1. Chiến dịch Aerodynamic

Trong hơn 40 năm, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã sử dụng hiệu quả “lá bài Ukraine” trong cuộc chiến chống phá Liên Xô. Ngay sau khi Thế chiến 2 kết thúc, Langley (tổng hành dinh của CIA) đã thiết lập liên lạc chặt chẽ với Tổ chức những người Dân tộc chủ nghĩa Ukraine (OUN) và Quân Nổi dậy Ukraine (UPA) – đây là 2 tổ chức chống cộng, tập hợp lực lượng từ hàng ngàn người ở các nước phương Tây và hoạt động ngầm ở nước Ukraine Xô viết (thuộc Liên Xô).

cia_chong_pha_lien_xo_1__pzvc.jpg
(Ảnh: Public Domain)

Chiến dịch Cartel, với mục tiêu ủng hộ các phần tử dân tộc Ukraine, đã hoạt động vào cuối thập niên 1940. Trong các năm đó chiến dịch này đã đổi tên nhiều lần nhưng được biết nhiều hơn cả với cái tên Aerodynamic.

Ban đầu CIA chủ động ủng hộ cuộc kháng cự vũ trang ở Ukraine, gửi đặc vụ và hướng dẫn viên tới đây, cung cấp tài chính cho các đơn vị quân sự chống Liên Xô. Họ cũng thu thập thông tin về các vị trí và tổ chức của Hồng quân.

Tuy nhiên, vào giữa thập niên 1950, khi các lực lượng OUN-UPA ở Ukraine và Đông Ba Lan đã cơ bản bị xóa sổ thì người Mỹ bắt đầu thay đổi chiến thuật. Giờ họ đánh vào ý thức hệ: họ bắt đầu xuất bản các tác phẩm văn học và tạp chí có nội dung chống cộng và ủng hộ các hoạt động chính trị bất hợp pháp tại Ukraine.

Năm 1990, với việc Liên Xô sắp sụp đổ đến nơi, ban lãnh đạo CIA đã đóng cửa chương trình này.

2. Chiến dịch Coldfeet

Tháng 5/1961, một máy bay trinh sát của Mỹ ở vùng Bắc cực phát hiện một trạm băng trôi nổi của Liên Xô bị bỏ hoang. Có vẻ như người Liên Xô đã vội vã rút khỏi trạm này do lo sợ băng sẽ tan ra.

CIA nhận thấy mình đang có cơ hội hoàn hảo để rờ tay vào các bí mật quân sự của Liên Xô. Họ đồ rằng trạm này có thể chứa đựng các thông tin giá trị về các mạng lưới theo dõi âm thanh Liên Xô, được sử dụng để giám sát các tàu ngầm Mỹ bên dưới lớp băng ở Bắc cực.

Không thể tới trạm này bằng tàu phá băng hay máy bay trực thăng nên hai đặc vụ của CIA đã được thả bằng dù từ oanh tạc cơ B-17 lên mặt băng, cùng với 8 hộp thiết bị.

Trong quá trình 3 ngày tại trạm, các đặc vụ Mỹ này đã thu thập hơn 80 tài liệu và chụp hàng trăm bức ảnh về thiết bị Liên Xô. Khi nhiệm vụ hoàn thành và đã thu được thông tin tình báo quý giá, nhóm đặc vụ này được một chiếc máy bay B-17 lôi ra khỏi trạm bằng một thiết bị giải cứu Fulton.

3. Dự án Azorian

Vào tháng 3/1971, do một số lý do không rõ, chiếc tàu ngầm K-129 của hải quân Liên Xô bị đắm ở Thái Bình Dương, cách Hawaii hơn 2.574km. Như nhiều lần khác, Liên Xô im hơi lặng tiếng về thảm kịch này và không chính thức công bố việc mất tàu ngầm. Do vậy, con tàu trên thực tế là “vô chủ” và về lý thuyết bất cứ nước nào cũng có thể tuyên bố nhận tàu này về mình. Dĩ nhiên người Mỹ không thể bỏ qua một cơ hội như thế.

Mỹ che giấu chiến dịch trục vớt bằng hoạt động khai thác mỏ. Họ đã chế tạo riêng một con tàu cho hoạt động trục vớt này. Con tàu Hughes Glomar Explorer mới nhìn thoáng qua trông như một tàu khoan thăm dò nhưng kỳ thực mục đích của nó là để kéo tàu ngầm Liên Xô từ đáy biển lên.

Công việc trục vớt không dễ dàng chút nào bởi vì tàu ngầm K-129 nằm ở độ sâu tới 5km dưới mặt nước đại dương. Hoạt động trục vớt bắt đầu vào năm 1974 – thời điểm 6 năm sau vụ đắm. Bản thân tàu ngầm này bị lún tiếp và người Mỹ chỉ có thể nâng được phần mũi tàu lên. Chi tiết về chiến dịch trục vớt này vẫn nằm trong vòng bí mật nhưng người ta tin rằng các nhân viên CIA đã lấy được 2 quả ngư lôi có đầu đạn hạt nhân, trong khi các tên lửa đạn đạo, các tài liệu và thiết bị quan trọng khác vẫn nằm ở đáy tàu.

Người Mỹ sau đó tuyên bố họ đã chôn cất thi thể của 6 thủy thủ Xô viết được tìm thấy trong các vị trí của tàu ngầm.

4. Dự án Dark Gene

Trong thời kỳ từ năm 1960-1970, khi Mỹ và Iran vẫn là bạn và đồng minh của nhau, CIA và lực lượng không quân Iran đã thực hiện các hoạt động trinh sát chung trên không ở khu vực miền nam Liên Xô. Chiến dịch này mang tên Dark Gene.

Các phi công Mỹ và Iran bay trên các chiến đấu cơ Iran đã thường xuyên bay qua biên giới Liên Xô để xác định các lỗ hổng trong hệ thống phòng không tại đây và kiểm tra độ hiệu quả của máy bay đánh chặn của Liên Xô khi ngăn chặn máy bay nước ngoài xâm nhập.

Trong khuôn khổ chiến dịch này, Iran đã mua vũ khí mới, bao gồm tiêm kích F-14 mà Mỹ khi đó không cung cấp cho bất cứ nước nào khác.

Vào ngày 23/11/1973, một chiếc phi cơ MiG-21SM do Gennady Yeliseev điều khiển đã cất cánh để chặn máy bay -4 Phantom II của Iran – chiếc máy bay vượt qua biên giới Liên Xô ở đồng bằng Mugan. Sau khi các tên lửa phóng ra đều không trúng mục tiêu, Yeliseev đã để cho cánh máy bay của mình va vào đuôi chiếc Phantom. Hậu quả chiếc F-4 Phantom bị rơi nhưng các phi công của nó nhảy dù kịp thời và bị bắt. Còn chiếc MiG đâm vào núi khiến Yeliseev hy sinh tại chỗ.

Trong thời kỳ này, 4 chiếc máy bay của Iran đã bị Liên Xô bắn rơi. Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, dự án Dark Gene lập tức bị đóng cửa.

5. Chiến dịch Cyclone

Trong toàn bộ quá trình Liên Xô can thiệp vào Afghanistan từ năm 1979-1989, CIA đã thực hiện một trong các chiến dịch tốn kém nhất của mình, với chi phí lên tới vài trăm triệu USD mỗi năm. Mục tiêu của Cyclone là cung cấp cho các chiến binh thánh chiến Mujahideen các vũ khí và đạn dược cần thiết để đánh lại quân đội Liên Xôđồn trú tại đây.

(Ảnh: Getty)

Để tránh dính líu trực tiếp vào xung đột vũ trang này, CIA hợp tác với Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Pakistan (ISI), cơ quan sử dụng tiền và vũ khí của Mỹ để tổ chức cung cấp tài chính, vũ khí và huấn luyện cho các đơn vị vũ trang đối lập tại Afghanistan.

Một chi tiết đáng lưu ý về Cyclone là việc cung cấp cho các Mujahideen các tên lửa phòng không vác vai vào năm 1986 – điều này đã gây ra thương vong lớn cho không quân Xô viết. Đặc nhiệm Liên Xô đã phải triển khai săn lùng các tên lửa Stinger.

Khi quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan, chiến dịch Cyclone chấm dứt. CIA sau đó lãng quên đất nước này, nhưng điều này là không lâu, với sự can dự trở lại của nước Mỹ./.