào nữa thì ít ra nó cũng được tiếp tục học hành dưới dạng này hay dạng khác. Có còn hơn không.”

“Nhưng một hôm cháu về nhà và thấy cậu em đang vẽ cờ IS và ngân nga một ca khúc khét tiếng của IS. Cháu phát điên lên và la rầy thằng bé.

“Cháu cầm lấy bức tranh, xé tan thành từng mẩu nhỏ ngay trước mặt cậu em. Nó hoảng quá, chạy về phía mẹ và bắt đầu khóc lóc. Cháu cảnh cáo nó không bao giờ được vẽ lá cờ đó một lần nữa, cũng không được nhẩm lời bài hát kia; nếu không, cháu sẽ cấm cửa nó, không nói chuyện với nó, và không cho nó gặp bạn bè.

“Gia đình cháu sau đó lập tức cho nó nghỉ học. Thà để cho cu cậu thất học còn hơn là để IS nhồi sọ tư tưởng cực đoan của bọn chúng.

“Cháu đi tới một kết luận: Mục tiêu của cái tổ chức này là gieo vào đầu óc lũ trẻ các hạt giống bạo lực, hận thù và tư tưởng giáo phái.”

6. Chiến thuật và hậu cần của IS

Trong các video có thể thấy cảnh các phiến quân IS kéo các khẩu pháo hạng nặng – trong số đó có những khẩu chiếm được từ các lực lượng Iraq bỏ chạy. Chúng cũng biết đáp trả các cuộc không kích bằng pháo cao xạ.

Các khí tài mà IS thu được từ quân đội Iraq tháo chạy (ảnh chụp từ clip)

Nhân chứng Zaid: “IS biết quân đội chính phủ sẽ cố gắng tái chiếm Mosul, nên chúng luôn đề cao cảnh giác. Chúng đã hủy hoại thành phố bằng cách đào các đường hầm, dựng chướng ngại vật, cài mìn và bom, bố trí các tay súng bắn tỉa khắp thành phố. Quân đội chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn nếu quay lại đây.”

“Nhưng dù sao tôi cũng rất mong chờ ngày nào đó quân đội sẽ tái chiếm được Nineveh và Mosul. Tôi hy vọng những người chạy nạn sẽ có đường về để chúng tôi sẽ cũng lao động bên nhau xây đắp một Iraq an toàn và đoàn kết. IS là kẻ thù của nhân loại.

“Tôi thực sự lo lắng không biết quân đội sẽ giải phóng thành phố như thế nào. Tôi lo ngại về lực lượng Shiite thân chính phủ. Tôi cho rằng, chính phủ nên vũ trang cho người dân địa phương để họ tự bảo vệ lấy thành phố. Với sự giúp đỡ của Allah, chúng tôi sẽ đánh bại IS”.

(Tên các nhân vật trong câu chuyện này đã được thay đổi để bảo đảm an toàn cho họ)

>> Xem thêm: Liệu quốc tế sẽ đưa lục quân vào cứu Iraq?