Sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn độc lập đa mục tiêu(MIRV) ở châu Á có thể sẽ châm ngòi cho các cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân quyết liệt tại khu vực này.

Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pakistan được cho là sẽ tiến hành đàm phán về một lệnh cấm đối với các loại tên lửa đạn đạo MIRV. Ở thời điểm hiện tại, cả Mỹ và Nga đều biên chế những loại tên lửa MIRV, trong khi đó Trung Quốc và Ấn Độ đang có ý định sở hữu loại tên lửa này.

w87_mx_qqes.jpg 

  Đồ họa một quả tên lửa MIRV Peacekeeper của Mỹ (Ảnh: wikipedia)

Nếu Trung Quốc và Ấn Độ sở hữu MIRV, thì điều này rất có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở châu Á giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, sau đó nhanh chóng lan ra cả Nga và Mỹ. 

Các tên lửa đạn đạo MIRV có sức phá hủy lớn bởi vì chúng có thể phát huy tác dụng lớn ngay loạt khai hỏa đầu tiên. Do các tên lửa MIRV có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc và tập trung nhiều đầu đạn vào cùng một mục tiêu, nên điều này làm gia tăng mối đe dọa đối với các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Các kho vũ khí hạt nhân của họ có thể bị phá hủy bởi một cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa đạn đạo MIRV. Bên cạnh đó, những nước sở hữu MIRV cũng cần thêm số lượng đầu đạn hạt nhân để trang bị cho các tên lửa MIRV.

Điều này có thể thấy rõ từ các cuộc chay đua vũ khí hạt nhân giữa các siêu cường thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mỹ triển khai tên lửa MIRV đầu tiên của thế giới The Minutenman III năm 1970, thời điểm các siêu cường có khoảng 38.000 đầu đạn hạt nhân. 10 năm sau họ có hơn 54.000 đầu đạn hạt nhân. Một thập kỷ sau khi Liên Xô triển khai tên lửa MIRV đầu tiên năm 1974, các siêu cường đã có khoảng 63.000 đầu đạn hạt nhân. Điều này cho thấy rằng, việc các siêu cường triển khai tên lửa MIRV là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số đầu đạn hạt nhân.

 

 Một vụ thử hạt nhân (Ảnh: mikedaisey)

Các cường quốc hạt nhân châu Á hiện chỉ có các kho vũ khí hạt nhân tương đối nhỏ và phụ thuộc chủ yếu vào tên lửa đạn đạo để triển khai chúng. Nếu Ấn Độ và Trung Quốc sở hữu năng lực MIRV thì nhiều khả năng các kho vũ khí hạt nhân của những nước này sẽ được mở rộng đáng kể, đồng thời nhiều vũ khí hạt nhân hơn sẽ được sản xuất để trang bị cho những tên lửa MIRV.

Sự thất bại trong việc cấm MIRV rất có thể sẽ dẫn đến các cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tốn kém và nguy hiểm ở châu Á. Trong bối cảnh hiện tại, việc Trung Quốc phát triển sức mạnh quân sự thông thường và cùng với đó là những tuyên bố chủ quyền cứng rắn hơn đối với lãnh thổ tranh chấp với các quốc gia khác, sẽ tạo ra áp lực khiến các quốc gia láng giềng "không vũ khí hạt nhân" tìm cách sở hữu các vũ khí chiến lược để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc.

Thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, sự vượt trội về vũ khí thông thường cho phép Mỹ đề xuất quá trình giải giáp vũ khí hạt nhân mặc dù trước đó trong Chiến tranh Lạnh Mỹ phải dựa vào vũ khí hạt nhân để ngăn chặn Liên Xô. Nếu sự phát triển vũ khí thông thường của Trung Quốc tiếp tục với tốc độ như hiện tại trong hơn 1 thập kỷ tới, Mỹ sẽ gần như không thể "bảo vệ" khu vực Đông Á bằng phương tiện quân sự thông thường. Trong trường hợp đó, Mỹ có thể sẽ phải một lần nữa dựa vào năng lực vũ khí hạt nhân của mình./.