Từ “giấu mình chờ thời” đến công khai lộ liễu

Theo National Interest, năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ không quân sự hóa các bãi đá ở quần đảo Trường Sa mà nước này cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo và xây dựng các công trình trái phép trên đó.

bien_dong_hfpo.jpg
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá ở Biển Đông. Ảnh: CSIS

Dù chỉ là những bãi đá nửa nổi nửa chìm ở phía Đông Biển Đông, các bãi đá này lại nằm gần những tuyến liên lạc, vận tải hàng hải và các khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và khí đốt.

Chính vì thế, để củng cố vững chắc tham vọng độc chiếm khu vực này vì nhiều lợi ích khác nhau, Trung Quốc đã không ngần ngại xây dựng các cầu cảng và đường băng trên các đảo nhân tạo nói trên.

Đáng chú ý, vào thời điểm các công trình này được xây dựng, Trung Quốc tuyên bố sẽ chỉ sử dụng vào mục đích dân sự và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chuyên gia quân sự khẳng định, các công trình trên hoàn toàn đủ khả năng tiếp nhận máy bay chiến đấu và tàu chiến các loại.

Tham vọng của Trung Quốc ngày càng rõ ràng hơn vào cuối năm 2016 khi nước này quyết định đưa súng phòng không cùng các khí tài mà nước này gọi là “các hệ thống vũ khí cận chiến” (CIWS) hiện diện thường trực trên các đảo nhân tạo nói trên.

Theo các chuyên gia, CIWS trên thực tế là súng Gatling [súng máy nòng xoay-ND] được kết nối với các loại cảm biến giúp chúng có thể tự động hoạt động chống lại máy bay chiến đấu của các nước trong khu vực qua lại quanh các đảo nhân tạo nói trên.

Để hoàn thiện khả năng kiểm soát toàn khu vực quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã triển khai cả tên lửa hành trình đối hạm và tên lửa đất đối không lên ít nhất 3 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa là đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Subi.

Trong đó, tên lửa đất đối không HQ-9B có tầm hoạt động hơn 200km và tên lửa hành trình đối hạm YJ-12B có tầm hoạt động lên tới gần 300km bao trùm hầu khắp khu vực phía Đông Biển Đông và đe dọa tới hạm đội Hải quân của một số nước khác.

Thiết lập “eo biển chiến lược” khống chế Biển Đông

Các hoạt động quân sự hóa tương tự cũng diễn ra ở khu vực phía Tây Biển Đông. Trung Quốc đã liên tục mở rộng và hiện đại hóa phi pháp các căn cứ trên đảo Phú Lâm, một trong những hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa [của Việt Nam-ND] mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Cụ thể, Trung Quốc đã kéo dài đường băng trên hòn đảo này lên 2.700m. đủ để các chiến đấu cơ nước này dễ dàng cất và hạ cánh. Trên thực tế, tiêm kích J-11B từng bị phát hiện có mặt trên đảo Phú Lâm hồi năm 2016. Cùng thời điểm đó, Trung Quốc đã nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển trên đảo và triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 đến đây.

Trung Quốc cũng đã xây dựng các trạm radar trên các đảo nhân tạo và cả đảo Phú Lâm đồng thời tăng cường các hoạt động của Không quân và Hải quân trong khu vực. Cùng với các hệ thống tên lửa, các tàu chiến và máy bay chiến đấu của Trung Quốc có nhiệm vụ đảm bảo rằng, toàn bộ Biển Đông nằm trong tầm kiểm soát của quân đội nước này.

Các chuyên gia quân sự tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng. những nỗ lực quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông  trong khu vực là nhằm tạo ra cái gọi là “eo biển chiến lược” trong khu vực.

Nói cách khác, thông qua việc hiện diện quân sự thường xuyên trên toàn Biển Đông, bao gồm đảo Hải Nam và Phú Lâm ở phía Tây và các đảo nhân tạo ở phía Đông, Trung Quốc đang tìm cách biến một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới thành “của riêng” và cũng là tiền đồn chiến lược về quân sự.

Hình thành Khu vực Chống Tiếp cận/Chống Xâm nhập

Theo các chuyên gia, việc cùng lúc triển khai nhiều lực lượng quân sự ở Biển Đông đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã sẵn sàng chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn mới là hình thành Khu vực Chống Tiếp cận/Chống Xâm nhập (A2/D2) bằng các sử dụng vũ lực xua đuổi lực lượng Hải quân các nước trong khu vực ra khỏi cả những vùng biển mà họ hoàn toàn được phép tự do đi lại theo luật quốc tế.

Hệ lụy từ việc biến Biển Đông thành “vùng biển bị Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát” là rất đáng quan ngại. Một mặt, tự do hàng hải và hàng không qua một trong những tuyến đường nhộn nhịp nhất thế giới bị cản trở, mặt khác, Trung Quốc được quyền tự do vơ vét mọi tài nguyên khoáng sản tại đây. Ngoài ra, Hải quân các nước trong khu vực sẽ “bị bịt kín lối đi” đến Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hơn thế nữa, an ninh hàng hải của một số quốc gia ven biển láng giềng với Trung Quốc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Không phải đến bây giờ Trung Quốc mới có tham vọng độc chiếm Biển Đông, nhưng chỉ đến những năm gần đây, tham vọng này mới được bộc lộ rõ và trở nên công khai./.