Cảnh sát Armenia ngăn chặn người biểu tình tại thủ đô Yerevan (Ảnh AP) |
1. Từ ngày 19/6 đến nay, hàng ngàn người dân Armenia đã bắt đầu tuần hành ở thủ đô Yerevan, yêu cầu chính phủ hủy bỏ kế hoạch tăng giá điện từ ngày 1/8 tới đây.
Sáng 22/6, Tổng thống Armenia Serzh Sarkisian ra thông báo sẽ đáp ứng một số điều kiện và tổ chức thương thuyết nhưng với điều kiện người biểu tình giải tán. Tuy nhiên, đề nghị của ông đã bị từ chối. Cùng ngày, 230 người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ.
Ngày 23/6, hơn 15.000 người biểu tình Armenia lại tập trung tại Quảng trường Tự do ở trung tâm thủ đô Yerevan, phong tỏa các tuyến giao thông trọng yếu, yêu cầu hủy quyết định tăng giá điện và phóng thích tất cả những người biểu tình bị bắt giữ. Sự kiện này gợi lên mối lo ngại về một "kịch bản Ukraine" có thể lặp lại tại Armenia.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tallinn, Estonia (Ảnh Reuters) |
2. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tuyên bố Mỹ sẽ cung cấp người và thiết bị cho lực lượng phản ứng nhanh NATO. Tuyên bố này đưa ra trong bối cảnh NATO có kế hoạch tăng gấp 10 lần số binh lính ở khu vực Đông Âu và Baltic, lên con số 40.000 người.
Ngày 23/6, Mỹ thông báo sẽ lần đầu tiên triển khai hàng loạt vũ khí hạng nặng ở Trung và Đông Âu. Đây được cho là động thái leo thang đối đầu giữa phương Tây với Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew bắt tay Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Đối thoại Mỹ- Trung (Ảnh AP) |
3. Cuộc Đối thoại Mỹ- Trung diễn ra trong 2 ngày 22-23/6, tập trung vào các nội dung: tiến trình đàm phán hiệp định đầu tư song phương, môi trường và biến đổi khí hậu, an ninh mạng và căng thẳng tại Biển Đông và Hoa Đông. Hai bên cũng thảo luận các bước chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới.
Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu trong cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, về thông tin do WikiLeaks tiết lộ (Ảnh AP) |
4. Ngày 23/6 WikiLeaks tiết lộ trên một số phương tiện truyền thông của Pháp, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã do thám 3 đời Tổng thống Pháp - gồm hai cựu Tổng thống Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và đương kim Tổng thống François Hollande.
Các tài liệu bị rò rỉ bao gồm các đoạn hội thoại giữa các quan chức chính phủ Pháp về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tương lai của Liên minh châu Âu, mối quan hệ giữa chính phủ Pháp và chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, các nỗ lực của Pháp trong việc xây dựng hệ thống nhân viên điều hành của Liên hợp quốc và những tranh cãi giữa Pháp và Mỹ về chương trình do thám của Mỹ...
Đảng Xã hội của Tổng thống Pháp Hollande đã ban hành một tuyên bố bày tỏ sự giận dữ cho rằng việc Mỹ do thám các nhà lãnh đạo nước này là hành động không thể dung thứ.
Người dân Pakistan mua nước đá mong giải nhiệt trong đợt nắng nóng kéo dài (Ảnh Reuters) |
5. Giới chức y tế tại khu vực miền Nam Pakistan vừa thông báo, tới nay, số người chết vì nắng nóng tại nước này ước tính đã lên tới gần 800 người. Đợt nắng nóng này còn kéo dài khiến người ta lo ngại về số lượng người tử vong và mắc bệnh sẽ còn tăng lên./.