Thỏa thuận đạt được tại cuộc đàm phán 4 bên ở Geneva (Thụy Sĩ) vừa qua được dư luận đặc biệt hoan nghênh và đây được xem là “bước đi lớn” nhằm tháo ngòi nổ xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, việc thực thi văn kiện lại được dự báo là khó khăn khi các bên tiếp tục có những động thái gây căng thẳng. 

ukraine.jpg
Tình hình Ukraine vẫn bất ổn (Ảnh: Rfa)

Trong bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hóa thỏa thuận, Chính quyền lâm thời Ukraine tuyên bố sẽ tiến hành cải cách Hiến pháp, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương, đặc biệt là tại khu vực miền Đông và củng cố vị thế của tiếng Nga tại Ukraine.

Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseni Yatseniuk nói: “Chính phủ Ukraine đã sẵn sàng cho việc cải cách Hiến pháp, nhằm tăng quyền cho các khu vực, trong đó bao gồm trao quyền lực về hành chính cho các quan chức được bầu cử tại địa phương. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường vị thế của tiếng Nga và bảo vệ ngôn ngữ này tại Ukraine. Quyết định của chúng tôi là nhằm đạt được sự đồng thuận tại Ukraine”.

Tuy nhiên, cùng với động thái được xem là mang tính xây dựng này, Chính quyền lâm thời Ukraine cũng tuyên bố, việc thực thi thỏa thuận không ảnh hưởng tới chiến dịch mà nước này cho là chống khủng bố ở miền Đông, đồng thời cảnh báo sẽ có “những hành động cụ thể hơn” nếu những người biểu tình không chấm dứt việc chiếm đóng các cơ quan công quyền.

Trong khi đó, người biểu tình cũng không tỏ ý nhượng bộ khi tiếp tục các hoạt động biểu tình và chiếm đóng các tòa nhà công quyền. Những người này yêu cầu Chính quyền lâm thời Ukraine phải có thêm những đảm bảo, như thả tất cả các tù nhân chính trị, chấm dứt ngược đãi, buộc các phần tử cực hữu hạ vũ khí và đưa ra lộ trình rõ ràng về trưng cầu ý dân về hệ thống chính trị ở Ukraine.

Việc thực thi thỏa thuận Geneva còn đối mặt với khó khăn lớn khi Mỹ và phương Tây quyết tâm không từ bỏ cách hành xử thiên lệch. Nghị viện châu Âu ngày 18/4 đã thông qua nghị quyết ủng hộ tuyệt đối và đoàn kết với Chính phủ Ukraine trong các nỗ lực tái lập quyền lực ở các thành phố bị chiếm giữ, đồng nghĩa với việc ủng hộ chiến dịch trấn áp người biểu tình ở miền Đông.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ và một số nước phương Tây cũng nhất trí tiếp tục chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong trường hợp không đạt được các bước tiến trên thực địa. Thỏa thuận đạt được tại Geneva yêu cầu tất cả các bên liên quan tại Ukraine chấm dứt ngay lập tức các hành vi bạo lực và tạo ra hi vọng chấm dứt cuộc khủng hoảng không chỉ tại Ukraine sau nhiều tuần căng thẳng, mà còn chấm dứt cuộc khủng hoảng Đông- Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Song rõ ràng, việc thực thi thỏa thuận này lại là vấn đề khá nhạy cảm khi vẫn còn một khoảng cách rất lớn về niềm tin giữa những người biểu tình tại miền Đông ủng hộ Nga và những người ủng hộ chính quyền lâm thời hướng nhiều hơn về phương Tây, cũng như khoảng cách lập trường giữa Nga và phương Tây.

Đại diện Nga tại Liên Hợp Quốc Vladimir Tchijov hôm 18/4 cáo buộc, Chính quyền lâm thời Ukraine và các nước phương Tây đã cố tình hiểu sai các điều khoản của văn kiện khi cho rằng văn kiện này chỉ áp dụng cho các tỉnh miền Đông và miền Nam Ukraine cũng như những địa phương muốn thiết lập chế độ liên bang, chứ không phải áp dụng cho Kiev, nơi họ cho rằng mọi thứ đều là hợp pháp kể cả việc chiếm giữ đang diễn ra ở Quảng trường Độc lập.  Vì thế, dù được đánh giá là một bước tiến lớn đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, song thỏa thuận đạt được đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đòi hỏi những nỗ lực thực sự và mang tính xây dựng của tất cả các bên liên quan hướng tới một giải pháp lâu dài cho khủng hoảng.

Theo như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói, thì chỉ có đối thoại xây dựng mới là còn đường đúng đắn nhất và cũng là duy nhất để đi tới một giải pháp hòa bình./.