Những đồn đoán về việc Tổng thống Obama ưa thích và sẽ đề cử cựu nghị sĩ Chuck Hagel của tiểu bang Nebraska vào vị trí người đứng đầu ngành quốc phòng Hoa Kỳ đã có từ lâu. Trong mấy ngày gần đây, truyền thông phương Tây cho rằng gần như chắc chắn Tổng thống Obama sẽ chỉ định ông Hagel vào vị trí quan trọng thứ 2 này trong hàng bộ trưởng chính quyền Mỹ (sau chức Ngoại trưởng) và việc công bố sẽ diễn ra vào đầu tuần tới.

Cũng giống John Kerry, ông Hagel từng tham chiến ở Việt Nam. Sau này, tuy là đảng viên Cộng hòa, nhưng Chuck Hagel lại có tư tưởng mềm mỏng, phản đối chiến tranh và thái độ thù địch với Iran, ít ủng hộ Israel, và hay chỉ trích chính quyền của Tổng thống G. W. Bush. Chính vì vậy, ngay từ khi có dư luận về việc giới thiệu Hagel vào chiếc ghế "bộ sức mạnh" của Mỹ, ông này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phái hữu, những người ủng hộ Israel và chống Iran, và các đảng viên trong ngay Đảng Cộng hòa. Những người phản đối còn có kế hoạch và hành động cụ thể để ngăn cản sự đề cử của Tổng thống Obama cũng như sự phê chuẩn sau đó của Quốc hội Mỹ.

Chuck Hagel và Barack Obama đã có một thời gian dài quen biết và làm việc cùng nhau. Đương kim Tổng thống Mỹ đánh giá cao ông Hagel, coi ông là một “người yêu nước” và một người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Thượng viện Mỹ. 

chuck%20hagel%20copy.jpg
Cựu nghị sĩ Chuck Hagel, người được cho sẽ thế chân ông Panetta (ảnh: AP)

Theo truyền thông phương Tây, các nguồn tin khác nhau trong chính quyền Mỹ và bạn bè của ông Hagel khẳng định Tổng thống đã đưa ra quyết định cuối cùng và sẽ chính thức công bố đề cử này vào ngày 7 hoặc 8/1 (giờ Mỹ). Như vậy, có thể tạm coi Hagel đã bước đầu vượt qua các thách thức chặn ông ở vòng đề cử. Tuy nhiên, cửa ải Quốc hội phía trước sẽ khó khăn hơn nhiều cho Chuck Hagel hơn là John Kerry (các vị trí trong nội các Tổng thống Mỹ đều phải được Thượng viện xem xét và phê chuẩn.)

Các cương vị đã trải qua

Chuck Hagel đã phục vụ trong Lục quân Mỹ ở Việt Nam trong các năm 1967-1968 với lon trung sĩ và chức vụ tiểu đội trưởng bộ binh. Khi quay về Mỹ, ông đã làm một số nghề như phát thanh viên và dẫn chương trình. Trong những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước, ông tham gia vận động hành lang cho Công ty Lốp và Cao su Firestone. Từ 1982 đến 1996, ông lao vào kinh doanh và trở thành 1 triệu phú. Trong giai đoạn này, ông giữ các cương vị lãnh đạo trong nhiều công ty.

Năm 1997, ông bắt đầu bước vào chính trường sau khi được bầu vào Thượng viện Mỹ. Ông hoạt động ở đó trong 2 nhiệm kỳ (cho đến năm 2009). Sau đó, ông rút lui khỏi Thượng viện để đảm nhận vị trí giáo sư tại trường Đối ngoại Edmund A. Walsh thuộc Đại học Georgetown. Hiện ông vẫn giảng dạy tại đó. Ông đồng thời giữ hàng loạt chức vụ khác như Chủ tịch Hội đồng Atlantic (Đại Tây Dương), Đồng Chủ tịch Ban Cố vấn Tình báo cho Tổng thống, làm giám đốc hoặc thành viên Hội đồng quản trị một số công ty,…

Quan điểm đối ngoại và an ninh

Chuck Hagel khác biệt hẳn với các “đồng chí” của mình trong Đảng Cộng hòa, khi ông thường xuyên cổ xúy cho hòa bình và phản đối Mỹ phát động các cuộc chiến tranh.

Ngay sau loạt vụ tấn công khủng bố nước Mỹ vào ngày 11/9/2001, Chuck Hagel đã bỏ phiếu ủng hộ giải pháp can thiệp quân sự vào Afghanistan để chống lại các phần tử khủng bố dính líu đến các cuộc tấn công 11/9. Năm 2002, ông cùng nhiều nghị sĩ Mỹ khác lại ủng hộ tiếp việc tiến hành chiến tranh chống lại Iraq nhằm tạo “an toàn cho nước Mỹ” và ngăn ngừa các nguy cơ khủng bố.

Tuy nhiên, sau đó quan điểm của ông đã thay đổi. Ông ủng hộ việc rút quân sớm (theo từng đợt) khỏi Iraq và Afghanistan. Ông cho rằng người Mỹ không hiểu nhiều về đất nước, con người và lịch sử của Iraq và vai trò của nó trong thế giới Arab. Hagel khẳng định cả Iraq và Afghanistan không phải là nơi để người Mỹ thắng hay thua.

Chuck Hagel thậm chí còn chỉ trích chính quyền của Tổng thống G. W. Bush (cũng thuộc đảng Cộng hòa). Năm 2005, ông so sánh Chiến tranh Iraq với Chiến tranh Việt Nam (hàm ý sự sa lầy của quân đội Mỹ ở đây và việc không dập tắt được phong trào nổi dậy của người Iraq).

Năm 2007, Hagel công khai phê phán kế hoạch của Tổng thống Bush gửi thêm 20.000 quân sang Iraq, và Hagel coi đây là “lỗi lầm đối ngoại nguy hiểm nhất của Mỹ kể từ thời Việt Nam”. Thậm chí Hagel còn tham gia cùng 2 thượng nghị sĩ Dân chủ (trong đó có Joseph Biden) đề xuất nghị quyết phản đối chính sách của ông Bush, cho rằng nó không vì “lợi ích quốc gia”. Sau đó Hagel còn tiếp tục hợp tác với những người Dân chủ trong Thượng viện để ấn định thời gian rút quân khỏi Iraq. Cuối năm 2007, ông Hagel đã xếp hạng chính quyền Bush là “thấp nhất về mọi mặt, từ năng lực, khả năng, đến đồng thuận…” trong các đời tổng thống suốt 40 năm trước đó.

Đối với vấn đề Israel và Iran, vị cựu thượng nghị sĩ cũng giữ quan điểm mềm mỏng. Ông ủng hộ việc đàm phán cho vấn đề chương trình hạt nhân Iran, thay vì sử dụng vũ lực và trừng phạt. Ông nêu quan điểm Israel cần linh hoạt hơn trong đàm phán hòa bình với người Palestine và thúc giục Tổng thống Obama tìm kiếm đối thoại với phong trào Hamas.

Năm 2006, ông Hagel lên án cách chính quyền Bush xử lý vấn đề Israel-Lebanon và ông kêu gọi phải chấm dứt sự chém giết ‘điên rồ’ ở đó. Chuck Hagel lập luận, “quan hệ của chúng ta (Mỹ) với Israel là đặc biệt và mang tính lịch sử nhưng không thể vì thế mà hy sinh mối quan hệ với thế giới Arab và Hồi giáo”.

Trong lĩnh vực an ninh quốc gia, Chuck Hagel ủng hộ việc giảm vũ khí hóa học và sinh học, và tăng chế tài hình sự đối với việc sở hữu 2 loại vũ khí này. Ông cũng ủng hộ việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia có khả năng bảo vệ nước Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Hagel đã bỏ phiếu thành lập Bộ An ninh Nội địa.

Các phe chống đối

Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, kéo theo đó là cắt giảm chi phí quân sự, đặc biệt là cho không quân và hải quân, đã khiến ngành công nghiệp quốc phòng “không vui” còn các nghị sĩ quốc hội thì lo lắng sẽ có nhiều việc làm bị mất đi ở các bang của mình. Phe Cộng hòa cho rằng sẽ có ít phiếu trong Đảng này dành cho Hagel trong tiến trình đề cử. 

Ông Obama cười vui vẻ với ông Hagel (trái) trong lần thăm thành Amman, Jordan, năm 2008 (ảnh: AFP)

Các nhóm thân Israel (ở Mỹ) và tân bảo thủ đã phát động một chiến dịch rầm rộ nhằm loại bỏ ông Hagel khỏi vị trí kế vị ông Leon Panetta. Họ kết tội cựu nghị sĩ bang Nebraska là bài Do Thái và mềm yếu đối với Iran. William Kristol, một chủ bút thuộc phái tân bảo thủ, cáo buộc ông Hagel “liên tục thù địch với Israel trong 1 thập kỷ qua”. Tổ chức cánh hữu “Ủy ban Khẩn cấp về Israel” cũng đã chế ra 1 đoạn video hối thúc Tổng thống Obama không để cử ông Hagel, và coi ông này không phải là “một sự lựa chọn có trách nhiệm” cho chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng.

Nhiều nghị sĩ Mỹ tin rằng, một khi được ông Obama giới thiệu, ông Hagel sau đó sẽ phải đối diện với một trận chiến nảy lửa trong phiên điều trần của Thượng viện nước này về đề xuất của ông Obama. Tại phiên điều trần, ông Hagel phải giành được ít nhất 60 phiếu ủng hộ thì mới mong vượt qua được mọi sự cản trở ở đây để thẳng tiến vào Ngũ Giác Đài.

Hiện nay bên cạnh các nhóm thân Israel và tân bảo thủ, Chuck Hagel còn gặp phải sự chống đối quyết liệt từ các nhóm vận động cho quyền của giới… đồng tính. Số là năm 1998, Hagel đã phản đối việc bổ nhiệm 1 người đồng tính nam là James Hormel vào vị trí đại sứ. Chuck Hagel trước đó cũng phản đối việc cho phép người đồng tính phục vụ trong quân đội Mỹ. Tuy gần đây Hagel đã xin lỗi về các nhận xét và bình luận của mình mười mấy năm trước và cho biết quan điểm của ông đã thay đổi, nhưng các nhóm đồng tính không dễ dàng bỏ qua.

Nhóm quyền đồng tính GetEqual hôm 3/1 đã thỉnh cầu Tổng thống Obama không đề cử Hagel. Nhóm này cực lực phản đối giới thiệu Hagel, coi quan điểm của Hagel về người đồng tính là có tính hệ thống, là thiếu tôn trọng, và việc Hagel xin lỗi là “rỗng tuếch”.

Một nhóm đồng tính khác, Log Cabin Republicans, thậm chí còn chi 100.000 USD cho tờ Thời báo New York để được dành trọn  một trang báo quảng cáo trên đó cho việc phản đối ông Hagel.

Lực lượng ủng hộ

Bản thân Tổng thống Obama ưu ái ông Hagel và đã có những động thái công khai bảo vệ ông này trên truyền hình. Theo giới quan sát, Hagel chính là sự lựa chọn số 1 cho ông Obama. Một số nhận định, việc ông Obama chọn Hagel thuộc Đảng Cộng hòa cũng là để tăng sự đoàn kết lưỡng đảng.

Ngoài ra, một số cựu cố vấn an ninh quốc gia đã thành lập Nhóm Lưỡng đảng để cổ xúy cho việc đề cử Hagel vào chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng.

Nhóm này tập hợp một số nhân vật tiếng tăm trong giới chính sách đối ngoại và an ninh như Brzezinski (cố vấn an ninh cho Tổng thống Jimmy Carter), Bren Scowcroft (cố vấn cho Tổng thống G. W. Bush), Gary Hart (cựu ứng viên tổng thống, cựu nghị sĩ bang Colorado), cựu Thứ trưởng Quốc phòng Frank Carlucci, và cựu Thứ trưởng Ngoại giao Thomas Pickering.

Sau khi thành lập, nhóm đã xúc tiến nhiều biện pháp bảo vệ và ủng hộ ông Hagel. Họ cũng mua quảng cáo trên tờ Bưu điện Washington và trang tin chính trị Politico để nói tốt cho Chuck Hagel. Họ còn chủ động liên hệ một công ty hàng đầu về quan hệ công chúng và vận động hành lang để có thêm trợ giúp. Một số thành viên trong nhóm cũng đã trả lời phỏng vấn trên truyền hình nhằm bênh vực cho Hagel.

Nhóm Lưỡng đảng đã cho đăng một số thư ngỏ ủng hộ Hagel và kêu gọi Tổng thống kiên định với sự lựa chọn của mình là đề cử Hagel và theo đuổi chính sách ngoại giao tích cực.

Bản thân Hagel cũng tự tin về khả năng giành được sự phê chuẩn của Thượng viện nếu được đề cử. Hiện Thượng viện có 55 đảng viên Dân chủ và ông sẽ phải kiếm thêm ít nhất 5 phiếu ủng hộ nữa từ phe Cộng hòa./.