Các Bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) tập trung tại Brussels (Bỉ) tối 9/12 để có thể nhanh chóng tiến tới nhất trí những bước đi tiếp theo nhằm thành lập một Liên minh ngân hàng.

Việc thành lập liên minh ngân hàng là một trong những dự án tham vọng nhất của Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công xảy ra nhằm mang đến một nền tảng mạnh mẽ hơn cho đồng tiền chung châu Âu.

ecb_copy.jpg
Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB (Ảnh AP)

Trước đó, ngày 15/10 vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu đã thông qua việc thành lập Cơ chế giám sát chung (SSM). Cơ chế này giúp giám sát các ngân hàng trong khu vực Liên minh châu Âu và các tổ chức tín dụng khác. 

Đây là bước đi đầu tiên của Liên minh châu Âu nhằm xây dựng một liên minh ngân hàng.

Trong hai ngày họp tại Brussels, các Bộ trưởng tài chính sẽ phải đàm phán về hai "trụ cột" còn lại trong kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng, gồm thiết lập Cơ chế giải quyết chung (SRM) và Cơ quan có quyền tái cơ cấu hay đóng cửa các ngân hàng (BRRD) vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sự bất đồng giữa các nước thành viên, đặc biệt là sự không ủng hộ của Đức.

Lúc này, Đức vẫn hoài nghi về tính tương thích của Cơ chế giải quyết chung đối với các hiệp định hiện hành của Liên minh châu Âu. Là nền kinh tế đầu tàu của khối này, Đức đóng góp chủ yếu trong các gói cứu trợ. Nếu thực hiện theo cơ chế mới, các ngân hàng của Đức sẽ được yêu cầu đóng góp cho quỹ dùng cho việc giải thể hoặc cứu trợ ngân hàng ở các nước yếu hơn trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Phát biểu khi đến Brussels, Chủ tịch Nhóm bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu, ông Jeroen Dijsselbloem, bày tỏ hi vọng sẽ sớm hoàn thành 2 trụ cột này trong năm nay: “Có lẽ chúng tôi sẽ phải đi đến một thỏa thuận vào ngày 10/12. Nếu không, chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm việc, bởi chúng ta phải hoàn thành các thỏa thuận trong tháng này trước khi kết thúc năm nay. Tôi lạc quan về điều này”.

Trong khi đó, các Bộ trưởng tài chính hy vọng sớm đạt được thỏa thuận cho dù các bên vẫn còn nhiều bất đồng. Ông Wolfgang Schaeuble-Bộ trưởng tài chính Đức nhận định: “Vẫn còn nhiều công việc trong ngày hôm nay. Chúng tôi không chắc chắn có giải quyết được vấn đề trong một cuộc họp hay không. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết được một điều gì đó tốt đẹp",

Bộ trưởng tài chính Ireland, ông Michael Noonan, cho biết thêm: "Có một số điểm khác biệt. Song tôi hy vọng sự khác biệt này sẽ được thu hẹp và tôi muốn thỏa thuận đó đạt được vào tối nay. Có thể chúng tôi sẽ còn phải gặp nhau vào dịp lễ Giáng sinh nhưng nếu các bên đạt được đồng thuận thì thỏa thuận có thể đạt được ngay trong hôm nay”.

3 năm sau khi các các gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Síp, việc thành lập một hệ thống ngân hàng thống nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu được xem là công cụ quan trọng để chống lại các cuộc khủng hoảng xảy ra trong tương lai.

Tuy nhiên, bất đồng giữa hai đầu tàu kinh tế chủ chốt tại Liên minh châu Âu là Pháp và Đức đối với việc thành lập Liên minh ngân hàng, nhất là trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa là đến hạn mà các nước Liên minh châu Âu đặt ra để hoàn thành giai đoạn 2, các nhà phân tích cho rằng, các nước Liên minh châu Âu sẽ rất khó khăn để có thể đáp ứng được hạn chót này./.