Đôi gọng kính mắt đen, ánh mắt sắc bén, nhìn vẻ ngoài, nữ thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Joan Bader Ginsburgcó vẻ nghiêm khắc. Quả thật, là một trong 9 thẩm phán quyền lực nhất của nước Mỹ, con đường tới chiếc ghế thẩm phán Tòa án Tối cao không trải thảm hoa hồng đối với Ruth Joan Bader Ginsburg.
Được coi như một biểu tượng đấu tranh cho nữ quyền, thành tích của Ruth Joan Bader Ginsburg khá nổi bật. Bà đã từng là giáo sư tại Trường Luật Rutgers-Newark và Trường Luật Columbia, hai ngôi trường đào tạo Luật sư danh tiếng hàng đầu nước Mỹ.
Phó Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Joan Bader Ginsburg trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng 11/8 tại Hà Nội. (ảnh: Hồ Điệp/VOV) |
Trước đó, bà tốt nghiệp Đại học Cornell ở Ithaca, New York, với bằng Cử nhân Nghệ thuật năm 1954. Năm 1956, bà theo học tại trường Luật Harvard, nơi bà là một trong số 9 phụ nữ hiếm hoi trong một lớp học khoảng 500 sinh viên.
Ở thời điểm ấy, ít ai nghĩ người phụ nữ nhỏ bé này lại có thể trở thành một thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ và là người có tiếng nói quyết định trong việc thúc đẩy việc thông qua Luật Hôn nhân Đồng giới tại 50 bang ở nước Mỹ hồi tháng 6 vừa qua.
“Vừa làm thẩm phán, vừa làm nội trợ”
Thế nhưng, cũng ít ai tưởng tượng được người phụ nữ quyền lực này lại là một người phụ nữ của gia đình. “Được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ là điều chưa bao giờ tôi nghĩ đến”, bà RuthJoan Bader Ginsburg kể lại.
Chặng đường gần 50 năm gắn bó với ngành Tòa án Mỹ sẽ không suôn sẻ với người phụ nữ thép của nước Mỹ nếu như không có vai trò của người chồng, người bạn đời Ginsburg, một viên chức bình thường của nước Mỹ.
Lập gia đìnhnăm 21 tuổi và sinh con, những tưởng cuộc đời của RuthJoan Bader Ginsburg sẽ như bao người phụ nữ Mỹ khác trôi qua bình lặng. Thế nhưng khát khao được làm một viên chức của ngành tư pháp Mỹ, đòi lại công bằng cho người dân và cả may mắn đã làm thay đổi số phận của RuthJoan Bader Ginsburg.
Ở thời điểm những năm đầu thế kỷ 20, nước Mỹ, dù đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực bình đẳng giới. “Lúc tôi tốt nghiệp Đại học Luật, nước Mỹ vẫn còn nhiều rào cản đối với nữ giới”, bà RuthJoan Bader Ginsburg kể lại.
Năm 1960, việc Nghị viện Mỹ thông qua một bộ Luật rất quan trọng chống phân biệt đối xử trong lao động trong đó có lĩnh vực pháp luật và tư pháp đã tạo ra cú huých trong đời sống xã hội Mỹ.
Phụ nữ được tham gia nhiều công việc xã hội hơn, và bắt đầu nắm giữ một số vai trò quan trọng trong bộ máy chính quyền Mỹ. Nhận thức được sự bất hợp lý trên, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã điều chỉnh một số điều khoản trong Luật Lao động, khuyến khích nữ giới tham gia bộ máy chính quyền.
Bà Ruth Joan Bader Ginsburg ngồi cạnh Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. (ảnh: Hồ Điệp/VOV) |
“Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã bổ nhiệm 25 nữ Thẩm phán ở cấp Sơ thẩm, 11 nữ thẩm phán ở cấp Phúc thẩm. Cá nhân tôi vinh dự là một trong số 11 thẩm phán này”, bà Ruth Joan Bader Ginsburg cho biết.
Ngày 10/8/1993, Ginsburg đã được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm làm Phó Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ. Bà là nữ thẩm phán thứ 2 sau nữ thẩm phán Sandra Day O'Connor, nhưng lại là người Do Thái đầu tiên được bổ nhiệm vào chức vụ này.
Mặc dù là một trong những thẩm phán, những phụ nữ quyền lực nhất nước Mỹ nhưng RuthJoan Bader Ginsburg vẫn chăm chỉ làm việc nhà, nấu ăn cho chồng con sau khi kết thúc một ngày làm việc bận rộn.
“Tôi lập gia đình, sinh con rồi mới đi học Đại học Luật. Cuộc đời tôi có 2 phần. Một phần là chăm sóc gia đình, một phần là công việc. Ban ngàytôi đi học, đón con lúc 16h chiều. Làm việc nhà sau đó mới quay lại sách vở”, bà RuthJoan Bader Ginsburg cho biết.
Khi được hỏi đâu là bí quyết để trở thành một trong những phụ nữ quyền lực nhất nước Mỹ, bà RuthJoan Bader Ginsburg nói một cách khiêm tốn rằng “Bản năng của người bố, người mẹ chăm sóc gia đình, con cái, đó là bí quyết giữ lửa cho gia đình và tạo ra thành công”.
Đến thăm Việt Nam lần này, Ruth Joan Bader Ginsburg kể rằng bà rất ấn tượng về đất nước và con người Việt Nam. “Các bạn có một nguồn nhân lực rất trẻ và giàu trình độ”, bà nhận xét. “Tôi rất vui vì được đến thăm Việt Nam dịp này”.
Bà Ruth Joan Bader Ginsburg nhận định: “Hiện nay Việt Nam đang có những thay đổi rất tích cực. Công cuộc cải cách tư pháp đã được tiến hành. Việt Nam đã có những cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực tư pháp. Một số nội dung trong Luật Tố tụng của Việt Nam cũng đang được sửa đổi. Theo cá nhân tôi đây là một thời điểm rất thú vị để chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ này”.
Trao đổi với báo chí trong cuộc họp báo sáng 11/8, bà Ruth Joan Bader Ginsburg cho biết bà lạc quan về tương lai hai nước. “Tôi hy vọng mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam-Mỹ sẽ phát triển ngày càng bền vững, không chỉ ở cấp cao với nhau mà còn ở nhiều cấp với nhau. Gốc rễ mối quan hệ chính là giữa con người-con người, giữa người dân hai quốc gia với nhau”./.