Trong một động thái cứng rắn nhằm phản ứng trước các cuộc trấn áp của lực lượng an ninh Ai Cập đối với những người ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo và cựu Tổng thống Mohamed Morsi, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu ngày 21/8 đã nhất trí tạm ngừng bán các thiết bị quân sự cho Ai Cập. Quyết định này đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của chính quyền Ai Cập khi cho rằng bất kì lệnh trừng phạt nào mà Liên minh châu Âu áp đặt lên chính phủ Ai Cập sẽ không mang lại điều gì mà chỉ có lợi cho các nhóm cực đoan.

eu-dung-ban-vu-khi.jpg
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle và Cao ủy phụ trách an ninh, đối ngoại của EU Catherine Ashton trước cuộc họp khẩn cấp về Ai Cập tại Brussels, Bỉ ngày 21/8 (Ảnh: Press TV)

Phát biểu tại cuộc họp khẩn, các Ngoại trưởng của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu cực lực lên án tất cả các hành vi bạo lực và tin rằng những hành động gần đây của quân đội Ai Cập là không tương xứng. Liên minh châu Âu kêu gọi tất cả các bên ngừng bạo lực và cùng tham gia một tiến trình toàn diện để đạt đồng thuận về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia này.

Ngoại trưởng Anh William Hagel nói: “Chúng tôi cực lực lên án các hành động của lực lượng an ninh Ai Cập cũng như các hành động của những người phản đối chính quyền trong các cuộc tấn công vào các nhà thờ và bệnh viện. Đây là những hành vi không thể chấp nhận được”.

Nhằm gây sức ép với chính quyền lâm thời Ai Cập về việc dừng đàn áp các cuộc biểu tình, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton nêu rõ, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu nhất trí đình chỉ tất cả giấy phép xuất khẩu sang Ai Cập bất kỳ loại vũ khí nào có thể được sử dụng trong các cuộc đàn áp nội bộ.

Theo đó, các công ty Liên minh châu Âu sẽ không được phép bán các loại vũ khí bao gồm dùi cui, đạn dược và khí ga sang Ai Cập. Mỗi quốc gia thành viên cũng có thể tự quyết định những loại thiết bị quân sự mà họ muốn ngừng bán cho Ai Cập.

Trước thềm cuộc họp trên, một số nước như Đức, Pháp, Italy, Thụy Điển, Áo và Hà Lan đã kêu gọi một lệnh cấm toàn diện việc bán vũ khí cho Ai Cập. Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans kêu gọi Liên minh châu Âu thiết lập hướng dẫn chung nhằm tạm ngừng bán vũ khí cho Ai Cập khi cho rằng việc cung cấp vũ khí cho Ai Cập vào thời điểm này là không có lợi cho nước này.

Trong khi đó Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt cho rằng người nộp thuế châu Âu không thể chi trả cho các cuộc đàn áp người biểu tình của một nước.

Tuy nhiên, các nước thành viên Liên minh châu Âu đã quyết định không cắt giảm viện trợ tài chính trị giá 5 tỉ euro cho Ai Cập mà chỉ nhất trí xem xét lại các chương trình viện trợ tài chính và cam kết tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho nước này.

Nhiều quốc gia lo ngại rằng việc cắt giảm viện trợ tài chính có thể làm suy yếu “đòn bẩy tài chính” của Liên minh châu Âu trong một nỗ lực nhằm thuyết phục chính phủ lâm thời Ai Cập khôi phục các qui tắc dân chủ. Ngoài ra, việc đóng băng các khoản viện trợ tài chính chỉ gây thêm khó khăn cho những người nghèo tại quốc gia Trung Đông, trong khi chính quyền nước này vẫn có thể nhận được những khoản tiền hỗ trợ từ các quốc gia vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói: “Về mặt kinh tế, chúng tôi quyết định duy trì sự hỗ trợ dành cho người dân Ai Cập. Mặc dù chúng tôi đang đánh giá lại mối quan hệ của EU với Ai Cập, song sẽ là thảm họa nếu như cắt đứt viện trợ cho nước này bởi Ai Cập có rất nhiều người nghèo”.

Phản ứng trước động thái trên của Liên minh châu Âu, đại sứ Ai Cập tại Pháp Mohamed Moustafa Kamal cho rằng bất kì lệnh trừng phạt nào mà Liên minh châu Âu áp đặt lên chính phủ Ai Cập sẽ không mang lại điều gì mà chỉ có lợi cho các nhóm cực đoan. 

Phát biểu tại Đại sứ quán Ai Cập ở Paris, đại sứ Mohamed Moustafa Kamal cho biết, sử dụng biện pháp cấm vận để gây sức ép lên Ai Cập là điều không thể chấp nhận. Đại sứ Moustafa Kamal nêu rõ: “Chúng tôi không thể chấp nhận sức ép lên ý nguyện của người dân Ai Cập. Đôi khi, những thông điệp kiểu này tạo ra sự hiểu nhầm, làm cho các lực lượng bạo lực lầm tưởng rằng, cộng đồng quốc tế ủng hộ họ. Chúng tôi ủng hộ các cuộc đối thoại trên tinh thần hòa giải dân tộc. Chúng tôi cố gắng hết sức vì điều đó”.

Trong khi Liên minh châu Âu đưa ra quyết định cứng rắn nhằm gây áp lực với Ai Cập thì Mỹ vẫn tiếp tục để ngỏ việc cắt khoản viện trợ quân sự hàng năm lên tới 1,3 tỷ USD cho Ai Cập. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf cho biết, việc cung cấp viện trợ được quy định bởi luật pháp và không thể bị cắt đứt trong một sớm một chiều.

Chính phủ Ai Cập trước đó tuyên bố nếu Mỹ và phương Tây cắt giảm viện trợ cho Ai Cập thì việc này cũng không thể làm suy yếu nền kinh tế nước này, bởi Ai Cập có thể nhận được nhiều tiền hơn từ các quốc gia khác. Saudi Arabia, Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain, Jordan đã tuyên bố nếu viện trợ cho Ai Cập bị cắt giảm thì các nước Arab vốn giàu nguồn nhân lực và tài chính sẽ bù đắp những thiếu hụt viện trợ này./.