Tháng 3/1999, NATO tiến hành chiến dịch ném bom nhằm cản trở nhà lãnh đạo Serbia Slobodan Milosevic và các lực lượng ủng hộ ông, đồng thời buộc lực lượng này rút khỏi Kosovo.

Sau khi Liên bang Nam Tư tan rã đầu những năm 1990, các nước từng thuộc Nam Tư bắt đầu giao tranh ác liệt, trong đó có cả các cuộc xung đột sắc tộc, nổi bật nhất là cuộc thảm sát ở Srebrenica năm 1995 khiến hơn 8.000 người Hồi giáo Bosnia thiệt mạng.

Lực lượng Delta, Đội 6 lực lượng SEAL và các đơn vị đặc nhiệm liên minh tiến hành các chiến dịch trên mặt đất trong khi các máy bay Mỹ dẫn đường trên không, nhưng nhiệm vụ của họ không hề dễ dàng.

Serbia, có năng lực phòng không đáng nể, đã phóng gần 1.000 tên lửa về phía máy bay của NATO suốt chiến dịch 78 ngày.

Họ đã bắn hạ 2 máy bay của Mỹ: một máy bay tấn công tàng hình F-117 Nighthawk và một tiêm kích F-16.

Khi những điều không tưởng xảy ra

Ngày 27/3/1999, bốn ngày sau khi chiến dịch bắt đầu, Trung tá Darrell Patrick "Dale" Zelko điều khiển chiếc máy bay F-117 mang mã hiệu Vega 31, một trong những máy bay tiên tiến nhất mà Mỹ từng chế tạo, tấn công các mục tiêu khó nhằn ở thủ đô Belgrade của Serbia.

Thông thường, EA-6 Prowlers và F-16 Fighting Falcon sẽ hộ tống các máy bay ném bom của Mỹ để gây nhiễu điện tử, yểm trợ cận chiến khi tấn công các mục tiêu khó.

Trong đêm định mệnh tháng 3 đó, vì thời tiết quá xấu nên đội hộ tống không thể cất cánh và những chiếc F-117 phải hoạt động độc lập.

Khi Vega 31 tới gần mục tiêu, lực lượng Serbia đã phóng 2 tên lửa đất đối không, đánh trúng chiếc F-117, buộc phi công Selko phải thoát khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy.

8 tiếng sau đó là khoảng thời gian cực kỳ căng thẳng với Zelko khi phải đối mặt với thời tiết lạnh, địa hình hiểm trở trong lúc chạy trốn khỏi các nhóm tuần tra cùng chó nghiệp vụ của Serbia. Sau đó, phi công này được một nhóm tìm kiếm-giải cứu đặc biệt của Không quân Mỹ cứu thoát.

Thế giới vô cùng ngạc nhiên về vụ Serbia bắn hạ máy bay ném bom tàng hình của Mỹ, điều tưởng chừng không thể xảy ra. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau đó, lực lượng phòng không Serbia lại một lần nữa lập được kỳ tích.

“Bắt đầu tìm tôi đi”

Ngày 2/5/1999, Trung tá David Goldfein điều khiển tiêm kích F-16 Viper mang mã hiệu “Hammer 34” xuất kích trong đêm trên bầu trời Serbia, săn tìm các tổ hợp tên lửa phòng không của đối phương.

Mục tiêu của chuyến xuất kích là nhằm thiết lập ưu thế trên không trước khi nhằm vào các lực lượng của Serbia.

Đơn vị của Goldfein, Phi đội tiêm kích 555, đã tìm được cách nhằm vào hệ thống đất đối không của đối phương, theo đó sử dụng thiết bị nhắm mục tiêu hồng ngoại của F-16 để định vị tín hiệu nhiệt từ các khẩu đội phòng không sau đó sử dụng tên lửa tốc độ cao chống bức xạ AGM-88 để tiêu diệt.

Nhưng bất ngờ đã xảy ra. Một quả tên lửa đất đối không đã đánh trúng chiếc F-16 của Goldfein, gây thiệt hại đáng kể. Ban đầu, chiếc máy bay vẫn còn bay được, nên Goldfein đã tìm cách trở lại căn cứ.

“Bắt đầu tìm tôi đi”, Goldfein nói qua radio trong lúc cố duy trì độ cao của chiếc máy bay. Nhưng sau đó động cơ bị hỏng, phi công Goldfein bay thêm một quãng và thoát khỏi chiếc máy bay ngay trên vùng trời, nơi đặt các hệ thống phòng không của Serbia.

Ngay khi tiếp đất, Goldfein bắt đầu chạy trốn khỏi lực lượng Serbia. Trong khi đó, nhóm tìm kiếm và giải cứu đặc biệt đã điều động trực thăng đang trên đường giải cứu phi công Goldfein.

Trên đường đến, nhóm giải cứu hứng phải hỏa lực phòng không của Serbia và việc xác định vị trí chính xác của Goldfein gặp khó khăn. Đó là một cuộc chạy đua với thời gian xem ai sẽ là người có được phi công Mỹ trước.

Cuối cùng, các đặc công Mỹ đã kịp đón được Goldfein khi lực lượng Serbia vừa tới và bắt đầu nã đạn vào nhóm giải cứu.

Phi công Goldfein sau này còn tiếp tục một sự nghiệp khá dài trong quân đội Mỹ. Ông đã lên tới cấp tướng (4 sao) và trở thành tham mưu trưởng Không quân Mỹ.

“Nhờ đội cứu hộ này, tôi đã có thể trở về với gia đình của mình vào đúng ngày này cách đây 20 năm. Chúng tôi sẽ luôn biết ơn vì sự hy sinh và lòng dũng cảm của họ trong đêm máy bay của tôi bị bắn hạ. Chính họ đã bay qua không phận của đối phương và liều mạng để cứu tôi”, ông Goldfein nói trong ngày kỷ niệm chiến dịch giải cứu năm 2019.

Có một điều thú vị, chính đơn vị phòng không do sỹ quan Serbia Zoltan Dani chỉ huy đã bắn rơi cả 2 máy bay Mỹ, trong khi sỹ quan Không quân Mỹ - Trung tá Stephan Laushine, chỉ huy Phi đội Tác chiến Đặc biệt số 55, là người dẫn đầu cả hai cuộc giải cứu phi công.

Cơ quan đứng sau những chiến dịch giải cứu

Công cụ giúp giải cứu nhanh chóng cả 2 phi công chính là các quy trình cập nhật được đưa ra sau Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991.

Nhiều cơ quan, bao gồm Đơn vị Phối hợp Giải cứu Nhân sự (JPRA), được thành lập vào năm 1999, đã dẫn đầu một chiến dịch cập nhật và cải thiện các quy trình, thủ tục phục hồi nhân sự cùng chiến dịch tìm kiếm và giải cứu lực lượng chiến đấu.

“Những thay đổi mà chúng tôi thực hiện sau Chiến tranh vùng Vịnh đã tác động trực tiếp đến các hoạt động tìm kiếm và giải cứu (CSAR) ở Balkan. Ví dụ điển hình là Vega 31 và Hammer 34. CSAR đã rất nhanh chóng và hiệu quả. Chúng tôi đã giải cứu được các phi công mà không gặp vấn đề nghiêm trọng nào. Nhưng để đạt được điều đó, chúng tôi đã phải thực hiện rất nhiều thay đổi”, một quan chức JPRA đã nghỉ hưu nói với Insider.

JPRA là cơ quan chịu trách nhiệm về việc trao trả binh sỹ và nhân viên chính phủ Mỹ bị mắc kẹt tại các địa điểm không được phép [tiếp cận]. “Khách hàng” chính của JPRA là phi công, lính đặc nhiệm và cộng đồng tình báo.

“Trong quá trình lập kế hoạch, chúng tôi phải đảm bảo có thể đưa tất cả mọi người ra ngoài. Điều đó đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều công việc bổ sung, nhưng mỗi phút đều có giá trị”, quan chức JPRA đã nghỉ hưu cho biết.

Luôn có một phương án tìm kiếm và giải cứu nhân sự trong các hoạt động chiến đấu, nhất là ở khu vực hoạt động bí mật. Mặc dù điều này có những hạn chế và rủi ro nhất định, nhưng nó mang lại sự an tâm cho các phi công và biệt kích, để họ biết rằng sẽ có người tới giải cứu nếu điều tồi tệ nhất không may xảy ra với họ./.