Hẳn mọi người không quên câu nói bất hủ của phi hành gia Nây Neil Amstrong lúc đặt chân lên Mặt trăng “Đây là một bước đi của con người, nhưng là một bước tiến vĩ đại của nhân loại” để chứng tỏ rằng mong ước khám phá những bí ẩn vũ trụ của loài người đã trở thành hiện thực.
Ngày 16/7/1969, con tàu Apollo 11, với 3 phi hành gia Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin rời bệ phóng tại trung tâm vũ trụ Kennedy.
Ba ngày sau tàu Apollo 11 bay vào quỹ đạo Mặt trăng và ngày 20/7, chuyến bay có người lái đầu tiên trên thế giới đã đổ bộ thành công lên bề Mặt Trăng.
Trong cuộc đổ bộ này, hai nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong và Buzz Aldrin, ngoài việc cắm thành công quốc kỳ Mỹ trên Mặt Trăng, đã dành 2 tiếng đồng hồ đi bộ trên bề mặt của Mặt trăng để thu thập các mẫu đất và loại khoáng chất Armalcolite để phục vụ cho các nghiên cứu sau này.
Chuyến bay sứ mệnh đó cuối cùng đã hạ cánh an toàn xuống Thái Bình Dương vào ngày 24/7/1969, kết thúc chuyến hành trình 8 ngày vĩ đại chinh phục Mặt trăng.
45 năm đã trôi qua, song trong ký ức của một trong những huyền thoại của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ Genne Kranz- giờ đã ngoài 80 tuổi, còn nguyên vẹn những hình ảnh lịch sử ấy. Hồi đó, ông là giám đốc điều hành dự án Gemini của NASA với những phi thuyền có thể chở được 2 phi công, trong đó có Apollo 11.
“Có những sự kiện trong cuộc đời mà bạn sẽ không bao giờ quên. Khi đó, tôi có một đội gồm toàn những chàng trai trẻ ở độ tuổi trung bình là 26 song tôi dành trọn niềm tin vào họ. Trong vai trò trực tiếp chỉ đạo chuyến bay, tôi phải đưa ra những quyết định rất cân não như “bắt đầu khởi hành hay chưa” hay có nên đổ bộ xuống Mặt trăng lúc này hay chưa? Nói vậy chứ, lúc đó chúng tôi không được phép dừng lại trong thất bại, bởi điều đó sẽ làm uổng phí mọi công sức nỗ lực, sự hi sinh của cả một đội ngũ hỗ trợ phía sau. Tôi thấy vui vì, đến giờ, chúng tôi đã được ghi nhận và đây chính là sự khích lệ để những thế hệ kế tiếp của chúng tôi tiếp tục các sứ mệnh chinh phục không gian mới”, ông Kranz chia sẻ.
Sau nhiều năm nỗ lực, với các thử nghiệm đầy nguy hiểm, loài người đã tạo ra được một đột phá lớn khi đặt chân lên Mặt trăng. Sự kiện Apollo 11 đổ bộ thành công ngay lập tức thu hút sự chú ý của cả thế giới.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA ước tính có khoảng 530 triệu người đã theo dõi sự kiện vĩ đại này qua truyền hình. Đây cũng là chương trình truyền hình có số lượng khán giả lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Thành công của Apollo 11 sau đó cho phép nước Mỹ triển khai hàng loạt chuyến viếng thăm mặt trăng. Chuyến cuối cùng là tàu Apollo 17 năm 1972 đã kết thúc Dự án Apollo chinh phục vũ trụ của người Mỹ.
Tổng cộng có 12 nhà du hành đặt chân lên “vệ tinh duy nhất của Trái đất” thu về hàng nghìn mẫu đất đá phục vụ cho các công trình nghiên cứu sau này.
Càng về sau, các con tàu chinh phục không gian của nhiều nước khác càng hiện đại và đa dạng hơn, song sự kiện Apollo 11 đưa con người lên tới Mặt trăng vào ngày 20/7/1969 vẫn luôn là dấu mốc quan trọng đánh dấu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người./.