Việc hai miệng hố bí ẩn đã được mở ra tại vùng đất lạnh của khu tự trị Yamalo-Nenets, phía Bắc nước Nga đang khiến giới khoa học Nga hết sức quan tâm.
Miệng hố lớn thứ hai xuất hiện vừa qua đã được phát hiện tại khu tự trị Yamalo-Nenets vào ngày 21/7 và mới đây được công bố trên truyền hình. Miệng hố này có đường kính khoảng 15m và có thể nhìn thấy các cục tuyết bên trong đó.
Các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang nỗ lực tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này. Theo nhà địa chất học Konstantin Ranks, có thể khí gas tự nhiên thải ra do biến đổi khí hậu đã gây ra việc hình thành những miệng hố đó.
Cơ quan nghiên cứu Bắc cực tại Tyumen cho rằng nhiệt độ đóng băng vĩnh cửu đang dần tăng lên trong vùng khí gas tự nhiên Bovanen Kovskoye trên bán đảo Yamal phía Bắc nước Nga, gần nơi miệng hố đầu tiên xuất hiện. 40 năm trước, chỉ số này là -8oC nhưng hiện nay nhiệt độ đo được là -3oC.
“Có thể đây là lý do tại sao quá trình thải khí metan từ những khu vực băng mỏng lại nằm sâu trong vùng đất lạnh ở phía Bắc”, ông Ranks cho biết trong một bài báo đăng trên trang Slon.ru.
Việc không có lời giải thích rõ ràng về hiện tượng kỳ bí này đã dẫn đến sự bàn tán về các giả thuyết khác nhau trên các mạng xã hội. Có người cho rằng đây là dấu vết của một vụ thử nghiệm vũ khi hạt nhân, người thì giả thiết về một căn cứ của người ngoài hành tinh dưới lòng đất.
Trước đó, tin tức về miệng hố đầu tiên được lan truyền từ những người chăn nuôi tuần lộc địa phương khi những người này cho biết họ đã thấy một thiên thể đã rơi xuống tại khu vực này (cách làng Antipayut 90km).
Các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Bắc cực và Viện quyển băng Trái đất đã nghiên cứu miệng hố đầu tiên này vào ngày 16/7. Họ đo nền bức xạ của miệng hố và kết luận rằng không có bức xạ nào nguy hiểm tại đây.
Các đoạn phim ghi lại hiện tượng bí ẩn này lập tức thu hút được sự chú ý của công chúng. Hiện nay, tổng số lượt xem của các video về các miệng hố đã lên tới vai chục triệu lượt xem./.