Liên minh đối lập Syria vừa bỏ phiếu thông qua việc cử phái đoàn tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 2 về hòa bình Syria, hay còn gọi là Hội nghị Geneva 2 dự kiến diễn ra vào ngày 22/1 tới.

Như vậy, sau nhiều lần trì hoãn, các đại diện của chính quyền Syria và phe nổi dậy sẽ ngồi vào bàn đàm phán lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Syria cách đây gần 3 năm.

(ảnh: citypress)

Tại cuộc bỏ phiếu kín diễn ra hôm qua ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), 58 thành viên của Liên minh dân tộc Syria, tổ chức đối lập chính của Syria ở nước ngoài, đã bỏ phiếu ủng hộ việc tham dự Hội nghị Geneva 2, trong khi số phiếu chống là 14. Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau nhiều giờ tranh luận căng thẳng.

Theo Chủ tịch liên minh đối lập Syria Jarba, mục đích duy nhất của việc tham gia Hội nghị Geneva 2 là nhằm thực hiện những yêu cầu của cuộc cách mạng và trước tiên là nhằm tước bỏ mọi quyền hạn của Tổng thống Bashar al-Assad.

“Vấn đề hiện nay không phải là lựa chọn giữa súng trường và cành ô-liu. Chúng tôi chấp nhận tham gia đàm phán như một phần của các nỗ lực nhằm đi tới chiến thắng cuối cùng. Chúng tôi bước vào Hội nghị Geneva 2 với tâm lý thoải mái nhất.”

Cùng ngày, Người phát ngôn Hội đồng dân tộc Syria cho biết, ba nhóm đối lập trong nước cũng đã chấp thuận tham dự hội nghị Geneva 2 và tuyên bố ủng hộ Hội đồng dân tộc Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngay lập tức ra tuyên bố ca ngợi quyết định này của Liên minh dân tộc Syria là "một cuộc bỏ phiếu can đảm vì lợi ích của người dân Syria”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cho đây là “một quyết định khó khăn”. Trước đó 1 ngày, chính quyền Tổng thống Syria Assad cũng đã thông qua một số nhượng bộ đối với phe đối lập như thiết lập các hành lang viện trợ nhân đạo và trao trả tù nhân chính trị.

Như vậy, yếu tố quan trọng nhất quyết định việc Hội nghị Geneva 2 có thể diễn ra theo đúng kế hoạch hay không về cơ bản đã đạt được và cuối cùng sau nhiều tháng trì hoãn, các đại diện của chính quyền Syria và phe nổi dậy sẽ ngồi vào bàn đàm phán lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Syria cách đây gần 3 năm.

Mục tiêu của Hội nghị Geneva 2 là nhằm đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria với một thỏa thuận toàn diện giữa chính phủ và phe đối lập về việc thực thi đầy đủ Thông cáo Geneva, được thông qua ngày 30/1/2012 sau hội nghị Nhóm hành động về Syria, hay còn gọi là Hội nghị Geneva 1.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định còn nhiều trở ngại đối với các cuộc đàm phán, do phe đối lập Syria vẫn muốn ông Assad không nắm giữ vai trò gì trong giai đoạn chuyển tiếp ở Syria trong khi chính quyền Syria bác bỏ điều kiện này của lực lượng đối lập.

Chính phủ Syria cũng nhiều lần khẳng định, sẽ tham dự Hội nghị Geneva 2, song nhấn mạnh đây không phải là hội nghị chuyển giao quyền lực. Dẫu vậy, việc các bên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán đã là một tín hiệu tích cực. Còn việc hội nghị có thành công hay không thì lại cần rất nhiều nỗ lực của các bên liên quan, cũng như những động lực tích cực và khách quan từ cộng đồng quốc tế./.