Tỷ lệ ủng hộ đại diện của các đảng Lao động và Phong trào Dân chủ Brazil đều giảm trong khi những ứng viên thiên về cánh hữu lại dẫn đầu ở những thành phố lớn.

rousseff_qzuw.jpg
Cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tại một điểm bỏ phiếu. Ảnh: AP

Chuyên gia phân tích chính trị Brazil Geraldo Tadeu Monteiro nhận định, đảng Lao động đã phải chịu thất bại nặng nề nhất: “Nếu chúng ta xem xét 27 thủ phủ các bang thì đảng Lao động chỉ chiến thắng ở Rio Branco, Acre và phải bước vào vòng 2 ở Recife.

Chúng ta chứng kiến sự biến mất gần như hoàn toàn của đảng Lao động ở các thủ phủ lớn. Nếu xem xét trên 92 thành phố cả nước với hơn 200.000 cử tri, đảng Lao Động cũng biến mất khỏi tất cả. Đây thực sự là kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử đảng Lao động”.

Tin tức về sự thất bại của đảng Lao động trong cuộc bầu cử địa phương cuối tuần qua chiếm lĩnh hầu hết tất cả các mặt báo lớn ở Brazil. Thất bại thảm hại nhất của đảng Lao động là ở Sao Paulo, thành phố lớn nhất nước này, khi ứng viên của đối thủ chính là đảng Dân chủ Xã hội Brazil (PSDB), triệu phú Joao Doria được bầu làm thị trưởng.

Nhà xã hội học Paulo Baia chỉ ra nguyên nhân của thất bại ê chề này: “Có 2 thực tế, đó là việc chiến dịch chống tham nhũng phanh phui nhiều quan chức cấp cao của đảng Lao động trong khi nhiệm kỳ 2 của bà Rousseff không cải thiện được tình hình. Những yếu tố này dẫn tới việc bà Rousseff bị luận tội còn quan hệ giữa đảng Lao động vơi các đảng khác thì rạn nứt”.

Trong khi đó, đảng Phong trào dân chủ Brazil của đương kim Tổng thống Temer dẫn đầu về số lượng thị trưởng trên khắp các thị trấn nhỏ và vừa, với chiến thắng ở ít nhất 1.000 điểm nhưng lại để mất vị trí thị trưởng tại thành phố thịnh vượng và nổi tiếng vốn vẫn được coi là “thành trì” của họ, Rio de Janeiro.

Thay vào đó, một giám mục theo đường lối bảo thủ, Thượng nghị sỹ Marcelo Crivella sẽ đối đầu với ứng viên đảng cánh tả Chủ nghĩa xã hội và tự do (PSOL) tách ra từ đảng Lao động.

Cuộc bầu cử địa phương lần này được cho là một bài “phép thử” cho các đảng phái chính trị của Brazil trước cuộc đua vào vị trí Tổng thống diễn ra năm 2018.

Kết quả có thể coi là “sự trừng phạt” của cử tri cho những đảng dính líu đến tham nhũng và đẩy nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ này vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kể từ những năm 1930.

Ngoài sự bất mãn vì tình hình tham nhũng, suy thoái trong nước, cử tri còn tỏ ra thờ ơ với việc bỏ phiếu. Tính riêng tại Sao Paulo, gần 40% số cử tri đã bỏ phiếu trắng hoặc vắng mặt tại nơi bầu cử - dù đi bầu là bắt buộc về mặt pháp luật ở Brazil.

Cuộc bỏ phiếu lần này là cuộc bầu cử đầu tiên tại Brazil sau khi nước này ban hành lệnh cấm các tập đoàn đóng góp tài chính cho các chiến dịch tranh cử, một động thái nhằm làm trong sạch chính trường sau bê bối tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Tuy nhiên, biện pháp này lại giúp các ứng cử viên vốn có tiềm lực tài chính cá nhân mạnh vươn lên và hiện chưa rõ điều này sẽ tác động như thế nào đến chính trường Brazil trong lâu dài./.