Liên minh châu Âu (EU) ngày 4/3 đã công bố kế hoạch nhằm chấm dứt việc kiểm soát biên giới mà các nước thành viên đã áp đặt để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư, theo đó khôi phục hiệu lực của hiệp ước đi lại tự do trong khối Schengen trước cuối năm nay. 

Trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ mục tiêu bãi bỏ tất cả các hoạt động kiểm soát biên giới nội khối Schengen trước tháng 12/2016. 

nhapcu_lxly_wrbc.jpg
Cuộc khủng hoảng di cư vẫn là bài toán khó đối với châu Âu. (Ảnh: AFP).

Ủy ban châu Âu cũng đề nghị thành lập một lực lượng bảo vệ bờ biển của Liên minh châu Âu trước mùa hè này, hỗ trợ Hy Lạp tăng cường kiểm soát đường biên giới và đảm bảo hợp tác hiệu quả với Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực hạn chế dòng người di cư và tị nạn ồ ạt kéo tới châu Âu.

Theo kế hoạch, hệ thống bảo vệ bờ biển và biên giới EU đã được các nhà lãnh đạo của liên minh nhất trí thành lập sẽ chính thức hoạt động vào tháng 9 tới.

Cao Ủy Liên minh châu Âu phụ trách vấn đề di trú, ông Dmitris Avramopoulos cho biết: “Chúng ta không thể đi lại tự do trong khối nếu không kiểm soát đường biên giới bên ngoài một cách hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta trông chờ vào các nước thành viên và Nghị viện châu Âu nhanh chóng triển khai lực lượng bảo vệ biên giới và bờ biển châu Âu”.

“Các nước thành viên cần sẵn sàng áp dụng các biện pháp chuẩn bị cần thiết cho những quy định mang tính bắt buộc. Liên minh châu Âu cần phải có khả năng kiểm soát biên giới bên ngoài với một hệ thống quy định mới”, ông Dmitris Avramopoulos nói.

Số liệu thống kê cho thấy hơn 1,25 triệu người tìm kiếm tị nạn đã tới Liên minh châu Âu trong năm 2015, cao gấp đôi so với năm 2014, trong đó có 363.000 người Syria di cư tránh xung đột trong nước.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cho biết, việc các nước thiết lập trở lại hoạt động kiểm soát biên giới ở khu vực Schengen có thể gây thiệt hại kinh tế từ 5-18 tỷ euro (5,5-20 tỷ USD) mỗi năm, tương đương 0,05-0,13% sản lượng kinh tế của cả khối này./.