"Nga chắc chắn không làm bất kỳ điều gì để làm dịu cuộc khủng hoảng và trên thực tế còn lợi dụng tình hình hiện nay", ông Hochstein nhận định trên CNBC ngày 10/11.

CNBC đưa tin, Nga không cung cấp thêm khí tự nhiên sang châu Âu vào tháng 11 mặc dù nước này khẳng định sẵn sàng giúp đỡ.

Giá khí đốt châu Âu đã tăng cao kỷ lục vào tháng 10 giữa bối cảnh nhu cầu phục hồi sau đại dịch gia tăng trong khi các hầm dự trữ khí đốt thấp hơn bình thường và nguồn cung bị hạn chế.

Nga bắt đầu giảm bơm khí đốt sang châu Âu từ tháng 8 và một số nhà phân tích phương Tây cáo buộc, Moscow đang làm vậy để gây sức ép nhằm thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, vận chuyển trực tiếp khí đốt từ Nga sang Đức qua Biển Baltic.

Đường ống này đang chờ được các nhà điều hành Đức thông qua nhưng hiện đối mặt với sự phản đối vì nhiều lý do, trong đó có mối lo ngại rằng Dòng chảy phương Bắc 2 không phù hợp với các mục tiêu về khí hậu của châu Âu.

Trên lĩnh vực địa chính trị, Mỹ lo ngại rẳng dự án này sẽ giúp Moscow gia tăng ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt của châu Âu. Năm 2020, khoảng 43% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu đến từ Nga. Kiev cũng e ngại rằng, Nga sẽ bỏ qua đường ống trung chuyển ở Ukraine và nước này sẽ mất đi nguồn doanh thu đáng kể.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 10/11 nhận định với báo giới rằng Mỹ đang theo dõi "rất sát sao" xem liệu Nga có đang sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị hay không.

"Nếu Nga sử dụng năng lượng như một vũ khí hay tiến hành những hành động hung hăng nhằm vào Ukraine, chúng tôi và Đức sẽ có hành động tương xứng", Ngoại trưởng Mỹ khẳng định./.