Sau một năm rưỡi cầm quyền, mặc dù chính quyền của Tổng thống François Hollande đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp cải tổ, song tình hình kinh tế, chính trị, xã hội không được cải thiện rõ rệt. Trái lại, những khó khăn có chiều hướng ngày một gia tăng. Chính phủ Pháp đang đứng trước những thách thức lớn, uy tín của cả Tổng thống, Thủ tướng cũng như đảng Xã hội (PS) cầm quyền đang xuống rất thấp.

Chờ đợi và … thất vọng

Có thể nói, trong năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội đã tác động mạnh mẽ tới chính sách đối nội và đối ngoại của Pháp, tới tâm lý của người dân liên tục đòi hỏi sự “thay đổi” như Tổng thống Hollande và đảng Xã hội (PS) đã hứa hẹn khi vận động tranh cử.

may%20bay%20quan%20su.jpg
Một chiếc máy bay Tây Ban Nha hỗ trợ quân Pháp ở châu Phi (ảnh: worlddefence)

Tuy nền kinh tế Pháp đã có dấu hiệu phục hồi và ra khỏi suy thoái, nhưng tăng trưởng kinh tế của Pháp vẫn tỏ ra chưa vững chắc. Các chỉ số đều cho thấy, nếu như kinh tế Pháp đột ngột tăng trưởng 0,5% trong quý 2 (cao hơn hẳn mức trung bình 0,3% của toàn khu vực đồng Euro và là mức tăng mạnh nhất trong vòng 2 năm qua), thì quý 3 gần như không tăng trưởng và sẽ chỉ tăng trưởng trong quý 4 với mức 0,4%. Dự báo cả năm 2013, tăng trưởng kinh tế của Pháp chỉ đạt 0,2%, tương đương với tỷ lệ tăng trưởng dưới thời kỳ khủng hoảng năm 2008.

Trái ngược với tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp của Pháp vẫn không ngừng gia tăng với tổng số hơn 3 triệu rưỡi người thất nghiệp, chiếm 11,2%. Con số này sẽ chỉ giảm xuống vào năm 2015, khiến mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm nay như cam kết của Tổng thống Hollande khó có khả năng trở thành hiện thực, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.

Cùng với đó, thâm hụt ngân sách của Pháp tiếp tục gia tăng. Dự báo năm 2013 Pháp thâm hụt 71,9 tỷ Euro ngân sách, tương đương 4,1% GDP. Môi trường đầu tư kinh doanh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Pháp liên tục trượt dốc và tụt xuống hàng thứ 23 trong số các nền kinh tế cạnh tranh nhất (năm 2010 đứng hàng thứ 15, năm 2011 đứng hàng 18, năm 2012 đứng hàng thứ 21)…

Để đối phó với tình hình kinh tế khó khăn, ngăn chặn nguy cơ suy thoái và đảm bảo vị trí của Pháp trên thế giới, chính phủ của Tổng thống Hollande tiếp tục thi hành các chính sách kinh tế khắc khổ, tập trung thắt chặt chi tiêu công, cắt giảm ngân sách dành cho địa phương và các bộ, ngành, giảm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và sử dụng các biện pháp tăng thuế để bù vào thâm hụt ngân sách (từ tháng 5/2012, chính quyền Hollande đã tăng thêm 30 tỷ Euro tiền thuế)… Tuy nhiên, chính phủ đang lâm vào ngõ cụt trong việc giải quyết các mâu thuẫn của bài toán giữa tăng trưởng và thất nghiệp.

Về vấn đề này, bà Ellen Hampton – chuyên gia nghiên cứu, giảng viên của trường Khoa học chính trị Pháp (Sciences-Po) phân tích: “Để giải quyết tình trạng thất nghiệp với tỷ lệ trên 11%, để giảm tỉ lệ thất nghiệp, nước Pháp sẽ phải thu hút thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài và ngay cả các nhà đầu tư của Pháp. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp lại liên tục tăng các loại thuế và điều này khiến các nhà kinh doanh rút vốn đầu tư ra khỏi nước Pháp. Và như vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tăng đầu tư và số lượng các doanh nghiệp – những đơn vị sẽ tuyển dụng lao động, nếu các biện pháp của chính phủ lại đánh vào giới chủ và các doanh nghiệp (?). Đó là bài toán mang tính xã hội của nước Pháp”.

Bất ổn xã hội

Trong khi hiệu quả của các chính sách kinh tế - xã hội mới của chính phủ Xã hội chưa thấy đâu, nhưng tình trạng thất nghiệp gia tăng, chính sách thuế liên tục đè nặng lên người dân, tội phạm gia tăng, nhất là ở các tỉnh phía Nam (Marseille, Corse)… ngày càng gây ra những bức xúc trong nhân dân, khiến xã hội Pháp luôn trong tình trạng căng thẳng, chỉ trực bùng nổ. Chia rẽ xã hội, bạo động, biểu tình gia tăng tại nhiều nơi.

Người dân Pháp, kể cả các cử tri của cánh tả, tỏ ra bi quan, suy giảm lòng tin vào Tổng thống, Thủ tướng và đảng Xã hội (PS). Đại bộ phận tỏ ra không tin tưởng vào cách thức đối mặt và giải quyết của Chính phủ Pháp hiện nay. Trên thực tế, hiện uy tín của Tổng thống Hollande đã xuống rất thấp, hiện chỉ còn xấp xỉ 25% - mức thấp nhất trong các đời Tổng thống của nền cộng hòa thứ 5 (dưới nền cộng hóa thứ 5, chưa có uy tín của Tổng thống nào lại dưới 30%). Uy tín của Thủ tướng Jean Marc Ayrault cũng trong tình trạng tương tự, xấp xỉ 25% và dư luận đã bắt đầu đề cập đến khả năng thay Thủ tướng. Uy tín của đảng Xã hội (PS) cũng theo đó ở mức thấp, 28%, chỉ ngang với uy tín của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN).

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, cứ 10 người dân thì có 9 người mong muốn và chờ đợi một sự thay đổi từ phía Tổng thống Hollande, trước hết là thay đổi chính sách, sau đó là thay đổi phương pháp điều hành và cuối cùng là thay đổi ê-kíp của Chính phủ. Cùng với đó, sự quan tâm đến chính trị của người dân cũng giảm thể hiện qua tỷ lệ cử tri đi bầu cử thấp tại một số cuộc bầu cử bổ sung.

Bà Ellen Hampton

Chia rẽ chính trị

Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều dấu hiệu rạn nứt trong liên minh cầm quyền, ngay trong chính nội bộ đảng Xã hội (PS) và các thành viên chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng chính phủ của đảng Xã hội đang thực hiện chính sách thiên hữu. Bất chấp kỷ luật phát ngôn mà Tổng thống Hollande đề ra, một số nghị sĩ, Thượng nghị sĩ và thành viên chính phủ của đảng Xã hội (PS) đã công khai chỉ trích Chính phủ, Thủ tướng và cả Tổng thống.

Tình hình đó liên tục bị các đảng đối lập triệt để lợi dụng công kích, hạ thấp uy tín, khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ đảng Xã hội (PS) và liên minh cầm quyền nhằm mở rộng khu vực ảnh hưởng. Trong các cuộc bầu cử Quốc hội hoặc bầu cử địa phương bổ sung ở mọi cấp, các ứng cử viên của đảng Xã hội (PS) cầm quyền đều bị thất cử trước các ứng cử viên của đảng đối lập Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) và đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN). Đáng chú ý là đảng cực hữu Mặt trận quốc gia đạt nhiều kết quả quan trọng trong các cuộc bầu cử địa phương, gây lo ngại về sự lên ngôi của tư tưởng cực hữu.

So với chính sách đối nội, chính quyền của Tổng thống Hollande trong năm 2013 đã khá tích cực trong chính sách đối ngoại, phần nào giúp “gỡ điểm” trước cử tri và người dân Pháp.

Có thể nói, năm 2013, chính sách đối ngoại của Pháp nổi lên 2 điểm đáng chú ý.

Ngoại giao “Quyền lực gây ảnh hưởng”

Thứ nhất, Pháp cố gắng thúc đẩy học thuyết ngoại giao “quyền lực gây ảnh hưởng” thông qua các vấn đề nóng của thế giới để khẳng định vai trò và lấy lại vị thế ngoại giao nước lớn. Điều này càng được khẳng định qua thái độ của Pháp sẵn sàng can dự trực tiếp trong các vấn đề Mali, Syria, hạt nhân của Iran hay vấn đề hòa bình Trung Đông, cuộc khủng hoảng tại Cộng hòa Trung Phi hiện nay. Trong hầu hết các vấn đề được coi là nằm trong “khu vực ảnh hưởng” trước đây ở Trung Đông và châu Phi, Pháp đều cho thấy một thái độ cứng rắn, quyết đoán và thể hiện một chính sách ngoại giao độc lập, thậm chí có phần “sẵn sàng đi đầu” so với các đồng minh của mình.

Đơn cử trong cuộc khủng hoảng Syria, Pháp là nước đã thể hiện rõ tính tiên phong và thái độ ủng hộ nghiêng hẳn về phe nổi dậy ngay từ đầu, tăng cường gây sức ép với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, thậm chí đã có lúc đẩy cuộc khủng hoảng tới bờ vực của một cuộc chiến can thiệp vào nội tình Syria. Trong vấn đề hạt nhân của Iran, Pháp là nước duy nhất trong nhóm P5+1 phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran với sự căng thẳng tới mức đôi lúc đẩy xa khả năng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận về vấn đề này. Chính thái độ phản đối Iran của Pháp đồng thuận với quan điểm của chính phủ Israel đã mở ra cơ hội mạnh mẽ cho Pháp tăng cường ảnh hưởng và vai trò trung gian hòa giải đối với vấn đề hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine.

Cùng với Trung Đông, năm 2013 chứng kiến nhiều bước đi quan trọng của Pháp trong việc thúc đẩy quan hệ với châu Phi – địa bàn chiến lược truyền thống quan trọng duy nhất còn lại mà nước Pháp phải giữ. Vì lợi ích của Pháp với châu Phi, năm 2013, tổng thống Pháp và nhiều lãnh đạo của Pháp đã đến thăm châu lục này, thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ trong Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Pháp- châu Phi tại Paris những ngày cuối năm. Cũng vì lợi ích tại đây, Pháp đã quyết liệt can dự quân sự tại Mali nhằm ngăn chặn chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và những cuộc giải cứu các con tin người Pháp ở châu Phi được truyền thông Pháp “tung hô” nhằm ghi điểm với người dân Pháp. Ngay trong cuộc khủng hoảng bạo lực ở Cộng hòa Trung Phi những ngày cuối năm này, Pháp cũng đã đi đầu trong việc gửi quân nhằm cùng với một bộ phận nhỏ lực lượng của Liên minh châu Phi (AU) đảm bảo an ninh và thiết lập lại trật tự, bất chấp một số thiệt hại ban đầu về người và phương tiện.

Và để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập này, cộng thêm một số lý do nội bộ, Pháp đã có những bất đồng với các đồng minh chủ chốt. Với Mỹ, đó là những bất đồng trong cách thức xử lý vấn đề Syria, hạt nhân Iran và đặc biệt là hành động nghe lén điện thoại, theo dõi thư tín điện tử và quản lý các trang mạng xã hội… của Mỹ đối với công dân Pháp. Với Đức, đó là bất đồng trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, là giải pháp lựa chọn giữa một bên là vấn đề tăng trưởng với một bên là việc quản lý và khống chế chi tiêu chính phủ. Thậm chí Pháp đã lôi kéo một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác như Tây Ban Nha, Italia… ủng hộ chủ trương tiến hành các giải pháp kích thích tăng trưởng, bất chấp quan điểm không đồng tình từ phía Đức và một số nước khác chủ trương siết chặt ngân sách, hạn chế chi tiêu công và thận trọng với tăng trưởng.

Ngoại giao kinh tế

Điểm nổi trội thứ hai không thể không nhắc đến trong ngoại giao, đó là những ưu tiên của Pháp tập trung cho việc thúc đẩy ngoại giao kinh tế nhằm kích thích tăng trưởng trong nước. Trong năm 2013 vừa qua, hầu như tất cả các chuyến thăm của Tổng thống Pháp François Hollande đến Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, tới Nga, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước ASEAN, châu Phi, Trung Đông… đều có sự kết hợp với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư.

Với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Pháp đã có những tiến triển mới trong việc thúc đẩy quan hệ theo hướng đa dạng hóa quan hệ với các nước, chứ không chỉ tập trung quan hệ với Trung Quốc như dưới thời của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy. Với khu vực ASEAN, Pháp xác định tập trung quan hệ với ASEAN là để tận dụng những cơ hội đang định hình, nhất là khi tổ chức này chuyển hóa thành Cộng đồng kinh tế theo viễn cảnh vào năm 2015. Trong đó, Pháp xác định Singapore, Indonesia, Malaysia và Việt Nam thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy quan hệ, chủ trương tăng cường quan hệ nhiều mặt với các nước, sẵn sàng chuyển giao công nghệ với những điều kiện chính trị và thương mại dễ dàng hơn. Điều này thể hiện ở chỗ, chỉ trong thời gian ngắn, Pháp đã có nhiều chuyến thăm cấp cao đến các nước ASEAN và đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 3 nước là Việt Nam, Indonesia và Singapore.

Tổng thống Hollande mới lên cầm quyền được 1 năm rưỡi trong nhiệm kỳ 5 năm của mình. Thời gian với ông vẫn còn dài; và bất chấp sức ép từ nhiều phía, ông vẫn tỏ ra vững vàng và tin tưởng vào đường lối chính sách mà mình đã chọn. Tuy nhiên, trước sức ép từ nhiều phía, có thể vị Tổng thống thứ 24 của nước Pháp sẽ phải tiến hành một số thay đổi thật sự, nếu không muốn đà suy giảm uy tín hiện nay tiếp tục vào năm 2014– năm của những cuộc bầu cử quan trọng. “Năm 2014 sẽ có các cuộc bầu cử quan trọng, đó là cuộc bầu cử thị trưởng các địa phương trên toàn nước Pháp và cuộc bầu cử nghị sĩ Liên minh châu Âu (EU)”, chuyên gia phân tích Ellen Hampton dự đoán. “Các cuộc bầu cử này có ý nghĩa chính trị quan trọng. Và tôi tin rằng, Tổng thống Hollande sẽ phải tiến hành những thay đổi trước các cuộc bầu cử này để tăng cường khả năng giành phiếu bầu của các cử tri Pháp”./.