Ngày 27/10, một ngày sau khi hàng chục phụ nữ Saudi Arabia thực hiện chiến dịch đòi quyền được lái xe cho nữ giới, dư luận vẫn đang dõi theo phản ứng từ phía chính quyền xem liệu chiến dịch này sẽ dẫn đến việc nới lỏng các hạn chế đối với phụ nữ hay những người có hành vi thách thức sẽ bị bắt giữ.

phu-nu-arab-lai-xe-1.jpg
Những người phụ nữ Saudi Arabia vẫn phải tiếp tục chiến đấu để đòi quyền được lái xe (Ảnh: Corbis)

Những người ủng hộ chiến dịch đòi quyền được lái xe cho phụ nữ Saudi Arabia thì cho rằng, chiến dịch này đã thành công khi có nhiều phụ nữ hưởng ứng lời kêu gọi bất chấp việc an ninh được tăng cường tại thủ đô Riyadh.

Trái ngược với những phản ứng có phần gay gắt của chính quyền sau 2 chiến dịch tương tự trước đó vào năm 1990 và năm 2011, Bộ Nội vụ Saudi Arabia vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào về vụ việc trên.

So với các phong trào năm 1990 và 2011, phong trào đòi quyền lái xe lần này đã nhận được sự ủng hộ ngày một rộng rãi hơn của xã hội Saudi Arabia. Ngay cả cảnh sát Arab Saudi cũng không muốn bắt giữ những phụ nữ một mình lái xe trên đường.

Arab Saudi là một trong những quốc gia quân chủ chuyên chế, với truyền thống Hồi giáo lâu đời. Trong một xã hội như vậy, nhiều quyền lợi của phụ nữ bị cấm đoán. Một trong những điều cấm là việc phụ nữ không được lái xe ra đường khi không có sự giám sát của đàn ông.

Tuy luật pháp Saudi Arabia không có quy định cụ thể cấm phụ nữ lái xe nhưng việc Chính phủ nước này không cấp giấy phép lái xe cho nữ giới đã gián tiếp ngăn cản phụ nữ Saudi Arabia được tự do thực hiện nguyện vọng chính đáng của họ.

Sau khi các đoạn video phụ nữ Saudi Arabia lái xe được đăng tải lên YouTube, Ahmed Alibrahim, một cố vấn của Hoàng gia và các quan chức Saudi Arabia đưa ra nhận xét cho rằng: “Nếu bạn có một cuộc tranh luận trong gia đình, bạn không nên biến nó thành câu chuyện của xã hội, không nên đưa nó lên YouTube và các cơ quan truyền thông khác”.

Trong khi đó, các nhà hoạt động xã hội kêu gọi hưởng ứng phong trào này cho biết, một số phụ nữ tham gia vào chiến dịch này hôm 26/10 vừa qua đã bị cảnh sát bắt giữ và yêu cầu ký cam kết không tái phạm.

Zaki Safar, một nam kỹ sư 29 tuổi, ủng hộ phong trào đấu tranh của phụ nữ, nói: "Phụ nữ bị đuổi việc chỉ vì họ muốn được lái xe. Đây là một sự xúc phạm đối với phụ nữ, vì họ còn không được tôn trọng bằng một chàng trai 16 tuổi, chỉ vì xã hội chúng ta coi trọng đàn ông".

Sara Haidar, 32 tuổi, con gái của một nhà hoạt động xã hội nói: “Bạn nghĩ gì khi bạn đi ngược lại với thế giới, khi bạn là quốc gia duy nhất? Đó là một vấn đề nghiêm trọng và cần phải thay đổi ngay lập tức”.

Nhà tâm lý học Madeha al Ajroush, người đã từng tham gia những chiến dịch tương tự trước đó cho hay, bà đã từ bỏ ý định tham gia chiến dịch đòi quyền lái xe cho phụ nữ ngày 26/10 vì không thể thoát khỏi sự kiểm soát của những người đàn ông mặc thường phục. Cũng theo bà Ajroush, bà đã bị mất việc vì những lần tham gia đòi quyền lái xe trước đó.

Tuy nhiên, bà Ajroush cho rằng, so với những gì đã diễn ra trước đây thì chiến dịch lần này đã đạt được những thành công nhất định khi giành được sự ủng hộ nhiều hơn. Bà Ajroush cũng cho rằng, sẽ cần phải có thêm thời gian để thay đổi nhận thức của xã hội và đó là một quá trình lâu dài./.