Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và hiện đã lan ra 152 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 175.000 người và làm hơn 7.000 người tử vong. Tại khu vực Đông Nam Á, dịch này đã lan ra 8 trên 11 quốc gia. Indonesia ghi nhận 277 trường hợp mắc Covid-19, Thái Lan có 127 trường hợp, Ấn Độ 125 trường hợp, Sri Lanka có 19 trường hợp, Maldives có 13 trường hợp, 5 trường hợp tại Bangladesh, và một trường hợp ở Nepal van Bhutan.
Indonesia là quốc gia có số tử vong vì Covid-19 cao nhất trong khu vực ASEAN. Ảnh: Star Online. |
Indonesia là quốc gia có số tử vong vì Covid-19 cao nhất trong khu vực ASEAN. Tính đến chiều ngày 18/3/2020, Indonesia có 19 trường hợp tử vong trong số 277 trường hợp mắc Covid-19. Tỉ lệ tử vong của nước này là 8,37%. Sau đó là Philipines với 14 trường hợp tử vong trong số 187 ca dương tính.
Mặc dù có tới 673 trường hợp dương tính với Covid-19, song Malaysia mới chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong (tỉ lện 0,3%), trong khi đó, Thái Lan có 1 trường hợp tử vong trong số 187 trường hợp dương tính. Chỉ có Lào và Myanmar là chưa ghi nhận trường hợp nào mắc Covid-19 và các quốc gia còn lại chưa có trường hợp tử vong do dịch bệnh này.
Mối lo ngại đã tăng lên sau một loạt các trường hợp nhiễm mới bắt nguồn từ một sự kiện tôn giáo lớn được tổ chức từ ngày 27/2 đến ngày 1/ 3 tại Kuala Lumpur, Malaysia, mà nhiều người đã tham dự, đặc biệt là từ các nước láng giềng. Tại buổi lễ Tabligh, một sự kiện đọc kinh Qur'an quy mô lớn đi kèm với thuyết giảng, có sự tham gia của khoảng 7.500 người Malaysia và khoảng 1.500 người nước ngoài, bao gồm 696 người Indonesia, 215 người Philippines, 130 người Việt Nam, 90 người Singapore, 79 người Campuchia và 74 người Brunei, báo cáo của The Straits Times.
Khuyến cáo cho các nước trong khu vực của WHO
Trước sự tăng đột biến các ca mắc Covid-19 tại khu vực này, Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc văn phòng khu vực Đông Nam Á, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, các nước cần tăng cường mọi nỗ lực từ các cộng đồng để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-COV2.
Theo Tiến sĩ Poonam, nhiều ổ dịch mới đã xuất hiện tại khu vực này, do vậy các nước trong khu vực cần phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp và tích cực ngay từ bây giờ, trong đó có việc tăng cường phản ứng để giảm sự lây lan, xây dựng các cơ chế khẩn cấp, chuẩn bị mạng lưới cơ sở y tế và bệnh viện.
Bên cạnh đó, WHO cũng yêu cầu các nước cần có các biện pháp kiểm dịch độc lập để giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và giảm sự lây lan của virus. Tiến hành xét nghiệm và cách ly tất cả các trường hợp nghi ngờ, tiếp xúc với các ca dương tính với virus SARS-COV2. Chuyên gia của WHO cũng cho biết các biện pháp đơn giản như rửa tay, giãn cách xã hội cũng rất quan trọng trong việc đối phó và giảm sự lây lan của Covid-19.
Trước sự tăng lên của các ca nhiễm bệnh, trong tuần vừa qua, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn sự lây lan, kể cả việc ngừng cấp visa cho người nước ngoài, phong toả khu vực có dịch bệnh, đóng cửa trường học và huỷ các sự kiện thể thao./.