Trung Quốc đổ bê tông bãi Đá Subi

Nhìn từ trên cao bãi Đá Subi, một rạn san hô vòng thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa [của Việt Nam-ND] trông giống như một thị trấn nhỏ ngăn nắp, với sân chơi thể thao, những con đường và các tòa nhà dân cư lớn.

2016_08_09t163801z_1848161746_s1betumbmnab_rtrmadp_3_southchinasea_china_images_800x583_znkx.jpg
Hình ảnh chụp từ vệ tinh bãi Đá Subi. Ảnh: Reuters

Giới chuyên gia an ninh khu vực tin rằng, sớm hay muộn gì Trung Quốc sẽ biến Subi thành căn cứ quân sự đầu tiên của nước này ở vùng trung tâm Biển Đông.

Đánh giá dữ liệu từ những nguồn phân tích tư nhân, hãng tin Reuters của Anh cho biết, có gần 400 tòa nhà trên bãi đá Subi, nơi cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.200km. Reuters cũng dẫn các nguồn tin phân tích quân sự và ngoại giao cho biết, Subi trong tương lai có thể là nơi đồn trú của hàng trăm binh sĩ hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Việc Trung Quốc bê tông hóa bãi Đá Subi cũng có thể nhằm xây dựng trung tâm hành chính và khuyến khích người dân ra ở.

Earthrise Media-một nhóm truyền thông phi lợi nhuận độc lập, đã công bố những dữ liệu đánh giá dựa trên phân tích các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao do DigitalGlobe cung cấp từ thời điểm năm 2014 khi Trung Quốc bắt đầu xâm chiếm các rạn san hô trên Biển Đông. Theo đó, Earthrise chỉ ra rằng trên bãi Subi đã có hệ thống đường sá, sân bóng rổ, các thao trường và nhiều tòa nhà vững chãi cùng thiết bị radar.

“Khi xem những bức ảnh vệ tinh, tôi đã thấy một cơ sở tiêu chuẩn của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trên đảo. Điều này quả là không thể tin được”, nhà phân tích an ninh tại Singapore Collin Koh đưa ra nhận định tương tự khi xem xét các bức ảnh và các dữ liệu thống kê.

“Bất cứ sự triển khai quân đội nào cũng sẽ là một bước đi lớn của Trung Quốc. Họ sẽ phải bảo vệ và củng cố cơ sở vật chất này, do đó, việc triển khai quân sự có thể sẽ được thực hiện”, ông Collin Koh nói thêm.

Giới ngoại giao phương Tây cho rằng, việc Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu hay quân đội tới các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông giống như một thách thức cho các nỗ lực quốc tế trong việc “kiềm chế” tham vọng của Trung Quốc muốn kiểm soát tuyến đường biển thương mại huyết mạch này.

Cũng theo Earthrise, Trung Quốc đã xây dựng trên Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa [của Việt Nam-ND] mỗi đảo gần 190 tòa nhà và các cơ sở vật chất khác.

Theo ông Collin Koh và một số nhà phân tích khác, cơ sở vật chất Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Đá Subi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa có thể làm nơi đồn trú cho khoảng 1.500 đến 2.400 binh sĩ.

Tác nhân Mỹ tại Biển Đông

Giới chuyên gia mới chỉ đưa ra phỏng đoán, đồng thời ý đồ thực tế của Trung Quốc sẽ còn phụ thuộc vào việc Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa thế nào bởi các xu hướng an ninh khu vực, đặc biệt là các hành động của Mỹ tại Biển Đông mà Washigton gọi là “các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải”.

Reuters cho biết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không trả lời các câu hỏi về việc xây dựng trên bãi Đá Subi cũng như mục đích sử dụng của những cơ sở hạ tầng này.

Trung Quốc luôn khẳng định những cơ sở vật chất mà nước này xây dựng tại các đảo mà nước tự tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông là vì mục đích dân sự và cần thiết cho mục tiêu phòng vệ. Bắc Kinh cáo buộc ngược lại Washington đã quân sự hóa Biển Đông với cái cớ “tuần tra vì tự do hàng hải”.

Trong khi đó, Nhà Trắng đầu tháng này thể hiện quan ngại về hành động quân sự hóa mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ gia tăng quan ngại sau khi CNBC đưa tin, Trung Quốc lắp đặt tên lửa hành trình săn hạm và hệ thống tên lửa đất đối không tại Subi.

Cuối tuần trước, Trung Quốc cũng thông báo tiến hành diễn tập máy bay ném bom trên Biển Đông. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cuộc diễn tập của các máy bay H-6K đã được tiến hành Biển Đông. Các máy bay đã cất cánh từ một căn cứ không quân và tiến hành một cuộc tấn công giả định vào các mục tiêu trên biển trước khi hạ cánh. Cuộc diễn tập cất-hạ cánh này nhằm giúp lực lượng Không quân cải thiện khả năng chiến đấu thực tế trước tất cả các mối đe dọa với an ninh hàng hải.

Dựa trên các hình ảnh vệ tinh, một số nhà phân tích Mỹ nói rằng, cuộc diễn tập này được thực hiện trên đảo Phú Lâm, đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa [của Việt Nam-ND]. Phía Trung Quốc sau đó cũng xác nhận máy bay ném bom của mình đã thực sự hạ cánh xuống khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 23/5, Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia (RIMPAC), với cáo buộc Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa các hòn đảo chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.

Reuter dẫn lời chuyên gia an ninh Trung Quốc Zhang Baohui tại Đại học Lingnan ở Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, Bắc Kinh sẽ phải rất cẩn trọng trước bất cứ động thái gây hấn nào.

“Tôi cho rằng, việc triển khai lực lượng ở quá xa bờ biển Trung Quốc sẽ cần phải cân nhắc cực kỳ kỹ lưỡng. Việc đưa quân đội và máy bay chiến đấu tới Biển Đông, Trung Quốc sẽ thực sự vượt qua giới hạn kiềm chế của các nước láng giềng”, ông Zhang Baohui nói.

Với giới chức quân sự Mỹ, họ gần như không thay đổi quan điểm của mình và cho rằng các cơ sở hiện nay trên Biển Đông sẽ giúp Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự tại khu vực./.