Ngay từ những ngày mới ra đời, phát thanh đã được đánh giá là loại hình truyền thông hiệu quả nhất đối với nhân loại. Sóng phát thanh có thể vượt qua biên giới, tiếp cận với tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi, với chi phí vừa phải hơn so với các loại hình khác.
Trong thời đại hội tụ công nghệ hiện nay, bộ mặt của phát thanh đang thay đổi đáng kể thông qua việc ứng dụng những định dạng công nghệ hiện đại, những phương tiện như băng thông rộng, điện thoại di động, máy tính bảng…
Trong suốt chiều dài lịch sử đã có rất nhiều phát minh kỹ thuật và nội dung thúc đẩy sự phát triển của phát thanh và những đóng góp của loại hình này đối với xã hội. Và không có cách nào tốt hơn, thống nhất hơn là tạo ra một ngày kỷ niệm ngành phát thanh toàn cầu. Ý tưởng này đã được Viện Phát thanh Tây Ban Nha đề xuất với UNESCO từ năm 2008.
Sáng kiến
Đầu tiên, Viện Phát thanh Tây Ban Nha đề xuất ngày 30/10, ngày phát sóng chương trình kịch truyền thanh “Đại chiến thế giới” của đạo diễn Orson Welles vào năm 1938 là Ngày Phát thanh Thế giới. Đề xuất này nhận được sự đồng thuận của tất cả các đài phát thanh trên thế giới.
UNESCO bắt đầu tiến hành quá trình khảo sát rộng rãi vào tháng 6/2011, bao gồm tất cả các bên liên quan (các hiệp hội phát thanh truyền hình công cộng, nhà nước, tư nhân, cộng đồng, các đài phát thanh truyền hình quốc tế, các cơ quan LHQ, các quỹ và các dự án, các tổ chức phi chính phủ liên quan đến truyền thông, các học viện, các cơ quan phát triển song phương, cũng như các phái đoàn thường trực UNESCO và Uỷ ban Quốc gia. 91% đơn vị được khảo sát ủng hộ sáng kiến.
Ngày Phát thanh Thế giới 13/2 (ảnh: UNESCO) |
Cơ quan đề ra sáng kiến Ngày Phát thanh, Viện Phát thanh Tây Ban Nha (Academia Española de la Radio) nhận được hơn 46 thư ủng hộ từ các tổ chức truyền thông quốc tế, trong đó có Hiệp hội PTTH các quốc gia Arab (ASBU), Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Châu Á- Thái Bình Dương (ABU), Hiệp hội PTTH Châu Phi (AUB ), Hiệp hội PTTH Châu Âu (EBU), Hiệp hội Truyền thông Quốc tế (IAB), Hiệp hội các đài truyền hình Bắc Mỹ (NABA), BBC, URTI, Vatican radio, v.v.
Chọn lựa
Ban Chấp hành UNESCO đã khảo sát tính khả thi của sáng kiến Ngày Phát thanh Thế giới của Viện Phát thanh Truyền hình Tây Ban Nha, và kiến nghị Đại Hội đồng công bố Ngày Phát thanh Thế giới.
Sau một cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi vào ngày 29/9/2011 giữa các thành viên của Ban Chấp hành UNESCO, ngày 13/2, ngày đầu tiên phát sóng chương trình phát thanh Liên Hiệp Quốc năm 1946, đã được lựa chọn là ngày Phát thanh Thế giới.
Phiên họp thứ 36 Đại hội đồng UNESCO công bố Ngày Phát thanh Thế giới là ngày 13/2.
Thành lập ủy ban chuyên trách
Ủy ban Quốc tế về Ngày Phát thanh Thế giới được thành lập với sự tham gia của những cơ quan phát thanh truyền hình danh tiếng, những tổ chức hỗ trợ cho công tác triển khai Ngày Phát thanh Thế giới trong Liên Hiệp Quốc.
Mục đích việc thành lập là nhằm quảng bá ở phạm vi sâu rộng việc kỷ niệm Ngày Phát thanh Thế giới, thông qua các hoạt động khác nhau tôn vinh ngành phát thanh và những hợp tác quốc tế giữa các cơ quan truyền thông, cổ vũ các nhà hoạch định chính sách tối ưu hóa khả năng tiếp cận thông tin thông qua phát thanh, trong đó không thể không kể đến vai trò của Đài phát thanh cộng đồng. Đây là cơ hội để thính giả toàn cầu có cái nhìn sâu sắc hơn đối với giá trị đặc biệt của phát thanh, loại hình truyền thông có đối tượng lớn và hiện đang đối diện với cuộc cách mạng công nghệ về các định dạng của phương tiện tiếp nhận.
Những tổ chức nằm trong Ủy ban này gồm có: ITU (Liên hiệp Viễn thông Quốc tế), Academia Española de la Radio (Viện Phát thanh Tây Ban Nha), ABU (Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Châu Á- Thái Bình Dương), AIBD (Viện Phát triển PTTH Châu Á- Thái Bình Dương), EBU (Hiệp hội PTTH Châu Âu), ASBU (Hiệp hội PTTH các quốc gia Arab), URTI (Hiệp hội PTTH Quốc tế), AUB (Hiệp hội PTTH Châu Phi), IAB (Hiệp hội Truyền thông Quốc tế), AER (Hiệp hội các Đài Phát thanh châu Âu), AMARC (Hiệp hội Quốc tế các Đài Phát thanh Cộng đồng), BNNRC (Hiệp hội các Tổ chức Phi Chính phủ đối với Phát thanh và Truyền thông tại Bangladesh).
Để chào mừng sự kiện, trong khuôn khổ phiên họp của Đại hội đồng ASBU (Hiệp hội Phát thanh Truyền hình các quốc gia Arab) vào tháng 12/2012, Ban Tổ chức đã có sáng kiến mở trang web www.wrd13.com nhằm tạo điều kiện trao đổi các chương trình phát thanh trên toàn cầu. Các cá nhân, từ những đạo diễn chương trình phát thanh, thính giả, người yêu Đài đến các Đài phát thanh tư nhân, Đài phát thanh công, Đài cộng đồng… đều được mời gửi chương trình hưởng ứng. Ban Tổ chức cho biết các chương trình xuất hiện trên diễn đàn đều có thể tải xuống miễn phí sau khi người sử dụng đóng góp một file âm thanh không quá 60 giây vào diễn đàn. Bên cạnh đó, các cá nhân và tổ chức có thể sử dụng biểu ngữ cổ động và logo của sự kiện bằng cách chia sẻ trên website riêng hoặc qua các trang mạng xã hội./.