Nhóm tiếp xúc về Ukraine, gồm đại diện chính quyền và phe đối lập Ukraine, cùng với đại diện Nga và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 7/7 đã nối lại vòng đàm phán mới tại thủ đô Minsk, Belarus.

tin_hieu_tinh_hinh_tich_cuc_ukraine_hinh_anh_mjni.jpg
Binh sĩ Ukraine tại miền Đông (Ảnh Reuters)

Dù không có biện pháp cụ thể nào được thông qua, song theo OSCE, cuộc gặp đã diễn ra trên tinh thần xây dựng.

Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp, đại diện OSCE Martin Sajdik cho biết, công việc diễn ra “rất xây dựng” và các bên đều có thể nhìn thấy, mọi việc đang tiến triển. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra trong 2 tuần tới và khi đó một số biện pháp cụ thể có thể sẽ được thông qua.

“Tôi cho rằng, chúng ta có thể hi vọng một số biện pháp cụ thể sẽ sớm được thông qua. Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận sâu về việc mở rộng lệnh rút vũ khí sang các loại vũ khí có cỡ nòng dưới 100mm và vấn đề có thể sẽ được quyết định tại cuộc gặp sắp tới dự kiến diễn ra trong 2 tuần tới”, ông Sajdik nói.

Đây là lần đầu tiên ông Sajdik chủ trì cuộc gặp của nhóm tiếp xúc về Ukraine sau khi bà Heidi Tagliavini từ chức hồi tháng 6 vừa qua.

Về phần mình, đại diện phe đối lập tại miền Đông Ukraine dù thừa nhận đàm phán đã đạt bước tiến, song tiếp tục cáo buộc chính quyền Ukraine “không chủ động” trong các cuộc đàm phán.

Bất chấp lệnh ngừng bắn được thực thi từ hôm 15/2 sau khi các phe phái đối lập tại Ukraine kí thỏa thuận hòa bình Minsk lần thứ 2, xung đột vẫn diễn ra gần như hàng ngày tại miền Đông Ukraine, nơi giao tranh đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.500 người kể từ khi bùng phát hồi tháng 4/2014.

Trước đó cùng ngày, trong một diễn biến liên quan có thể ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán, Bộ Năng lượng Ukraine cho biết, Nga đã ngừng cung cấp điện cho các khu vực do phe đối lập kiểm soát ở miền Đông Ukraine do không thanh toán đúng hạn các hóa đơn.

Đây dường như là một dấu hiệu nữa cho thấy Nga không quan tâm tới những kế hoạch nhằm chia cắt quốc gia láng giềng như Chính phủ Ukraine và phương Tây lâu nay vẫn cáo buộc.

Bộ Năng lượng Ukraine cũng cho biết thêm, Chính phủ Ukraine đang có những cuộc thảo luận hữu ích với Nga, 4 đường dẫn điện tới vùng lãnh thổ nằm ngoài quyền kiểm soát của chính phủ đã bị cắt.

Hiện phía Nga vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin, song trước đó hồi đầu tháng 7, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cũng khẳng định sẽ không cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu các hóa đơn không được thanh toán đầy đủ.

Cùng ngày, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố Ukraine cần một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) và Nga để đảm bảo việc vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ của Ukraine tới châu Âu.

 “Chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng, Ukraine muốn đảm bảo việc vận chuyển khí đốt và đảm bảo an ninh năng lượng. Để đạt được điều này, chúng tôi cần một thỏa thuận 3 bên giữa Ukraine, Nga và Liên minh châu Âu  về việc trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine tới châu Âu”, ông Yatsenyuk nói.

Ukraine đóng vai trò là trạm trung chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu. Nhưng kể từ khi quan hệ giữa Ukraine và Nga căng thẳng, Nga đã dần giảm vai trò trạm trung chuyển khí đốt quan trọng của Ukraine.

Hiện tỷ lệ khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine giảm xuống còn 40%, so với mức 74% của những năm trước đây. Ngoài ra, Ukraine và Nga còn bất đồng nghiêm trọng vì mức giá khí đốt./.