Ngày 11/2, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã thúc giục cộng đồng quốc tế gửi thêm quân tới Cộng hòa Trung Phi, dù Liên Hợp Quốc đã điều động hàng nghìn binh sĩ gìn giữ hòa bình tới khu vực. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy, bất ổn an ninh tại Cộng hòa Trung Phi ngày càng trầm trọng.

Phát biểu với báo chí tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, tình trạng bạo lực sắc tộc, tôn giáo tại Cộng hòa Trung Phi tiếp tục diễn biến phức tạp, làm thay đổi cấu trúc dân chủ của đất nước, đe dọa gây chia rẽ đất nước.

phap_copy.jpg
Binh lính Pháp làm nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi (Ảnh: AP)

Cộng đồng quốc tế cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng diễn biến tồi tệ hơn, để bảo vệ dân thường, khôi phục trật tự hiến pháp, tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cũng như đảm bảo sự toàn vẹn của đất nước.

Theo ông Ban Ki-moon, phản ứng quốc tế hiện  nay vẫn chưa đủ mạnh để giúp Trung Phi đối phó với tình trạng nghiêm trọng trong nước. Thông qua Pháp, ông Ban Ki-moon cũng đề nghị các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) có thêm những đóng góp vào các hoạt động vãn hồi trật tự, an ninh tại quốc gia này.

Trước đó, ngày 10/2, ngoại trưởng các nước EU đã thông qua quyết định gửi phái bộ quân sự của liên minh gồm khoảng 500 quân đến  Cộng hòa Trung Phi. Dự kiến các binh sĩ EU sẽ tới quốc gia châu Phi này vào tháng 3 tới, và sẽ hoạt động trong thời gian sáu tháng.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi các lực lượng quốc tế đang triển khai ở Cộng hòa Trung Phi sử dụng vũ lực nếu cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công đẫm máu do các tay súng phiến quân tiến hành.

Những tuyên bố này một lần nữa cho thấy, bất ổn an ninh tại Cộng hòa Trung Phi tiếp tục diễn biến trầm trọng hơn. Bởi trên thực tế, Liên Hợp Quốc đã triển khai hơn 5.000 binh sỹ do Liên minh châu Phi (AU) đứng đầu tới Cộng hòa Trung Phi để tái lập an ninh, trong khi Pháp là 1.600 quân. Tuy nhiên, bất chấp động thái này, tình hình vẫn không được cải thiện. Tướng Francisco Seriano, người đứng đầu lực lượng quân đội Pháp tại Cộng hòa Trung Phi mới đây cũng bày tỏ lo ngại và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực nhằm chấm dứt bất ổn.

Ông Seriano nói: “Chúng ta cần nhanh chóng chấm dứt những bất ổn hiện nay, đặc biệt là ngăn chặn những hành vi lợi dụng tình hình hiện nay để gây chia rẽ đất nước. Đây mới chính là những kẻ thù đối với hòa bình đất nước.”

Cộng hòa Trung Phi, đất nước nằm sâu trong đất liền, từng là thuộc địa của Pháp, là một trong những nơi nghèo nhất trên thế giới. Cuộc khủng hoảng hiện nay đã khiến cuộc sống người dân tại quốc gia châu Phi này càng trở nên khó khăn hơn, đặt họ trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Theo Liên Hợp Quốc và các tổ chức cứu trợ, xung đột đã khiến 1/4 dân số nước này đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong khi ít nhất 2 triệu người dân cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Một người dân nói:“Chúng tôi đang rất cần lương thực. Chúng tôi đã phải sơ tán do xung đột và vì thế chúng tôi không có tiền để mua thức ăn cho bọn trẻ. Thực sự đây là một hoàn cảnh đáng buồn mà chúng tôi không hề mong muốn”.

Cộng hòa Trung Phi rơi vào hỗn loạn từ tháng 3/2013, khi liên minh Hồi giáo Seleka lật đổ Tổng thống Francois Bozize và đưa chỉ huy lực lượng này lên nắm quyền. Vụ đảo chính đã châm ngòi cho xung đột giáo phái bùng nổ giữa cộng đồng Thiên chúa giáo với Hồi giáo. Một chính phủ mới đã đươc lập nên để dẫn dắt tiến trình chuyển tiếp song cũng không thể ngăn chặn bạo lực và xung đột phe phái.

Đã có nhiều ý kiến lo ngại, nếu không hành động, khủng hoảng sẽ lan ra bên ngoài các đường biên giới của nước này và tác động đến toàn bộ khu vực, vốn đang đối mặt với những thách thức to lớn. Những ngày qua, cộng đồng quốc tế liên tục hối thúc chính phủ và người dân nước này nên nắm cơ hội có chính quyền chuyển tiếp mới cùng với sự ủng hộ của quốc tế để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay và hướng tới một xã hội ổn định, hòa bình./.