Đúng 1 năm trước (ngày 6/5), cả nước Pháp hầu như dừng mọi hoạt động để đi đến các điểm bỏ phiếu và sốt ruột chờ đợi bản tin Thời sự 20h trên các kênh truyền hình. Đó là thời điểm công bố kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2 giữa hai đối thủ là ông Francois Hollande, ứng cử viên đảng Xã hội (PS) và đương kim Tổng thống Pháp khi đó, Nicolas Sarkozy.

Tròn 1 năm sau ngày được bầu chọn vào chiếc ghế quyền lực nhất nước Pháp, dường như mọi thứ đều bất lợi với Francois Hollande. Có lẽ chỉ trừ thời gian.

Không khí sôi sục ngày nào…

Ngày 6/5 năm ngoái, tại phố Solferino ở quận 7 Paris, nơi đặt trụ sở của đảng PS, 8h tối mới có kết quả bầu cử nhưng từ 4h chiều, metro đã chật cứng các đoàn người mang theo cờ Pháp, vừa đi vừa hát quốc ca. Con phố nhỏ Solferino thì không còn chỗ đặt chân, thậm chí cả đại lộ Saint Germain cạnh bên cũng đã chật cứng người. Nước Pháp thời khắc đó sục sôi trong hy vọng vào một sự thay đổi lịch sử bởi mọi dự đoán đều cho rằng ông Hollande sẽ chiến thắng ông Sarkozy để đưa cánh tả quay trở lại nắm quyền ở Pháp lần đầu tiên sau 17 năm.

Đám đông vỡ òa điên cuồng khi ông Hollande chiến thắng rồi hò nhau đi bộ đến tận quảng trường Bastille cách đó vài km để chờ ông Hollande xuất hiện ăn mừng chiến thắng. Ở Bastille, cờ Pháp, cờ các nước châu Phi, nam Mỹ… bay rợp trời. Rất nhiều đảng phái và phong trào cánh tả trên thế giới đã đổ về Paris để ủng hộ và chờ đợi Hollande chiến thắng. 

tong%20thong%20hollande%20u%20sau.jpg
Tổng thống Pháp Hollande (ảnh: Telegraph)

Vì khẩu hiệu của Hollande ngày ấy, quả thực, vô cùng khích động và lôi cuốn: “Changement, c’est maintenant” – “Thay đổi, là bây giờ”.

… và sự ảm đạm hiện nay

Tròn 1 năm sau, chính quyền của ông Hollande đã thay đổi được những gì? Câu trả lời, đáng tiếc, là: Không nhiều.

Cử tri Pháp đã trừng phạt ông Nicolas Sarkozy vì cuộc khủng hoảng kinh tế và những bê bối đời tư  nên đương nhiên họ cũng hy vọng nhiều nhất ở ông Hollande ở hai khía cạnh đó, tức là đưa nước Pháp và châu Âu ra khỏi khủng hoảng, và thể hiện được vị thế của một Tổng thống xứng tầm nước Pháp.

Nhưng thất vọng là cảm giác chung của cử tri Pháp vào thời điểm này. Cuộc thăm dò dư luận mới nhất được tổ chức hôm 2/5 vừa qua do viện TNS Sofres và báo Le Figaro tổ chức cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Hollande hiện chỉ ở mức 24%, tức có đến 3/4 dân Pháp “rất không hài lòng” hoặc “không hài lòng” với cách điều hành đất nước của ông Hollande.

Nguyên nhân lớn nhất dĩ nhiên là kinh tế. Từng hứa hẹn nhiều khi tranh cử nhưng sau 1 năm nắm quyền, chính phủ của ông Hollande vẫn chưa đảo được chiều đi xuống của kinh tế Pháp. Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp tăng tháng thứ 23 liên tiếp, tính đến hết tháng 3/2013, đã lên đến 11,5%, ở mức trên 3,2 triệu người, mức cao nhất trong lịch sử. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2013 cũng chỉ được chính phủ Pháp dự đoán ở mức 0,1%, thậm chí có thể thấp hơn nếu xét theo các báo cáo của Ủy ban châu Âu.

Xét một cách công bằng, những con số u ám trên không hoàn toàn đến từ sự yếu kém của chính quyền ông Hollande mà là di sản nặng nề từ thời ông Sarkozy, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn đang hoành hành tại châu Âu. Tuy nhiên, điều khiến sự thất vọng với ông Hollande vẫn tăng cao, đó là việc ông chưa tạo được bất cứ sự đột phá nào trong chính sách tạo việc làm, chưa kể việc dự định đánh thuế quá cao (75%) vào lớp người giàu càng khiến giới kinh doanh Pháp mất lòng tin. Một số cơ quan mới được lập ra nhằm chống khủng hoảng, như Bộ tái thúc đẩy sản xuất, cũng hoạt động không hiệu quả trong một số vụ việc điển hình như ngăn cản kế hoạch đóng cửa nhà máy, sa thải lao động của hãng xe Peugeot hay nhà máy thép Arcelor Mittal.

Chính sách kinh tế vĩ mô không rõ ràng, chính sách với châu Âu của ông Hollande cũng bị đặt nhiều dấu hỏi. Nước Pháp muốn chọn một lối đi khác với nước Đức, tức ưu tiên cho tăng trưởng và việc làm hơn việc thắt chặt chi tiêu nhưng đến lúc này, ông Hollande vẫn chưa thể hiện rõ chính kiến đó với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nhiều người cho rằng ông Hollande làm thế là thận trọng đúng mức, nhưng cũng không ít người nói rằng, sự mập mờ, thiếu quyết đoán của ông sẽ chỉ càng làm tình hình kinh tế nước Pháp thêm khó khăn bởi các nhà đầu tư không còn nhiều kiên nhẫn.

“Giống Thủ tướng hơn là Tổng thống”

Không đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, ông Francois Hollande cũng không quá xuất sắc ở khía cạnh thứ hai là phong cách lãnh đạo, dù ông hành động cũng không quá tệ.

Đề ra khẩu hiệu “Tổng thống bình thường”, ông Hollande đúng là không gây ra scandal nào ầm ĩ như ông Sarkozy về mặt lối sống. Nhưng thực ra, đó lại là một cái bẫy về phong cách, hay nói cách khác là hai mặt của một vấn đề:  bình thường và tầm thường.

Người dân Pháp không hẳn đã muốn một Tổng thống “bình thường” vì đã là người đứng đầu nước Pháp thì không thể bình thường được. Còn nếu cố tỏ ra bình thường thì tức là đang “tầm thường hóa” chiếc ghế quyền lực tối cao đó. Chỉ vì muốn khác với ông Sarkozy “thượng lưu” mà ông Hollande đã tự đặt mình vào một cái vòng luẩn quẩn về cách xử trí, để rồi từ đó dẫn đến những hệ lụy khác trong cách nắm quyền.

Pascal Perrineau, nhà chính trị học hàng đầu nước Pháp, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị của trường Sciences Po Paris, nhận xét: “Francois Hollande điều hành nước Pháp như thể ông đang là người đứng đầu đảng PS. Ông chưa biết cách sử dụng quyền lực của mình. Ông ấy giống một Thủ tướng hơn là một Tổng thống”. Đó cũng là điều nhiều nhà phân tích khác nói đến, tức trong cách lãnh đạo của mình, ông Hollande vẫn cố gắng tìm sự thỏa hiệp và chấp nhận sự không rõ ràng, hơn là việc dùng quyền lực rất lớn của mình để đặt ra đường lối.

Vụ scandal Jerome Cahuzac là một minh chứng thảm họa. Vị cựu Bộ trưởng Ngân sách Pháp, người cùng đảng PS với ông Hollande, đã buộc phải từ chức, thậm chí bỏ cả ghế nghị sĩ Quốc hội và bị khai trừ khỏi đảng PS vì vụ gian dối liên quan đến tài khoản ngân hàng mở tại Thụy Sỹ với một số tiền lớn không rõ nguồn gốc. Trong vụ việc này, chính phủ và cá nhân ông Hollande bị chỉ trích là đã bao che cho ông Cahuzac đến phút cuối cùng. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến tỷ lệ ủng hộ ông Hollande giảm mạnh trong thời gian qua và tiếp tục là cái cớ để phe đối lập sử dụng làm vũ khí công kích trong thời gian tới.

Tất nhiên, không phải mọi thứ đều là thất bại với ông Hollande. Dù bị coi là đưa ra một chủ đề gây tranh cãi vào một thời điểm không hợp lý nhưng Luật hôn nhân đồng tính do chính phủ ông Hollande đưa ra đã được Quốc hội Pháp thông qua. Ít nhất đó có thể coi là một thắng lợi về chính trị với cá nhân ông Hollande vì đã giữ được cam kết như khi tranh cử, dù trước mắt, bộ luật gây này tiếp tục gây tranh cãi ầm ĩ trong xã hội Pháp.

Tuy nhiên, mọi thách thức lớn nhất với ông Hollande, cuối cùng vẫn chỉ là làm thế nào để vực dậy nền kinh tế. Nếu kinh tế Pháp khởi sắc, mọi chỉ trích sẽ tan biến.

Dù sao thì Hollande vẫn còn đến 4 năm để làm điều đó./.