Ngày 27/11/2013, NHTW châu Âu (ECB) đã đưa ra báo cáo ổn định tài chính định kỳ sáu tháng một lần. Trong đó, ECB cảnh báo về rủi ro bắt nguồn từ bên ngoài, nếu NHTW Mỹ (Fed) cắt giảm qui mô chương trình nới lỏng định lượng QE3, đồng thời kêu gọi các nhà tạo lập chính sách tại khu vực đồng tiền chung euro phải tích cực chuẩn bị những biện pháp cần thiết để đối phó với các cú sốc bắt nguồn từ những thay đổi trong động thái chính sách của Fed.
Kể từ tháng 5/2013, khi Mỹ đề cập đến khả năng cắt giảm chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỉ USD/tháng, các thị trường tài chính thế giới chao đảo mạnh, nổi bật là tại các nền kinh tế mới nổi.
Sau thời gian đó, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng yêu cầu Fed phải đưa ra thông điệp rõ ràng hơn, song chỉ thị chính sách của Fed dường như chỉ tập trung vào thị trường lao động và lạm phát, mà ít cân nhắc tác động của nó đối với thị trường quốc tế.
Báo cáo cho biết, chính sách tài khóa của Mỹ đang gây tác động lan chuyền sang các khu vực khác trên thế giới, làm suy giảm lòng tin của thị trường và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chao đảo từ kỳ vọng Mỹ cắt giảm QE3 đã giảm nhẹ trong thời gian gần đây, tình hình tài chính của nhiều ngân hàng tại khu vực euro đã cải thiện đáng kể, mặc dù nguy cơ tiềm tàng có thể vẫn đe dọa thị trường tín dụng trong thời gian tới.
Theo nhận định của ECB, thời điểm sớm nhất là Fed sẽ cắt giảm gói QE3 vào tháng 12 này, nếu dữ liệu về việc làm trong tuần đầu tháng 12/2013 được cải thiện mạnh mẽ.
Trong tuần lễ kết thúc vào ngày 15/11/2013, số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ là 2,78 triệu người, giảm từ con số 2,88 triệu người trong tuần lễ trước đó. Dữ liệu việc làm lạc quan hơn làm tăng triển vọng Fed sẽ cắt giảm chương trình mua trái phiếu QE3, chỉ còn chờ thêm một báo cáo về việc làm trước phiên họp thường kỳ vào tháng 12 này. Khi đó, Fed sẽ đưa ra quyết định và lịch trình cụ thể.
ECB cho biết, các nhà đầu tư tại khu vực euro dễ bị tổn thương trên thị trường trái phiếu hơn là các khoản đầu tư vào ngân hàng, nhưng rất khó xác định các khoản thua lỗ cuối cùng.
Sự hỗn loạn đòi hỏi các nhà tạo lập chính sách phải đảm bảo các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và quĩ hưu trí có thể đối phó với tình hình lợi nhuận thấp một cách bất thường trong lịch sử từ trước đến nay. Để có thể rút dần các biện pháp nới lỏng tiền tệ đặc biệt bất chấp lãi suất trái phiếu gia tăng đột ngột trên phạm vi toàn cầu, bên cạnh các biện pháp của ECB như định hướng chính sách về các mức lãi suất, các nước thành viên cần có chính sách kinh tế vĩ mô ổn định và dễ dự báo.
ECB cho biết, rủi ro bắt nguồn từ những rối loạn tại khu vực euro đã giảm nhẹ so với báo cáo ổn định tài chính đưa ra hồi tháng 5/2013. Tuy nhiên, lợi nhuận ngân hàng yếu ớt và bất ổn tài chính triền miên vẫn đe dọa tình hình tài chính. Trong bối cảnh đó, liên minh ngân hàng sẽ đóng góp quan trọng trong việc vượt qua những rào cản này.
Cho tới nay, việc thành lập liên minh ngân hàng và trao quyền hạn tối cao về giám sát hệ thống ngân hàng cho ECB vẫn vấp phải sự khác biệt về quan điểm giữa một bên là ECB và một bên là các cử tri Đức.
Trái với quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble, chủ tịch ECB Mario Draghi cho rằng, để thành lập liên minh ngân hàng, không nhất thiết phải thay đổi Hiệp ước chung châu Âu.
ECB cũng cho biết, những tiến triển vừa qua phản ánh phần nào thành công trong cải cách cơ cấu và tài khóa. Tuy nhiên, thiếu cải cách tiếp theo sẽ đe dọa nỗ lực cải cách, dẫn đến những căng thẳng trên các thị trường nợ quốc gia. Trong đó, các đợt tái cấp vốn bất thường có thể là hiểm họa. Trong tháng 11/2013, ECB đã cắt giảm các khoản cho vay tái cấp vốn xuống mức thấp kỷ lục./.